Thế giới giao thông

Peru “tạt gáo nước lạnh” vào siêu dự án đường sắt của Trung Quốc

28/09/2016, 08:54

Tân Tổng thống Peru Pedro Pablo Kuczynski đã “tạt gáo nước lạnh” vào đề xuất đường sắt nối hai đại dương của Trung Quốc.

Duong
Đường đứt đoạn là dự kiến tuyến đường sắt dài hơn 5.000km xuyên đại dương sẽ đi qua

Mới đây, tân Tổng thống Peru Pedro Pablo Kuczynski đã “tạt gáo nước lạnh” vào đề xuất đường sắt nối hai đại dương của Trung Quốc, vốn tràn trề hy vọng giảm chi phí vận tải hàng hóa từ Mỹ La tinh sang khu vực châu Á.

Tham vọng cú huých kinh tế

Năm ngoái, dưới nhiệm kỳ cựu Tổng thống Peru Ollanta Humala, ba nước Peru, Brasil và Trung Quốc hợp tác nghiên cứu tính khả thi của đường sắt dài 5.300km nối bờ biển Đại Tây Dương của Brasil với cảng nằm trên bờ biển Thái Bình Dương của Peru. Dự án đường sắt dài 5.000km này do Tập đoàn Kỹ thuật Đường sắt Eryuan Trung Quốc (CREEC) đề xuất, trị giá 10 tỉ USD, dự kiến bắt đầu xây dựng năm 2017 và hoàn thành năm 2025.

Tuy giới chức không tiết lộ hình thức thu hút tài chính để xây dựng đường sắt này nhưng khả năng sẽ sử dụng hình thức vay nợ từ Trung Quốc và Brasil. Một khả năng khác là sử dụng hình thức hợp tác công - tư (PPP) vốn được sử dụng rộng rãi tại Brasil. Phe ủng hộ dự án cho rằng, việc hợp tác giữa các doanh nghiệp Trung Quốc và công ty địa phương sẽ giúp phát triển kinh tế trong khu vực.

Giới chức ba nước hy vọng, đường sắt mới sẽ thay thế kênh đào Panama - tuyến hàng hải mà các nước Mỹ La tinh sử dụng để xuất khẩu hàng triệu tấn ngũ cốc, kim loại, khoáng chất cho Trung Quốc và các nước khác mỗi năm. Siêu dự án đường sắt xuyên Đại Tây Dương sẽ cắt giảm thời gian hành trình, giảm chi phí vận tải ngũ cốc từ Brasil tới Trung Quốc xuống khoảng 30 USD/tấn - giới chức Brasil cho Reuters biết. Trung Quốc là đối tác thương mại chính của cả Brasil và Peru. Với Brasil, Trung Quốc là nhà nhập khẩu lõi sắt, đậu nành hàng đầu trong khi Peru là nhà nhập khẩu lớn nhất về vàng và đồng. Hơn nữa, hiện nay kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc, cần mở rộng thị trường để phát triển; còn các nước Mỹ la tinh thiếu đầu tư hạ tầng trầm trọng.

Ủy ban Kinh tế LHQ về Mỹ La tinh ước tính, các nước Mỹ La tinh cần chi 6,2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào hạ tầng/năm - tương đương 320 tỉ USD mới đáp ứng được nhu cầu trong thập kỷ tới; Trong khi mức chi hiện nay mới chỉ dừng ở 2,7% GDP. Trợ lý giáo sư về chính sách phát triển toàn cầu tại Đại học Boston Kevin Gallagher nhận định, siêu đường sắt xuyên đại dương sẽ là cú huých mạnh để thúc đẩy kinh tế chậm phát triển châu Mỹ La tinh.

Thẳng thừng bác bỏ vì lo ngại môi trường

Tại cuộc họp báo tại Bắc Kinh trong chuyến thăm Trung Quốc kéo dài 5 ngày bắt đầu từ 13/9 vừa qua, tân Tổng thống Peru Pedro Pablo Kuczynski mới nhậm chức hồi tháng 7 đã thẳng thừng bác bỏ tính khả thi của dự án mang lại siêu lợi ích về kinh tế này: “Không hề căng thẳng hay tranh cãi, tôi nói với họ rằng, đường sắt xuyên Amazon có chi phí quá cao và có thể gây tác động xấu tới môi trường. Chúng tôi đang xem xét dự án một cách cẩn thận”. Mặt khác, ông Kuczynski cho biết, Công ty Đường sắt Trung Quốc rất quan tâm tới dự án xây dựng đường sắt trên bờ biển miền Trung của Peru như một phần trong chiến lược phát triển kinh tế thông qua cải thiện hạ tầng, theo Reuters.

Trước đó, ngay khi dự án được đệ trình, Valec - Cơ quan điều hành đường sắt Brasil cho rằng, việc xây dựng tuyến đường sắt xuyên biên giới với Peru là một nhiệm vụ khổng lồ, cần phải tạo ra một thành phố mới ngay giữa trái tim của Amazon. Valec phản đối lựa chọn tuyến đường sắt đi xuyên qua sông Amazon cùng dãy núi Andes vì sẽ làm tổn hại tới hệ sinh thái vô cùng nhạy cảm tại đây. Trong thông báo hiếm có từ Chính phủ Peru, các bộ trưởng văn hóa và môi trường đều khẳng định, trước khi dự án được xây dựng, các cộng đồng bản địa sẽ bị ảnh hưởng. Nhưng tại phiên điều trần mở tại Thượng viện Brasil vào 29/6, các đại diện CREEC đổ trách nhiệm thực hiện nghiên cứu tác động môi trường của dự án đường sắt này thuộc về Brasil và Peru.

Bà Julia Mello Neiva, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu nhân quyền và kinh doanh có trụ sở tại Brasil cho biết: “Trung Quốc đã và đang hoạt động ở nhiều nước trên thế giới và cũng gây ra rất nhiều vấn đề về không tôn trọng xã hội cũng như bảo vệ môi trường tại các nước bản địa”.

Trung Quốc nhiều lần bị hủy dự án vì lo ngại môi trường

Đầu tháng 3 năm nay, Trung Quốc được phen mừng hụt khi dự án xây dựng thành phố cảng Sri Lanka trị giá 1,4 tỉ USD bị tân Tổng thống Maithripala Sirisena hủy vì lo sợ dự án đầy tham vọng này gây ra thảm họa môi trường. Thành phố cảng này bao gồm nhà ở, đường đua công thức 1, bến du thuyền. Chính phủ đương nhiệm cáo buộc Chính phủ tiền nhiệm đã chấp nhận các thỏa thuận không có lợi vì các khoản vay của Trung Quốc.

Trước đó, dưới thời Tổng thống Mahinda Rajapakse, Bắc Kinh - chủ nợ duy nhất và lớn nhất của Sri Lanka luôn được đảm bảo các hợp đồng xây dựng đường bộ, đường sắt và cảng.  Cách đó hai năm, Trung Quốc cũng bị Myanmar hủy bỏ hợp đồng xây dựng tuyến đường sắt dài 1.215km trị giá 20 tỉ USD, nối bang Rakkhine miền Đông nước này với TP Côn Minh.

Dự án này mở đường cho Trung Quốc tiến ra Ấn Độ Dương qua lãnh thổ Myanmar bị dư luận cực lực lên án về tác hại môi trường, xã hội, an ninh quốc gia.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.