Doanh nghiệp đóng tàu gồng mình vượt khó
Đoàn công tác của Bộ GTVT do Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang chủ trì, kiểm tra công tác thực hiện Nghị quyết số 220 của Chính phủ, Quyết định số 136 của Bộ GTVT tại 2 công ty thuộc Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) tại Khánh Hòa.
Báo cáo với Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang, ông Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đóng tàu Nha Trang cho biết, năm 2023 mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng giá trị sản xuất toàn công ty đạt hơn 8,8 tỷ đồng. Doanh nghiệp vẫn duy trì việc làm cho 50 lao động, với thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng.
Với việc xúc tiến và ký được đơn hàng đóng mới tàu công trình, công ty vẫn đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động.
Năm 2024, công ty chú trọng công tác xúc tiến thị trường, thỏa mãn tốt nhất nhu cầu của khách hàng trong khu vực. Triển khai thực hiện tốt kế hoạch đã xây dựng, tăng cường kiểm soát quá trình thực hiện, điều chỉnh kịp thời và có giải pháp tháo gỡ để đảm bảo kế hoạch đã xây dựng được hoàn thành.
Tại Công ty TNHH MTV Đóng tàu Cam Ranh, ông Võ Ngọc Tuấn, Tổng giám đốc Công ty cũng cho biết, trong năm 2023, doanh nghiệp đã nỗ lực tìm kiếm hợp đồng đóng mới và sửa chữa và bàn giao được 20 lượt tàu. Doanh thu từ hoạt động sửa chữa đạt 200% so với kế hoạch năm, bù đắp một phần thiếu hụt từ doanh thu đóng mới.
Giá trị sản xuất năm qua đạt hơn 21 tỷ đồng (bằng 81% kế hoạch). Tổng doanh thu đạt hơn 37 tỷ đồng. Công ty vẫn duy trì 60 lao động với mức thu nhập bình quân 7,8 triệu đồng/người/tháng.
Năm 2024, trước tình hình thị trường tiếp tục gặp nhiều khó khăn do nhu cầu đóng mới của khách hàng trong khu vực cũng thấp, điều kiện về cơ sở hạ tầng, về tài chính không đủ đáp ứng. Công ty tiếp tục tập trung vào việc khai thác các khách hàng có nhu cầu đóng mới các sà lan 150-300T, tàu dầu từ 50-70m3.
"Công ty duy trì, sửa chữa các sản phẩm của các khách hàng truyền thống, tiếp tục chào giá các sản phẩm như kết cấu thép; làm dịch vụ để khai thác hạ tầng, đất, mặt nước của nhà máy để đảm bảo việc làm cho người lao động", ông Tuấn nói.
Đảm bảo chế độ cho người lao động
Sau báo cáo của lãnh đạo hai doanh nghiệp, ông Trần Mạnh Hà, Quyền giám đốc SBIC cho rằng, khó khăn của hai doanh nghiệp đều nằm trong bối cảnh chung trong giai đoạn hiện của nhiều doanh nghiệp đóng tàu. Hiện, hạ tầng đóng tàu của hai đơn vị đã xuống cấp, không thể tiến hành đóng mới những sản phẩm lớn. Mặc dù có việc làm nhưng chỉ để đảm bảo chi phí chi thường xuyên, số lượng người lao động cũng đã giảm sút trong thời gian qua. Khó khăn là vậy, nhưng hiện tại, các hoạt động sản xuất kinh doanh, các hoạt động bộ phận của hai đơn vị vẫn đảm bảo.
Sau khi kiểm tra, lắng nghe báo cáo của lãnh đạo hai công ty, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang đã chia sẻ khó khăn mà cán bộ, công nhân phải đương đầu trong nhiều năm qua. Thứ trưởng cũng ghi nhận nỗ lực vượt khó đảm bảo duy trì lao động sản xuất. Trong khó khăn, doanh nghiệp vẫn xây dựng được kế hoạch sản xuất, nỗ lực triển khai nhiều hợp đồng với khách hàng. Hiện, doanh nghiệp đang triển khai đóng mới một số tàu nhỏ và sửa chữa nhiều tàu khác. Ngoài ra, đơn vị cũng đang cho thuê tàu, làm một số dịch vụ để kiếm thêm thu nhập.
Thứ trưởng nhấn mạnh, theo pháp luật về phá sản, mọi việc sản xuất vẫn diễn ra bình thường. Khi doanh nghiệp nộp đơn phá sản không có nghĩa là đóng băng mọi hoạt động mà sản xuất kinh doanh, nhưng chịu sự giám sát của tòa án.
Vì vậy, mọi kế hoạch sản xuất kinh doanh của công ty vẫn đảm bảo. Đơn vị vẫn có thể ký những hợp đồng sản xuất trong năng lực của mình. Quá trình thực hiện phải đảm bảo chất lượng, số lượng, để có tài chính trang trải. Cùng lúc, các công ty phải liên hệ với tòa án, tiếp tục triển khai Nghị quyết 220 của Chính phủ.
"Việc triển khai phá sản diễn ra trong thời gian dài, vì vậy hai đơn vị phải chủ động chuẩn bị mọi đầy đủ mọi thủ tục, phối hợp chặt chẽ với tòa án để thực hiện từng bước.
Các doanh nghiệp phải ưu tiên rà soát mọi chế độ liên quan đến quyền lợi của người lao động. Giải quyết chế độ của người lao động phải đảm bảo tối đa quyền lợi cho họ, khó mấy cũng phải làm. Trước tiên, các bộ phận công ty rà soát toàn bộ hồ sơ, thông báo đến người lao động. Từ đó, bổ sung hồ sơ đầy đủ làm việc với các cơ quan liên quan, để sau này giải quyết đảm bảo chế độ.
Song song với đó, các công ty tiếp tục tìm kiếm việc làm cho công nhân. Duy trì được đà sản xuất kinh doanh để tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động", Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang yêu cầu.
Chính phủ mới đây đã ban hành Nghị quyết số 220 về việc xử lý Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) theo hướng phá sản Công ty mẹ - SBIC và 7 công ty con là công ty TNHH MTV đóng tàu Hạ Long, Phà Rừng, Bạch Đằng, Thịnh Long, Cam Ranh; Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Sài Gòn và Công ty TNHH MTV Đóng tàu và công nghiệp hàng hải Sài Gòn.
Cùng đó, thu hồi phần vốn của Công ty mẹ - SBIC tại Công ty CP Đóng tàu Sông Cấm; Tiếp tục xử lý đối với các doanh nghiệp thuộc SBIC, thu hồi tài sản và quyền tài sản của Công ty mẹ - SBIC và 7 công ty con tại các doanh nghiệp này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận