Đẩy mạnh phân cấp để quản lý hiệu quả, không còn khoảng trống
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Cục Đường thủy nội địa VN trong đổi mới tư duy, hoạt động, có nhiều chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Sang cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực đường thủy nội địa như: Công tác quản lý Nhà nước chưa phủ hết các địa bàn; chưa mạnh dạn tham mưu, đề xuất đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng..., cần có giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Đồng thời, Thứ trưởng lưu ý Cục Đường thủy nội địa VN trong triển khai nội dung công tác phân cấp, phân quyền lĩnh vực đường thủy nội địa; Thực hiện phương án chuyển giao về nhân sự và tài sản cho địa phương được phân cấp khi thực hiện Thông tư 33/2023 quy định về phân cấp công tác quản lý cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu.
"Thực tế nhiều nơi có khoảng trống về quản lý Nhà nước, cả trên tuyến trung ương và tuyến địa phương. Do đó, phân cấp cho địa phương không phải là thu hẹp địa bàn quản lý, mà phải rà soát, phân cấp lại, cụ thể, sao cho quản lý hiệu quả.
Đã đến lúc phải giải bài toán tổng thể về bộ máy, tổ chức và công tác quản lý nhà nước của Cục Đường thủy nội địa trong phạm vi cả nước, chuẩn bị cho sửa Luật Giao thông đường thủy nội địa, đảm bảo mục tiêu phủ kín quản lý Nhà nước và tăng cường năng lực, hiệu quả quản lý", Thứ trưởng Sang nói.
Thứ trưởng cũng lưu ý, trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và các đề án, cần tiếp tục sửa đổi căn cơ, toàn diện, bài bản Luật Giao thông đường thủy nội địa; lập điều chỉnh quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa.
Trong công tác đầu tư, bảo trì kết cấu hạ tầng, phấn đấu giải ngân 100% vốn bảo trì, có giải pháp giảm chi phí quản lý, vận hành, tăng chi phí nạo vé luồng tuyến; đồng thời có kế hoạch triển khai quy hoạch kết cấu hạ tầng. Đề xuất các dự án đầu tư; các hoạt động xúc tiến đầu tư để được bố trí vốn đầu tư công cho luồng tuyến, từ đó thu hút vốn xã hội hóa cho cảng bến, phương tiện.
Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, trước mắt hoàn thành nghiên cứu, triển khai thủ tục điện tử cho tàu thuyền ra vào cảng bến. Tăng cường thanh tra, kiểm tra nhằm chủ động phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực...
Ông Bùi Thiên Thu, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN nhấn mạnh, công tác quản lý Nhà nước năm 2023 đã đạt được những kết quả tích cực. Vận tải thủy tăng trưởng hơn 15%, kết nối được các phương thức vận tải đường bộ, cảng biển, phát huy được vai trò của đường thủy nội địa trong vận tải đa phương thức.
Tai nạn giao thông đường thủy giảm sâu về số người chết, giảm hơn 60% so với năm 2022. Ngân sách cho đường thủy tuy hạn chế nhưng cơ bản đáp ứng được công tác bảo trì, điều tiết, chống va trôi, đảm bảo ATGT. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế...
"Tuy vậy vẫn còn một số hạn chế như công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật tiến độ đảm bảo nhưng chất lượng vẫn còn một số vấn đề cần khắc phục. Trong công tác quản lý cảng, bến, còn tồn tại nhiều bến không phép. Nguồn nhân lực còn yếu và thiếu...", Cục trưởng Bùi Thiên Thu thẳng thắn nhìn nhận và nhấn mạnh sẽ có giải pháp quyết liệt khắc phục trong thời gian tới, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Thúc đẩy chuyển đổi số, tạo thuận lợi vận tải
Trước đó, Phó cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN Hoàng Minh Toàn cho biết, năm 2023 Cục đã đạt được một số kết quả nổi bật trong triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật tiếp tục được triển khai quyết liệt, kịp thời, hiệu quả; chất lượng văn bản QPPL lĩnh vực đường thủy đã được cải thiện, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh lĩnh vực giao thông đường thủy với các loại hình giao thông truyền thống khác.
Theo đó, đã trình hoặc phối hợp trình Bộ GTVT theo đúng tiến độ được giao với 4 nghị định và 8/8 thông tư; đồng thời, tổng hợp và báo cáo Bộ GTVT về việc nghiên cứu, hoàn thiện báo cáo tổng kết thi hành Luật Giao thông đường thủy nội địa.
Công tác quản lý điều hành hoạt động vận tải đường thủy tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Sản lượng vận tải tiếp tục tăng so với năm 2022 và là một trong những chỉ tiêu quan trọng góp phần phục hồi và phát triển kinh tế đất nước. Vận tải hành khách đường thủy nội địa đạt 289,83 triệu lượt khách, tăng 20,8% so với năm 2022; về hàng hóa đạt 431,42 triệu tấn, tăng 18,5%; góp phần quan trọng trong thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT đảm bảo tăng trưởng bình quân toàn ngành khoảng 9% năm tại Hội nghị tổng kết Bộ GTVT năm 2022.
Công tác quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, phòng, chống thiên tai tiếp tục được thực hiện hiệu quả, kịp thời khắc phục những hư hỏng về kết cấu hạ tầng để bảo đảm an toàn cho người dân và phục vụ phát triển kinh tế xã hội của vùng, địa phương. Đã tổ chức thực hiện hoàn thành nhiệm vụ trong công tác bảo dưỡng thường xuyên và một số công trình sửa chữa định kỳ, công tác khác ước đạt 93% kế hoạch được giao.
Tai nạn giao thông đường thủy giảm sâu. Năm 2023, cả nước xảy ra 28 vụ TNGT đường thủy nội địa làm 18 người chết và bị thương 7 người. So với năm 2022, giảm 3 vụ (-9,68%), giảm 28 người chết (-60,87%) và tăng 3 người bị thương; đáp ứng sâu theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT trong việc kéo giảm tai nạn giao thông từ 5 đến 10% tại Hội nghị công tác đảm bảo an toàn giao thông quý I năm 2023.
Công tác cải cách hành chính, xây dựng chính phủ điện tử, chuyển đổi số tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Việc cấp đổi giấy phép hoạt động cho người và phương tiện đã đơn giản hóa về mặt thủ tục.
Đặc biệt, dự án IW-MIS (đã hoàn thành giai đoạn 1) và dự án đầu tư công trung hạn 2021-2025 đã hoàn thành phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, làm cơ sở triển khai 3 bộ cơ sở dữ liệu nền tảng trong năm 2024 và xây dựng các phần mềm nghiệp vụ phục vụ đầu vào cho các thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công toàn trình và một phần trên cổng dịch vụ công quốc gia...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận