Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT) vừa chủ trì cuộc họp thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh.
Dự kiến Hội đồng thẩm định sẽ đưa ra ý kiến đối với dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh trong tháng 7/2023, làm cơ sở để UBND tỉnh Cao Bằng phê duyệt dự án - Ảnh minh họa
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương đánh giá, Cao Bằng là địa phương còn nhiều khó khăn, vị trí địa lý xa xôi, việc phát triển hạ tầng kết nối của tỉnh đóng vai trò rất quan trọng, liên kết để tạo cơ hội phát triển.
“Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh đã được tỉnh Cao Bằng đề xuất từ 2018 và theo đuổi cho đến nay. Bộ KH&ĐT thấy được sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh Cao Bằng và hoàn toàn ủng hộ địa phương triển khai dự án này.
Các thành viên HĐTĐ là các Bộ/ngành liên quan cần ủng hộ hướng dẫn UBND tỉnh hoàn thiện các thủ tục phê duyệt, triển khai dự án nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, kết nối trung tâm kinh tế, chính trị với các tỉnh miền núi phía Đông Bắc, các khu kinh tế, khu du lịch, phục vụ cho mục tiêu thúc đẩy phát triển KT-XH và đảm bảo quốc phòng - an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia”, ông Phương nói.
Theo kế hoạch, Hội đồng thẩm định liên ngành sẽ thông báo ý kiến thẩm định dự án tới UBND tỉnh Cao Bằng vào tháng 7/2023.
Trên cơ sở đó, Bộ KH&ĐT đề nghị UBND tỉnh Cao Bằng cập nhật báo cáo nghiên cứu khả thi và phê duyệt dự án, làm căn cứ để thực hiện công tác GPMB, lựa chọn nhà đầu tư và có thể khởi công dự án trong quý IV/2023.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng nhận định, điểm nghẽn lớn nhất của Cao Bằng hiện nay là kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối.
Do vậy, dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh có ý nghĩa lớn trong việc thu hút đầu tư, phát triển KT-XH của cả vùng nói chung, tỉnh Cao Bằng nói riêng.
“Với sự hỗ trợ của các cơ quan có thẩm quyền, tỉnh Cao Bằng sẽ quyết tâm huy động mọi nguồn lực, tháo gỡ mọi khó khăn để thực hiện dự án một cách hiệu quả nhất”, ông Ánh khẳng định, đồng thời cho biết, hiện nay, tỉnh Cao Bằng đã phê duyệt cấp phép 11 mỏ vật liệu phục vụ dự án, sẵn sàng các bước thực hiện dự án ngay sau khi có kết quả thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi.
“Riêng đối với công tác GPMB giai đoạn 1, tại địa phận của dự án huyện Thạch An đã cắm 242/363 cọc, tại địa phận huyện Quảng Hòa đã cắm 199/337 cọc, Ban QLDA đã nghiệm thu hiện trường”, ông Ánh thông tin thêm.
Nhằm đảm bảo tính khả thi trong thực hiện dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh, trong khuôn khổ cuộc họp, nhiều ý kiến cũng cho rằng, trong bối cảnh khó khăn về tín dụng, trái phiếu như hiện nay cần thiết nghiên cứu việc bổ sung ngân sách Nhà nước để thực hiện công tác GPMB như một dự án độc lập.
Đối với phần ngân sách Nhà nước đã bố trí cho dự án theo quyết định chủ trương nên dành cho phần xây dựng công trình để mang lại hiệu quả, tạo sức hấp dẫn với nhà đầu tư và các ngân hàng.
Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh có chiều dài hơn 121km. Trong đó, đoạn đi qua địa phận tỉnh Lạng Sơn khoảng 52km, qua địa phận tỉnh Cao Bằng khoảng hơn 69km.
Dự án được phân kỳ 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 đầu tư hơn 93km (từ Km 0+00 tại nút giao khu vực cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn đến khoảng Km 93+350 điểm giao với QL3 huyện Quảng Hoà, tỉnh Cao Bằng). Thời gian thực hiện từ năm 2020 - 2025.
Giai đoạn 2 đầu tư tiếp gần 28km (từ khoảng Km 93+350 điểm cuối giai đoạn 1 đến Km 121+060, điểm cuối tại ranh giới quy hoạch Khu kinh tế cửa khẩu Trà Lĩnh, huyện Trùng Khánh), thực hiện sau năm 2025.
Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án là 22.690 tỷ đồng, bao gồm 13.174 tỷ đồng cho giai đoạn 1 và 9.516 tỷ đồng cho giai đoạn 2.
Cơ cấu nguồn vốn giai đoạn 1 bao gồm 6.580 tỷ đồng vốn ngân sách Nhà nước, 6.594 tỷ đồng nhà đầu tư và các nguồn vốn huy động khác.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận