Đài thu tín hiệu vệ tinh Cospas-Sarsat và Trung tâm thông tin vệ tinh Cospas-Sarsat Việt Nam tiếp nhận báo động cấp cứu Cospas-Sarsat, xử lý, chuyển tiếp tới các cơ quan TKCN |
Nhanh hơn, chính xác hơn
Theo lộ trình triển khai phao thế hệ 2, các nhà sản xuất đang chờ tổ chức Cospas-Sarsat hoàn thiện các tiêu chuẩn kỹ thuật để đưa các mẫu phao vào kiểm thử, phê duyệt và đến năm 2019 sẽ chính thức đưa ra thị trường các loại phao thế hệ 2 đầu tiên trên thế giới. Cùng với sự phát triển của hệ thống MEOSAR, phao Cospas-Sarsat 406MHz sẽ mang lại bước tiến lớn trong công tác TKCN toàn cầu.
Cospas-Sarsat là hệ thống vệ tinh toàn cầu cung cấp các báo động cấp cứu và dữ liệu vị trí phục vụ mục đích tìm kiếm cứu nạn (TKCN) do các nước Canada, Pháp, Mỹ và Nga thành lập năm 1979. Hệ thống Cospas-Sarsat liên tục được phát triển với mục tiêu phát hiện và xác định vị trí của người bị nạn một cách nhanh nhất.
Hệ thống vệ tinh Quỹ đạo tầm trung Cospas-Sarsat - MEOSAR là hệ thống vệ tinh tiếp theo của 2 hệ thống vệ tinh tầm thấp LEOSAR và vệ tinh địa tĩnh GEOSAR đã và đang được sử dụng để trợ giúp công tác TKCN.
Ưu điểm của hệ thống MEOSAR là thời gian phát hiện ra phao Cospas-Sarsat của phương tiện bị nạn rất nhanh nhờ hệ thống này có số lượng vệ tinh và số đường chuyển tiếp tín hiệu xuống các trạm thu mặt đất nhiều hơn các hệ thống vệ tinh trước.
Đồng thời, thời gian tính toán vị trí phao gần như ngay lập tức vì tại một thời điểm có tối thiểu 3 vệ tinh cùng nhìn thấy phao, trong khi ở hệ thống cũ chỉ có 1 vệ tinh. Đây là bước ngoặt lớn trong sự phát triển của hệ thống Cospas-Sarsat nhằm xác định vị trí bị nạn nhanh, chính xác và tin cậy hơn trong công tác tìm kiếm (xác định vị trí) và công tác cứu nạn trên biển cũng như trên đất liền.
Nâng mức ưu tiên sử dụng trong việc phát đi các tín hiệu cấp cứu
Song song với sự phát triển của hệ thống vệ tinh, Tổ chức Cospas-Sarsat cũng đang trong giai đoạn triển khai một thế hệ phao vô tuyến chỉ báo vị trí khẩn cấp 406 MHz mới (được gọi là Phao thế hệ 2). Phao thế hệ 2 được thiết kế ngoài việc đáp ứng được các chỉ tiêu kỹ thuật để hoạt động phù hợp với hệ thống cũ như tần số, dải nhiệt độ hoạt động cho phép hay mã nhận dạng duy nhất và chức năng tự thử,... nó còn có nhiều cải tiến về kỹ thuật cũng như công nghệ để thích ứng được với các hệ thống mới phát triển trong tương lai (hệ thống MEOSAR), mà đặc điểm nổi trội đó là có thể nhận được tín hiệu từ trạm đài bờ qua hệ thống vệ tinh tức là thay đổi tính chất của phương thức thông tin vệ tinh Cospas-Sarsat từ một chiều thành hai chiều, do đó sẽ nâng mức ưu tiên sử dụng trong việc phát đi các tín hiệu cấp cứu khi bị nạn.
Tín hiệu phát đi từ bờ đến phao được dùng cho các mục đích quan trọng, đầu tiên phải kể đến là phục vụ việc gửi báo nhận tới phương tiện bị nạn, như vậy người bị nạn có thể yên tâm rằng tín hiệu báo động cấp cứu của họ đã được tiếp nhận, xử lý bởi các cơ quan tìm kiếm, cứu nạn trên bờ. Tính năng gửi báo nhận cấp cứu sẽ được tổ chức Cospas-Sarsat ưu tiên phát triển đầu tiên đồng thời với hệ thống Meosar.
Mục đích tiếp theo là tín hiệu phát đến phao sẽ được dùng để kích hoạt phao trên phương tiện đang mất tích phát tín hiệu, nhờ đó hệ thống sẽ tính toán và xác định được vị trí bị nạn. Đối với ngành hàng không, phao ELT thế hệ 2 cho phép phi công trên máy bay kích hoạt từ xa hoặc có khả năng tự động kích hoạt trước khi tai nạn xảy ra nhờ vào một tín hiệu đưa ra từ máy bay sau khi phát hiện thấy các điều kiện bất thường đối với chuyến bay. Việc phát báo động như vậy sẽ rất hữu ích cho các cơ quan tìm kiếm cứu nạn vì khả năng phao ELT bị phá hủy trong vụ tai nạn là rất cao.
Ngoài ra, trên phao thế hệ 2 còn được thiết kế bộ chỉ báo (có thể là âm thanh hoặc hình ảnh) giúp nhận biết rõ hơn các loại phao thế hệ 1 hiện nay chỉ sử dùng các đèn LED nhỏ nháy sáng báo hiệu cho người sử dụng biết phao đang được kích hoạt. Do đó, trong trường hợp phao vô tình được kích hoạt gây báo nạn giả, người sử dụng sẽ nhanh chóng phát hiện ra và sử dụng chức năng hủy báo nạn bằng cách phát đi một bức điện để chỉ ra tín hiệu đã phát đi trước đó là giả. Tính năng này hoàn toàn không thể thực hiện được với phao thế hệ cũ nên người sử dụng phải có trách nhiệm liên hệ trực tiếp với cơ quan TKCN hoặc trung tâm MCC gần nhất để báo hủy cấp cứu.
Tại Việt Nam, Đài thu tín hiệu vệ tinh Cospas-Sarsat và Trung tâm thông tin vệ tinh Cospas-Sarsat Việt Nam (VNLUT/MCC) thuộc hệ thống TTDH VN sẽ tiếp nhận các báo động cấp cứu Cospas-Sarsat từ các phương tiện bị nạn, sau đó xử lý, chuyển tiếp các thông tin phục vụ TKCN tới các cơ quan TKCN để cùng hỗ trợ phương tiện bị nạn. Dự kiến, trước khi phao Cospas-Sarsat 406MHz thế hệ hai được đưa vào sử dụng, Đài VNLUT/MCC sẽ được nâng cấp cấu hình phù hợp để có thể thu nhận tín hiệu báo động cấp cứu, chuyển tiếp thông tin và hỗ trợ tối đa cho hoạt động TKCN.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận