Thị trường

Phát triển điện mặt trời mái nhà: Doanh nghiệp, dân còn lúng túng

30/05/2023, 15:20

Quy hoạch điện VIII khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu nhưng nhiều khái niệm còn mơ hồ.

Người dân và doanh nghiệp đều quan tâm

Ông Luyện Văn Hoạt, một hộ dân ở Bình Dương cho biết, ông đã đầu tư điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) cho hệ thống trang trại của mình gần 2 năm nay, nhưng không những không bán được điện lên lưới mà muốn dùng cũng không được vì điện lực địa phương bảo “chưa có hướng dẫn việc lắp công tơ”.

Nhiều doanh nghiệp sau khi đầu tư lắp ĐMTMN ở Bình Dương, Đồng Nai… cũng đang trong tâm lý “phấp phỏng” không yên. Dù đã đi vào vận hành từ lâu sau khi hưởng ứng mức giá 1.943 đồng/kWh tại Quyết định 13/2020, nhưng hệ thống ĐMTMN lại đang “nợ” một loạt giấy tờ, hay nói cách khác, vẫn thiếu hồ sơ pháp lý.

img

Nhiều nhà đầu tư khi lắp điện mặt trời mái nhà còn chưa quan tâm đến các quy định liên quan

Hồ sơ được đề cập là văn bản thẩm duyệt, nghiệm thu thiết kế về phòng cháy chữa cháy; giấy phép xây dựng, giấy phép cải tạo sửa chữa công trình; giấy phép môi trường, báo cáo đánh giá tác động môi trường, đăng ký môi trường.

Vì thiếu các giấy phép này, cho nên ngày 13/2/2023 Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) phải ra văn bản yêu cầu chủ đầu tư ĐMTMN bổ sung các hồ sơ pháp lý còn thiếu trước 31/3/2023. Nếu không điện lực địa phương sẽ ngắt kết nối hệ thống ĐMTMN sau ngày 30/6/2023.

Điện lực phải ra văn bản này sau khi kiểm toán các dự án năng lượng tái tạo, Kiểm toán Nhà nước đã yêu cầu Bộ Công Thương, các địa phương và EVN phải kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân khi có nhiều dự án thi công, vận hành trước khi được bàn giao đất; hàng chục dự án đã thực hiện vận hành, nối lưới nhưng chưa được cấp có thẩm quyền ban hành thông báo kết quả kiểm tra công tác nghiệm thu dự án; chưa có chứng nhận phòng cháy chữa cháy, giấy phép xây dựng của cấp có thẩm quyền, chưa hoàn tất các thủ tục liên quan đến đất đai của các trang trại…

Từ khi sau Quyết định số 11 và 13 của Thủ tướng Chính phủ thì EVN đã phát triển được 113.000 hệ thống điện áp mái. Năm 2021-2022, hệ thống này đưa lên lưới điện 11,3 tỉ KWH. Năm 2022 hệ thống này chiếm khoảng 4,21% điện sản xuất và nhập khẩu của toàn hệ thống. Công suất phát điện quy đổi tương ứng khoảng 7.700 MW.

Bởi lẽ trước đó, EVN đã ra văn bản cho nhà đầu tư “nợ” lại nhiều thủ tục thuộc thẩm quyền cơ quan nhà nước, để kịp hưởng giá ưu đãi FIT. Dù rằng đó chỉ là cách tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhưng EVN lại bị Kiểm toán Nhà nước tuýt còi.

Các nhà đầu tư cũng bức xúc, căn cứ quy định tại Khoản 3 Điều 28 Luật Bảo vệ Môi trường 2020 và tại Phụ lục II, Nghị định 08/2022/NĐ-CP cho thấy, các dự án ĐMTMN với với quy mô công suất dưới 1 MWp không chứa đựng nguy cơ tác động xấu đến môi trường, không ảnh hưởng đến hoạt động xử lý chất thải của nhà máy và của địa phương, nhưng các địa phương vẫn yêu cầu làm giấy phép môi trường; thủ tục xin phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; đăng ký môi trường tại cơ quan có thẩm quyền.

Ông Trần Thanh Bình, Phó Trưởng ban Kinh doanh, EVN thừa nhận thực trạng nhiều nhà đầu tư khi lắp điện mặt trời mái nhà còn chưa quan tâm đến các quy định về PCCC, môi trường, giấy phép hoạt động điện lực... Chính vì không nắm hết các quy định quản lý nên đã nảy sinh một số vấn đề phức tạp, như vi phạm đất đai, PCCC, an toàn công trình xây dựng…

Quy hoạch VIII mở đường, doanh nghiệp vẫn lúng túng

Tại quy hoạch điện VIII vừa ban hành, ĐMTMN là loại hình năng lượng khuyến khích đầu tư. Quy hoạch này nêu rõ: Đối với việc phát triển điện mặt trời, sẽ ưu tiên phát triển ĐMTMN không giới hạn công suất, với điều kiện giá thành hợp lý và tận dụng lưới điện sẵn có, không phải nâng cấp, nhất là các khu vực có nguy cơ thiếu điện như miền Bắc,…

Trả lời Báo Giao thông về mục tiêu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng ĐMTMN, ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và NLTT (Bộ Công thương) cho biết, mục tiêu này đưa ra hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện, không bắt buộc, tuy nhiên, có thể sẽ có “mệnh lệnh hành chính”.

Chủ trương khuyến khích ĐMTMN, song người dân và doanh nghiệp cũng vẫn lúng túng khi chưa có một hướng dẫn cụ thể hơn. Nếu không có các quy định rõ ràng, rủi ro sẽ lặp lại như những nhà đầu tư đang phải vật lộn với các thủ tục hành chính sau khi đưa dự án vào vận hành ở trên.

Ông Nguyễn Hải Anh, Phó tổng Giám đốc Công ty CP Shinec, Chủ đầu tư KCN Sinh thái Nam Cầu Kiền cho biết: Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền là khu công nghiệp do Việt Nam đầu tư, đây là khu công nghiệp sinh thái nên năng lượng xanh luôn được chú trọng. Quy hoạch Điện VIII vừa mới ra đời đem đến nhiều tín hiệu tích cực, thế nhưng, các quy chế, định nghĩa khiến doanh nghiệp không khỏi băn khoăn về định nghĩa “tự sản tự tiêu”, quy trình xin phép như nào,…

img

Điện mặt trời mái nhà hiểu là chỉ cho phép dưới 1MW không hẳn đúng

Nhấn mạnh cơ chế hướng dẫn cho các dự án ĐMTMN tự sản, tự tiêu không phát lên lưới là cần thiết, chuyên gia năng lượng Phan Công Tiến đánh giá: Mô hình này có lợi cho cả nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Ông lý giải, hiện giá điện bình quân sau sau khi tăng thêm 3% là 1.920 đồng/kWh, trong khi giá bình quân khu vực sản xuất công nghiệp khoảng 1.800/kWh. Tỷ trọng khu vực dân cư 35%, sản xuất 55 %, như vậy khu vực dân cư đang gánh giá điện cho điện sản xuất, tức đang bù chéo giá điện từ dân và thương mại cho sản xuất.

Vừa qua, sáng kiến toàn cầu RE100 đã phát động chiến dịch với mục đích tập hợp các công ty trong danh sách Global Fortune 500 để cùng thực hiện cam kết sử dụng 100% năng lượng tái tạo trong khung thời gian ngắn nhất có thể. ĐMTMN sẽ góp phần giúp các DN đạt mục tiêu này

Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An

“Rõ ràng khu vực sản xuất nếu tự lo được một phần năng lượng nhờ lắp ĐMTMN tự sản, tự tiêu sẽ giúp họ có lợi khi tiền điện thấp hơn, người dân cũng sẽ có lợi khi ít bị bù chéo hơn và ít tăng tiền điện hơn”, ông Tiến nói và cho biết thêm, lợi kép của doanh nghiệp là họ có được chứng chỉ xanh từ mô hình này - điều kiện tiên quyết cho xuất khẩu trong tương lai.

Về vấn đề này, trao đổi với PV Báo Giao thông, Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An cũng thừa nhận hiện nay ở nhiều địa phương có cách hiểu khác nhau về ĐMTMN.

Với những dự án đã làm trước đó, EVN kiểm tra từng dự án, nếu đáp ứng giấy phép xây dựng, phòng cháy chữa cháy thì cho phép đấu nối... Nếu hệ thống ĐMTMN nào không bán điện lên lưới điện quốc gia thì không lắp hệ thống phát ngược lên lưới điện.

Còn với khái niệm mới tự sản, tự tiêu, ông An cho rằng: Nếu hiểu đúng thì hệ thống ĐMTMN phục vụ nhu cầu chính họ, phục vụ dự án của họ. Với khu vực như miền Bắc thì càng ưu tiên ĐMTMN tự sản, tự tiêu.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.