Bộ trưởng Tô Lâm: Tách luật không làm tăng thủ tục hành chính
Chiều nay (16/11), Quốc hội có phiên thảo luận hội trường về dự án Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ.
Giải trình về dự thảo Luật này, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, Chính phủ xác định rõ trật tự ATGT là một bộ phận quan trọng của trật tự an toàn xã hội. Xuất phát từ thực tiễn công tác đảm bảo trật tự ATGT và trách nhiệm quản lý trật tự xã hội của Bộ Công an, nên Chính phủ, Thường vụ Quốc hội đồng ý xây dựng Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ và giao Bộ Công an soạn thảo.
“Nếu được Quốc hội đồng ý ban hành Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ và giao trách nhiệm cho Bộ Công an thì trong lực lượng công an sẽ không tăng biên chế, chi phí và không lãng phí, nhất là sẽ không tăng các thủ tục hành chính. Bộ Công an nhận trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, Quốc hội, nhân dân về đảm bảo trật tự ATGT, trong đó có các vấn đề về trật tự, TNGT, ATGT cho người dân”, Bộ trưởng Tô Lâm nói.
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, trên thực tế, có nhiều luật ban đầu thì 1 luật, sau đó phát triển thêm như Luật Đầu tư, Luật Tố cáo khiếu nại. Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ cũng được hình thành như thế, phát sinh từ thực tiễn, chứ không phải tách luật.
“Hai luật này đã được Chính phủ, Quốc hội, đặc biệt là Bộ Công an và Bộ GTVT nhất trí cao ,không làm ảnh hưởng lẫn nhau trong quá trình soạn thảo và không vi phạm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật”, Bộ trưởng Tô Lâm nói.
Sẽ xin ý kiến đại biểu về chuyển quyền quản lý GPLX
Kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết: Các đại biểu Quốc hội cho rằng, việc đảm bảo trật tự ATGT, nhất là giao thông đường bộ là vấn đề quan trọng được nhân dân, cử tri và dư luận đặc biệt quan tâm. Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ đòi hỏi phải có các quy định mang tính tổng thể, đầy đủ, chặt chẽ để điều chỉnh các vấn đề từ thực tế, quản lý, hướng tới mục tiêu đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người tham gia giao thông, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Đối với vấn đề tách hay không tách Luật Giao thông đường bộ, đã có rất nhiều ý kiến đại biểu phát biểu, phân tích. Một số ý kiến tán thành việc ban hành luật, cho rằng cần thiết phải có một dự án luật chuyên biệt về bảo đảm trật tự ATGT đường bộ; đồng thời rà soát để tránh trùng lặp với Luật Giao thông đường bộ.
"Về vấn đề này, trong kết luận phiên họp thứ 48, khi đồng ý bổ sung luật và xây dựng luật để giải trình Quốc hội cho ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc Chính phủ tách nội dung giao thông đường bộ thành 2 luật riêng biệt cần cân nhắc thật kỹ, xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp thứ 10. Do đó, vấn đề này, Quốc hội sẽ quyết định", Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết.
Liên quan đến quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, theo Phó Chủ tịch Quốc hội, đây là vấn đề còn đang có nhiều ý kiến khác nhau được nhiều đại biểu phát biểu, tranh luận. Việc phân công Bộ nào quản lý phải xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, đánh giá một cách khách quan, tổng thể trên cơ sở thông tin, số liệu cụ thể, nhất là những vấn đề liên quan đến tổ chức bộ máy, chi phí. Vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xin ý kiến đại biểu Quốc hội.
Về các ý kiến đề nghị rà soát quy định, mối quan hệ qua lại hỗ trợ lẫn nhau giữa 2 dự án luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, cần tiếp tục rà soát kỹ quy định về quy tắc giao thông, người điều khiển phương tiện giao thông, tổ chức chỉ huy, giảm ùn tắc giao thông, đánh giá TNGT.
"Dự án Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ có nhiều điểm mới như phân hạng GPLX, đấu giá biển số xe, tính điểm trên bằng lái, phạt nguội… liên quan trực tiếp tới người tham gia giao thông được dư luận quan tâm. Do đó, cần tiếp tục rà soát đảm bảo tính khả thi, thống nhất các quy định về thủ tục hành chính, đảm bảo đơn giản, giảm phiền hà cho nhân dân", ông Đỗ Bá Tỵ đề nghị và cho biết, trên cơ sở tổng hợp ý kiến thảo luận tại hội trường và tại tổ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổng hợp đầy đủ, xin ý kiến các đại biểu Quốc hội về các vấn đề lớn của cả 2 dự án luật và báo cáo Quốc hội theo quy trình.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận