Phát triển hạ tầng, cảng biển, thu hút đầu tư
Sáng 30/3, tại The Grand Hồ Tràm, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức Hội nghị triển khai Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư. Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tham dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu Phạm Viết Thanh cho biết hiện nay địa phương đang quan tâm đầu tư hạ tầng, giao thông kết nối... Ông kỳ vọng vài năm tới, Bà Rịa - Vũng Tàu và vùng Đông Nam Bộ sẽ trở thành nơi hội tụ đầy đủ các điều kiện thu hút đầu tư, biến tiềm năng thành các cơ hội mới trong các lĩnh vực công nghiệp, cảng biển - logistics, du lịch - đô thị, dịch vụ chất lượng cao...
"Quy hoạch tốt sẽ có không gian phát triển tốt, có không gian phát triển tốt sẽ có nhà đầu tư tốt, có nhà đầu tư tốt sẽ có dự án tốt" Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu nói.
Trong khi đó, chia sẻ về môi trường đầu tư, Phó chủ tịch Tập đoàn Hyosung, ông Lee Sang-Woon cho biết, Bà Rịa - Vũng Tàu đóng vai trò quan trọng trong chiến lược đầu tư của Hyosung tại Việt Nam.
Tỉnh ngày càng củng cố vị thế là điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước nhờ lợi thế về địa lý là cửa ngõ hàng hải, có lực lượng lao động dồi dào và trình độ cao, cơ sở hạ tầng tốt và chính sách ưu đãi hấp dẫn.
"Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, trước đó chúng tôi đã đầu tư 1,6 tỷ USD vào các nhà máy sản xuất Polypropylene và LPG. Hiện đang triển khai đầu tư 560 triệu USD vào nhà máy sản xuất sợi carbon với các ứng dụng trong ngành hàng không, sản xuất cánh quạt tuabin gió và vật liệu lõi...
Ngoài ra, Hysoung có kế hoạch đầu tư tổng cộng 730 triệu USD để xây dựng một nhà máy sản xuất BDO sinh học với công suất 200.000 tấn/năm. Hyosung phấn đấu trở thành công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực công nghiệp sinh học, tạo ra một trung tâm toàn cầu về công nghiệp sinh học tại tỉnh", ông Lee Sang-Woon nói.
Cũng theo Phó thủ tướng, Bà Rịa - Vũng Tàu cần ưu tiên kết nối ngành logistics với các ngành dịch vụ vận tải, lưu trú, thương mại... Chú trọng phát triển đô thị, thúc đẩy phát triển đột phá hệ thống kết cấu hạ tầng liên thông, đồng bộ, hiện đại.
Trong đó, tập trung triển khai dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cầu Phước An. Tiếp tục ưu tiên nguồn lực khai các dự án hạ tầng kết nối liên vùng, cảng biển, logistics, hạ tầng số; phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ...
"Sau hội nghị, tỉnh phải khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai các chương trình, dự án trong quy hoạch. Rà soát, lập, điều chỉnh, triển khai các quy hoạch chi tiết, chuyên ngành, phân khu bảo đảm thống nhất, đồng bộ với quy hoạch tỉnh.
Công bố công khai, rộng rãi các quy hoạch, thu hút đầu tư. Đồng thời xác định rõ vị trí khu thương mại tự do gắn với Cái Mép - Thị Vải để xác định hướng phát triển...", Phó thủ tướng yêu cầu.
Cũng tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh đã trao quyết định, giấy chứng nhận đầu tư hoặc tăng vốn cho 14 dự án đầu tư vào Bà Rịa-Vũng Tàu đầu năm 2024.
Các dự án vốn FDI gồm: nhà máy sản xuất Polypropylene và kho ngầm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng tăng vốn 49 triệu USD; dự án TVP của Tosoh Corporation tổng vốn 176 triệu USD; nhà máy Electronic Tripod Việt Nam tổng vốn 250 triệu USD; nhà máy thiết bị đầu cuối thông minh BOE Việt Nam tổng vốn 277,5 triệu USD.
Các dự án vốn trong nước gồm: nhà máy dược phẩm Reiw tại KCN Châu Đức vốn 220 tỷ đồng; khu chung cư cao cấp Phước Hội - Sea Pearl Apartment vốn 410 tỷ đồng; khu dân cư Gia An 1-Gia An Lakeside vốn 635 tỷ đồng; nhà máy chế biến gỗ của Tập đoàn Hòa Phát tổng vốn 679 tỷ đồng; nhà máy sản xuất kết cấu thép kỹ thuật cao HTSB vốn gần 840 tỷ đồng; cơ sở lưu trú công nhân tại KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 tổng vốn 1.820 tỷ đồng; khu nhà ở sinh thái An Điền tại thị trấn Long Điền tổng vốn 4.269 tỷ đồng; nhà máy thép tấm lợp Nam Kinh Phú Mỹ tổng vốn 4.500 tỷ đồng; nhà máy sản xuất hạt nhựa Polypropylene Phú Mỹ tăng vốn 13.466 tỷ đồng.
Ngoài ra, tỉnh còn công bố danh mục 91 dự án đầu tư giai đoạn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.
Đưa Bà Rịa - Vũng Tàu thành động lực phát triển quan trọng vùng
Theo quy hoạch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ trở thành một trong những khu vực động lực phát triển quan trọng của Vùng Đông Nam Bộ.
Là trung tâm kinh tế biển quốc gia, nằm trong nhóm 5 địa phương phát triển kinh tế biển hàng đầu của cả nước. Cơ bản đủ tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc Trung ương. Duy trì vị trí trong 10 địa phương có quy mô GRDP và thu ngân sách cao nhất cả nước.
Tầm nhìn đến năm 2050 sẽ trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia cũng như trung tâm dịch vụ hàng hải của khu vực Đông Nam Á. Đồng thời còn là trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế.
Trong đó, điểm nhấn quy hoạch bao gồm phát triển cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải thành cảng quốc tế trung chuyển lớn, có tầm cỡ khu vực châu Á và quốc tế. Hình thành Khu thương mại tự do, xây dựng trung tâm logistics cấp quốc gia gắn với hệ thống cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ.
Phát triển các tổ hợp quy mô lớn về công nghiệp - đô thị - dịch vụ tại thành phố mới Phú Mỹ cũng như đưa phố biển Vũng Tàu trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế. Đồng thời đưa Côn Đảo trở thành đô thị du lịch sinh thái biển đảo.
Bên cạnh phát triển cảng biển, du lịch, Bà Rịa - Vũng Tàu còn từng bước hoàn thành các tuyến giao thông lớn kết nối nội tỉnh, liên vùng và cả nước để đưa địa phương trở thành cửa ngõ của vùng và quốc gia. Đồng thời sẽ nâng cấp, phát triển và xây dựng thêm các sân bay để phục vụ nhu cầu du lịch, đi lại của người dân.
Ngoài ra Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ quan tâm phát triển khu công nghiệp công nghệ cao, khu công nghiệp sinh thái, để thu hút các nhà đầu tư, hình thành các tổ hợp quy mô lớn về công nghiệp - dịch vụ - đô thị.
Về phân vùng chức năng, công nghiệp - cảng biển sẽ nằm ở phía Tây - Tây Nam và Tây Bắc của tỉnh. Bao gồm toàn bộ địa giới hành chính thị xã Phú Mỹ, thành phố Bà Rịa, khu vực phía Tây của huyện Châu Đức và Tây - Tây Nam của thành phố Vũng Tàu.
Vùng này sẽ kết nối hiệu quả với vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ, logistics dọc hành lang Vành đai 3, Vành đai 4 TP.HCM và các tuyến cao tốc của Vùng Đông Nam bộ. Gắn kết với hành lang kinh tế Mộc Bài - TP.HCM - Biên Hoà - Vũng Tàu và hành lang kinh tế xuyên Á.
Tương tự, vùng chức năng du lịch và đô thị biển sẽ nằm ở phía Đông Nam của tỉnh, từ dọc QL55 và phía Đông Nam QL51 đến khu vực ven biển dọc đường tỉnh ĐT994 thuộc thành phố Vũng Tàu và các huyện Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc.
Vùng này chủ yếu phát triển du lịch, các dịch vụ phục vụ du lịch, bất động sản du lịch gắn với phát triển hệ thống đô thị du lịch Vũng Tàu - Long Hải - Phước Hải - Hồ Tràm - Bình Châu.
Đặc biệt, Bà Rịa - Vũng Tàu còn xác định ba trục kinh tế động lực gồm công nghiệp - cảng biển Cải Mép - Thị Vải gắn với hệ thống giao thông liên cảng và QL51; công nghiệp - logistics dọc cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu và đường Vành đai 4 TP.HCM; du lịch ven biển dọc đường tỉnh 994 và đường nối vào cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu. Đồng thời xác định các ngành kinh tế trụ cột bao gồm: Công nghiệp, du lịch, ngành dịch vụ chất lượng cao gắn với phát triển hệ thống đô thị hiện đại, hàng hải, dịch vụ logistics.
Người dân Bà Rịa - Vũng Tàu ngóng đường lớn để đón du khách, nhà đầu tư
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận