Chủ động phương án hoạt động SXKD thích ứng dịch
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chia sẻ và ghi nhận nỗ lực của ngành Đường sắt vượt qua khó khăn năm 2021 trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát phức tạp, ảnh hưởng nặng đến công tác vận tải. Trong đó, ngành Đường sắt đã chuyển trọng tâm sang vận tải hàng hóa, đạt được kết quả tốt.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng, cán bộ, lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt VN còn thiếu chủ động, chưa quyết liệt đưa ra các giải pháp thực hiện, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ.
"Chẳng hạn việc hình thành các trung tâm logistics, giao nhận hàng, kết hợp, kết nối với đường bộ, đường biển để vận tải hàng xuất khẩu...", Phó Thủ tướng nêu ví dụ.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Tổng công ty Đường sắt VN chủ động xây dựng phương án hoạt động SXKD năm 2022 thích ứng trong bối cảnh dịch Covid-19
Liên quan việc đầu tư cho ngành Đường sắt, Phó Thủ tướng cho rằng vẫn rất thấp, mỗi năm chỉ khoảng 2.800 tỉ đồng vốn bảo trì. Đặc thù đầu tư hiện đại hóa KCHT đường sắt đòi hỏi phải đầu tư đồng bộ, cần vốn lớn, không thể cắt ra đầu tư 20-30km như đường bộ. Do đó, đây là tầm quốc gia, trách nhiệm rất lớn của Trung ương, của các Bộ, ngành.
Phó Thủ tướng cho rằng, ngành Đường sắt giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế - xã hội đất nước, cần phải có đóng góp lớn hơn. Muốn vậy, phải có giải pháp lâu dài, các cơ quan Trung ương, các Bộ ngành phải chia sẻ, ủng hộ, đồng hành với ngành Đường sắt.
Cũng tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể lưu ý Tổng công ty Đường sắt VN phải thay đổi tư duy, có giải pháp mới trong tổ chức vận tải. Nhất là khi giai đoạn tới đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông đi vào khai thác, vận tải đường sắt với tốc độ thấp hơn sẽ thất bại, không cạnh tranh được.
“Kết quả SXKD âm hơn 600 tỉ là rất lớn. Không thể kéo dài tình hình này. Do đó, trong năm 2022 và giai đoạn tới, ngành Đường sắt phải có cách làm mới, mang tính đột phá. Tổng công ty phải thay đổi tư duy, tập trung vận tải hàng hóa; Chủ động đề xuất phương án cụ thể trong khai thác hạ tầng đường sắt...”, Bộ trưởng Thể nói.
“Đường sắt không thể như thế này mãi. Nhanh hay chậm, trước sau gì ngành Đường sắt cũng phải đóng góp lớn vào sự phát triển đất nước. Hiện nay chưa xứng tầm. Vì thế phải quyết tâm, tìm giải pháp tháo gỡ, làm thế nào để tăng thu nhập cho người lao động, phát huy được truyền thống”, Phó Thủ tướng nói.
Về nhiệm vụ năm 2022, Phó Thủ tướng yêu cầu Tổng công ty Đường sắt VN xây dựng phương án hoạt động, SXKD thích ứng bối cảnh Covid-19, phải biến khó khăn, thách thức thành cơ hội.
Trong đó, HĐTVT, Ban TGĐ phải xây dựng phương án hoàn chỉnh để phát huy tối đa vận tải hàng hóa, để bù cho vận tải hành khách và các phương tiện vận tải khác có thể bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Các giải pháp, biện pháp phải chủ động, như kết hợp với các khu công nghiệp, kết nối với cảng biển, các tuyến vận tải đường sắt quốc tế... để gia tăng vận tải hàng hóa.
Cùng đó, cần tập trung hơn cho đầu tư hạ tầng, gồm đầu tư mới và bảo dưỡng. Riêng đối với dự án đường sắt 7.000 tỷ, Bộ GTVT chỉ đạo chủ đầu tư, nhà thầu tập trung hoàn thành dứt điểm các gói thầu, công trình, tránh tình trạng kéo dài, ảnh hưởng đến vận tải.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ GTVT rà soát lại danh mục đầu tư dự án các phương thức giao thông giai đoạn 2021-2025, khi có nguồn vốn, cần ưu tiên các công trình, dự án đường sắt cần thiết, tăng thêm nguồn lực cho đường sắt.
Đối với vốn bảo trì đường sắt năm 2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo, trong khi chờ Đề án quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt được phê duyệt, thực hiện như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 636/TTg-CN về triển khai thực hiện vốn bảo trì năm 2021.
Về các giải pháp khác như: vay ưu đãi không lãi suất 800 tỉ, giảm tiền thuê sử dụng đất... Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan, Bộ ngành nhanh chóng tháo gỡ, trên tinh thần tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp phát triển.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị các Bộ, ngành chia sẻ, ủng hộ và tạo điều kiện tối đa cho đường sắt phát triển
Âm gần 700 tỷ, đường sắt kiến nghị hỗ trợ khẩn cấp
Trước đó, báo cáo Phó Thủ tướng, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, năm 2021 hoạt động vận tải của Tổng công ty vẫn tiếp tục chịu ảnh hướng rất lớn từ đại dịch Covid-19 và việc triển khai dự án quan trọng, cấp bách sử dụng gói 7.000 tỷ đồng từ nguồn dự phòng của kế hoạch đầu tư trung hạn 2016-2020.
"Tổng công ty Đường sắt VN vẫn còn một số tồn tại như: bộ máy cồng kềnh, lao động đông, mức độ cơ giới hóa chưa cao, ứng dụng KHKT-CNTT còn thấp, tư duy chuyển biến còn chậm dẫn đến hiệu quả công tác vận tải chưa cao. Trong điều kiện khó khăn như vậy, Tổng công ty đã thực hiện một loạt các giải pháp để tiết giảm chi phí, tăng doanh thu vận tải hàng hóa bù đắp cho phần doanh thu vận tải hành khách sụt giảm", ông Minh nói.
Vì vậy, theo ông Minh, kết quả SXKD năm 2021, Công ty Mẹ - Tổng công ty Đường sắt VN đạt doanh thu 1.446,9 tỷ đồng, bằng 83,7% so với cùng kỳ và đạt 90,4% chỉ tiêu kế hoạch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp giao. Lợi nhuận trước thuế âm 690,7 tỷ đồng, bằng 52,8% so với cùng kỳ, tương đương 101,3% chỉ tiêu kế hoạch Ủy ban giao (kế hoạch được giao là âm 700 tỷ).
Kết quả SXKD Tổng công ty hợp nhất, doanh thu 6.290 tỷ đồng, bằng 94,6% so với cùng kỳ và đạt 95,3% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế âm 674,3 tỷ đồng, bằng 58,8% so với cùng kỳ, tương ứng 102,4% so với kế hoạch.
Về vận tải, vận chuyển hàng hóa thực hiện được 5,6 triệu tấn xếp, bằng 110,4% cùng kỳ; Vận chuyển hành khách 1,4 triệu lượt hành khách lên tàu, bằng 36,7% cùng kỳ. Doanh thu trực tiếp từ vận tải đạt 2.600 tỷ đồng, bằng 85% cùng kỳ.
Ông Vũ Anh Minh cũng cho biết, năm 2022 Công ty Mẹ - Tổng công ty Đường sắt VN dự kiến kế hoạch doanh thu thực hiện 1.568 tỷ đồng, bằng 108,4% so với cùng kỳ, trong đó phấn đấu tặng sản lượng vận tải hàng hóa khoảng 20%. Lợi nhuận trước thuế âm 580 tỷ đồng, giảm lỗ 110,7 tỷ đồng so với cùng kỳ 2021.
Để tháo gỡ khó khăn, Tổng công ty Đường sắt VN kiến nghị các cơ quan chức năng cung cấp một gói hỗ trợ khẩn cấp, bao gồm cấp hạn mức tín dụng 800 tỷ vay ưu đãi không tính lãi để bổ sung cho nguồn vốn lưu động và các chính sách hỗ trợ cho 13.000 lao động khối vận tải hiện đang bị mất và thiếu việc làm.
Về lâu dài, Tổng công ty Đường sắt VN đề xuất cơ chế giao cho Tổng công ty trực tiếp quản lý, sử dụng, khai thác tài sản KCHT đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư theo phương thức không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp đến năm 2030. Trong thời gian này, Tổng công ty tổ chức xác định những giá trị tài sản phù hợp như khu ga, một số tuyến đường sắt... lập đề án trình Thủ tướng Chính phủ để tiến hành giao cho Tổng công ty theo hình thức đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo đúng quy định pháp luật.
Trong thời gian chờ phê duyệt cơ chế giao tài sản KCHT đường sắt quốc gia cho Tổng công ty theo hình thức tăng vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tổng công ty đề nghị được sử dụng nguồn vốn của Tổng công ty và các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện nâng cấp, cải tạo các khu ga hàng hóa, hành khách giải quyết nút thắt vận tải để đáp ứng yêu cầu vận chuyển hàng hóa, hành khách trên toàn tuyến đường sắt.
Tổng công ty cũng kiến nghị Thủ tướng phê duyệt “Đề án cơ cấu lại Tổng công ty Đường sắt VN năm 2020, thực hiện 2021 - 2025”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận