Xã hội

Phóng viên tác nghiệp “đi 1 về 3”

20/06/2024, 06:30

Phóng viên khi đi tác nghiệp giờ không chỉ làm một bản tin là xong, mà phải đáp ứng tiêu chí "đi 1 về 3": Đi một lần và có 3 sản phẩm.

"Đặc sản" từ AI

Nhà báo Ngô Trần Thịnh, Trưởng bộ phận nội dung số, Trung tâm tin tức, Đài truyền hình TP.HCM (HTV) cho biết, AI hiện có mặt trong hầu hết các công đoạn thực hiện bản tin của HTV.

Phóng viên tác nghiệp “đi 1 về 3”- Ảnh 1.

Nhà báo Ngô Trần Thịnh, Trưởng bộ phận Nội dung số - Trung tâm Tin tức, Đài Truyền hình TP.HCM chia sẻ nghiệp vụ với các đồng nghiệp.

Từ tháng 2/2023, khi mọi người vẫn đang bàn tán về AI, ChatGPT, HTV đã thực hiện một bản tin do AI viết nội dung để ra mắt khán giả. Sản phẩm sau khi phát sóng đã được khán giả đón nhận rất nhiệt thành. Có người còn phản hồi là "không thể phân biệt đây là sản phẩm của AI".

Đến tháng 6/2023, HTV ra mắt nền tảng tin tức thế hệ mới (NewZ). Đây là trang truyền tải tất cả thông tin từ chương trình phát sóng sang dạng số.

AI trở thành yêu cầu bắt buộc đối với các bản tin trước khi gửi duyệt tại HTV. AI hỗ trợ phóng viên ở tất cả các công đoạn như ý tưởng tiền kịch bản, tiền kỳ quay và hậu kỳ sản phẩm, dựng video, rà soát lỗi chính tả, rã băng phỏng vấn, chống rung...

Nhà báo Ngô Trần Thịnh

"Đặc sản" của NewZ là các tin tức định dạng đa phương (multiform), một bài đăng sẽ tích hợp nội dung gồm chữ, hình ảnh, 1 video dọc và 1 video ngang.

Điều này giúp bạn đọc dễ dàng tiếp cận cách xem trên cùng một nội dung; cũng có thể lựa chọn xem lại chương trình đã phát sóng, xem multiform, YouTube hoặc TikTok...

Để làm được những nội dung này, nhà báo Ngô Trần Thịnh cho biết, không chỉ phóng viên trẻ mà những người làm việc lâu năm đều phải ứng dụng AI để triển khai đề tài.

"Tiêu chí khi chuyển đổi số của chúng tôi là phóng viên phải đáp ứng "đi 1 về 3". Nghĩa là một người khi đi làm phải mang về 3 sản phẩm. Một sản phẩm dành cho phát sóng, một video dọc cho nền tảng xã hội (social) và tin tức, hình ảnh cho bài đăng dạng số", ông Thịnh nói.

Liên tục đào tạo, cập nhật

Để phóng viên thực hiện được yêu cầu trên, HTV thường xuyên tổ chức đào tạo kỹ năng, áp dụng công nghệ. Những nhân sự làm lâu năm được ưu tiên đào tạo trước. Điều này giúp họ có thêm động lực, không có cảm giác "bỏ lại phía sau" hoặc thua kém giới trẻ. Đặc biệt, khi đã làm được, họ sẽ là đội ngũ truyền cảm hứng đối với người trẻ.

Phóng viên tác nghiệp “đi 1 về 3”- Ảnh 2.

Định dạng tin tức đa phương tiện đầu tiên ở Việt Nam.

Trong khi đó, nhà báo Lê Cao Cường, Phó tổng biên tập, Tổng thư ký tòa soạn Báo Người lao động cho biết, từ đầu năm 2024, tòa soạn đã tiến hành đợt cải tiến mạnh mẽ báo in và báo điện tử. Điểm khác biệt của lần cải tiến này là ứng dụng AI vào sản xuất nội dung.

"AI đã cải thiện các vấn đề về trải nghiệm đọc, tăng tương tác, thu hút bạn đọc trẻ, tối ưu lại thiết kế và trải nghiệm trên phiên bản mobile. AI còn giúp báo điện tử đa dạng hóa cách trình bày, tạo ra các nội dung dễ hiểu, gây ấn tượng với bạn đọc", nhà báo Lê Cao Cường nói.

Báo Người lao động đã xây dựng mục tiêu thường xuyên có 40 - 60% nhân sự tham gia đào tạo về ứng dụng AI, công nghệ số. Nhờ đó, đến nay đội ngũ nhân sự đã rất quen thuộc với các kỹ năng sử dụng AI (ChatGPT, ChatPDF, Gemini, Claude, Canva…).

"Hầu hết phóng viên, biên tập viên đều có khả năng sử dụng AI tạo ra các bản tin podcast với kịch bản đa dạng, các video/clip ngắn, các bản tin infographic... Báo đang chuẩn bị khai giảng tiếp khóa đào tạo nâng cao ứng dụng AI trong công tác tòa soạn cũng như sản xuất nội dung", ông Cường thông tin.

AI thành thư ký ảo đắc lực

Nhà báo Ngô Trần Thịnh chia sẻ, AI được ứng dụng để giúp phóng viên làm việc nhanh hơn, hiệu quả hơn, đảm bảo góc nhìn đa chiều, bổ sung những khía cạnh phóng viên có thể bỏ sót. Tuy nhiên, AI chưa thể thay thế nhà báo.

"Khi có sự vụ, sự việc, nhà báo là người biết trước, kiểm chứng thông tin. Khi báo đăng, AI mới biết thông tin này. Về lĩnh vực truyền hình, AI chưa thể xách máy quay đi quay, chưa thể cầm micro đi gặp người cần phỏng vấn. Dù được AI hỗ trợ, nhưng phóng viên vẫn phải chỉnh sửa, chịu trách nhiệm cuối cùng cho sản phẩm báo chí", ông Thịnh khẳng định.

Tương tự, nhà báo Lê Cao Cường cho rằng, sự bùng nổ của AI tạo ra những thuận lợi mới cho hoạt động báo chí. Để không tụt hậu, đòi hỏi từng cơ quan báo chí và từng nhà báo phải luôn học hỏi, cập nhật kiến thức để "buộc" AI trở thành một thư ký ảo đắc lực nhất.

"Tất nhiên, AI không phải là tất cả, vì nó không thể thay thế hoàn toàn được con người", ông Cường nhận định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.