Giờ đây, anh đang hiện thực hóa ý tưởng làm thiết bị thoát hiểm cho chung cư cao tầng, có thể cứu cùng lúc 100 người.
Từ chối tiền tỷ để giữ lại bản quyền
Tháng 12 dương lịch cũng là thời điểm nhiều người dân Hải Dương xuống đồng, chuẩn bị cho vụ gieo hạt đông xuân. Nếu như mọi năm, người dân phải gieo thủ công mỗi ngày dăm ba lạng hạt, thì nay nhờ ứng dụng robot do anh Hát sáng chế, năng suất được nâng lên.
Trên những cánh đồng rau bát ngát không còn thấy cảnh người già, trẻ nhỏ lom khom bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Thay vào đó, những chiếc máy đặt hạt như guồng máy tuốt lúa di động vừa di chuyển, vừa giơ "cánh tay trăm ngón" nhặt thả hạt giống đều đặn.
Anh Vũ Đình Sế (ở huyện Gia Lộc, Hải Dương) chia sẻ, khi làm thủ công, gia đình anh gồm 3 người cố gắng cũng chỉ gieo được 300 gram hạt/ ngày.
Từ khi đưa robot vào sản xuất, một mình anh gieo được 1.500 gram hạt. Khoảng cách giữa các hạt được đảm bảo, rau lên đều, khoẻ, ít sâu. Máy hoạt động hoàn toàn bằng cơ học, không chạy điện, dễ sửa, phụ tùng thay thế rẻ, gần như không phải lo bảo trì.
Chia sẻ về sản phẩm của mình, anh Hát cho biết, nếu chạy hết công suất, robot đặt hạt có hiệu suất bằng 40 người.
Các loại máy đang lưu hành tại thị trường trong nước và trên thế giới phải sử dụng nguồn điện 6.000W, gần 20 con chip, rơ le và máy nén khí. Thời gian hoàn thành số hạt giống khay 84 lỗ là 12-15 giây, gieo theo lập trình cố định trong nhà.
Trong khi robot đặt hạt anh Hát sáng chế chỉ mất 6 giây hoàn thành khay hạt 84 lỗ, độ chính xác cao và phù hợp địa hình đồng ruộng Việt Nam.
Cũng vì thế, anh không sản xuất đại trà, mà làm theo đơn đặt hàng. Mỗi máy tương thích với từng địa hình riêng để đảm bảo hoạt động hiệu quả.
Anh Hát khoe, máy đặt hạt do anh sản xuất đã có mặt ở 63 tỉnh, thành phố trên cả nước và 15 quốc gia trên thế giới như: Israel, Hàn Quốc, Nhật, Mỹ, Anh, Đức, Hà Lan.
Giá bán nội địa là 35 triệu đồng/chiếc, còn giá bán ra nước ngoài cao hơn, khoảng 3.500 USD/chiếc (84 triệu đồng). Mỗi năm anh bán khoảng 200 chiếc, mang về doanh thu khoảng 11 tỷ đồng/năm.
Máy đặt hạt chỉ là một trong 40 loại máy anh Hát sáng chế. Ngoài ra, còn có máy phun thuốc trừ sâu, xúc thóc, tiêm vaccine cho gia cầm, sấy hành tỏi... Nhiều loại đã được doanh nghiệp nước ngoài tìm đến, trả hàng tỷ đồng để sở hữu bản quyền.
Như máy đặt hạt giống, trước khi anh đăng ký bản quyền, một doanh nghiệp Mỹ đã trả giá 5 tỷ đồng. Anh từ chối vì nghĩ những sản phẩm đó là công sức, trí tuệ của người Việt, nên thuộc sở hữu của người Việt.
Vì những thành công trên, anh Hát được đưa vào bài đọc trong sách Tiếng Việt lớp 4 với tiêu đề "Phù thủy máy nông nghiệp". Đến nay, anh sở hữu hơn 50 giải thưởng, bằng khen, trong đó có Huân chương Lao động hạng ba, danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc...
Sáng chế thiết bị thoát hiểm nhà cao tầng
Chia sẻ với Báo Giao thông, anh Hát phấn khởi cho biết đang đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ và giấy phép lưu hành thiết bị thoát hiểm phòng cháy chữa cháy cho nhà cao tầng (nếu 20 tầng có thể cứu cùng lúc 100 người không phân biệt già, trẻ, lớn, bé, người khuyết tật).
Sản phẩm này khắc phục được gần như tuyệt đối khuyết điểm của các sản phẩm thoát hiểm đang bày bán.
"Thiết bị không dùng điện, tốc độ di chuyển từ trên cao xuống nhanh gấp nhiều lần vận tốc thang máy, đảm bảo an toàn và 20 năm mới cần kiểm tra lại", anh nói.
Anh Hát tiết lộ, hiện nay, sản phẩm đã được anh chạy thử nghiệm, kết quả tốt. Trước đó, khi sản phẩm còn nằm trong ý tưởng, doanh nghiệp Mỹ & Canada đã đến đặt vấn đề mua bản quyền với giá 5 tỷ đồng.
Một doanh nghiệp Nhật trả 6 tỷ đồng, doanh nghiệp Trung Quốc cũng trả 8 tỷ đồng và không cần bản quyền nếu anh đưa ra giải pháp và chứng minh hiệu quả. Ngoài ra, 3 doanh nghiệp Việt trả 3 tỷ đồng nhưng anh đều từ chối.
Anh quyết định bắt tay với một doanh nghiệp ô tô hàng đầu Việt Nam để sản xuất sản phẩm hàng loạt khi thủ tục pháp lý dự kiến hoàn tất vào dịp tết Âm lịch 2024.
Thời gian qua, khoảng 100 chủ quán karaoke đã gọi điện đặt mua để cơ sở được hoạt động trở lại. Tuy nhiên, anh quyết định giữ bản quyền để đưa ra thị trường chính ngạch.
Chia sẻ về việc sáng chế ra các sản phẩm, anh Hát cho biết, mỗi ý tưởng đều xuất phát từ những lần thất bại. Máy thoát hiểm cũng là một trong số đó. Những vụ cháy khiến hàng chục người thương vong đã khiến anh đau đáu về một sản phẩm thoát nạn.
"Một lần, khi cẩu hàng, thấy dây cáp bị trượt nhưng hàng hóa không rơi nhanh mà hạ chầm chậm, tôi đã ứng dụng nguyên lý hạ tời vào thiết bị cứu nạn. Một mình mày mò, tôi chế tạo, cải tiến sản phẩm đến khi chạy thử nghiệm", anh kể.
Để trở thành "phù thủy máy nông nghiệp", anh Hát cũng phải trải qua nhiều thất bại sau chuỗi ngày làm nông trang.
Năm 2007, anh đầu tư trang trại rau sạch quy mô 10 ha, thu hút không ít lãnh đạo cơ quan trung ương, địa phương và doanh nghiệp nước ngoài đến tham quan. Nhưng sau đó, rau không bán được nên thua lỗ 4 tỷ đồng.
Thất bại nhưng không biết sai ở đâu, anh sang Israel lao động để tìm đáp án. Anh nhận ra thất bại do anh đi trước thị trường cả chục năm.
Lúc ấy, người ta chưa quan tâm nhiều đến rau sạch mà chỉ để ý đến giá. Các siêu thị liên kết với anh để rửa nguồn đầu vào bằng hợp đồng ký kết nhưng lại nhập hàng giá rẻ chỗ khác để bán.
Tháng ngày làm việc tại Israel, anh cải tiến nông cụ bón phân hiệu quả bằng 20 người làm. Chủ trang trại đã bán bản quyền thiết bị đó được khoảng 4 tỷ đồng. Sau đó, anh được ông chủ tặng laptop, bố trí ở phòng riêng, chuyển từ việc bón phân sang sáng chế.
Không phải đi làm theo giờ như trước, chủ nhà cũng đã biến một phần vườn rau thành xưởng cơ khí cho anh thỏa sức sáng tạo. Sau khi làm thêm 2 sản phẩm, anh quyết định về nước lập nghiệp.
"Gia đình hai bên phản đối ghê lắm, bởi mình bỏ mức lương 600 triệu/năm trở về làm cơ khí trong khi đống nợ vẫn treo hơn 4 tỷ đồng, lãi suất 17-18%/năm.
Những ngày đầu sáng chế, dân làng bảo tôi sang Israel học mót, học hết lớp 7 thì sáng chế được gì. Gia đình lục đục khi tôi chỉ loanh quanh mấy cái máy nửa vời", anh Hát chia sẻ.
Máy đặt hạt là sáng chế đầu tiên khi anh trở về Việt Nam, đến nay vẫn bán chạy. Để làm ra nó, anh mất 2 năm để hoàn thiện.
Theo Hội Cơ khí Nông nghiệp Việt Nam, thị trường máy phục vụ nông nghiệp nội địa bao gồm cả chế tạo và lắp ráp chỉ chiếm trên 20% thị phần.
Hiện chỉ có vài đơn vị trong nước chế tạo được máy kéo như VEAM (máy kéo dưới 30HP); THACO đã sản xuất thành công máy kéo công suất đến 50HP và Công ty TNHH MTV Động cơ và Máy Nông nghiệp Miền Nam với máy kéo hai bánh và động cơ diesel đến 36-38HP.
Phần lớn các loại máy móc phục vụ nông nghiệp hiện nay vẫn là máy nhập khẩu. Các thương hiệu máy nông nghiệp nước ngoài đang chiếm ưu thế tại thị trường Việt Nam là: Yanmar, Kubota, John Deere, Daedoong, Belarut và các loại máy kéo của Trung Quốc.
Số liệu thống kê cho thấy, hàng năm, lượng máy kéo được nhập khẩu đã lên đến hơn 2.000 tỷ đồng, trên 90% là máy kéo công suất trên 22HP.
Các cơ sở chế tạo máy nông nghiệp khác của Việt Nam chủ yếu là xưởng cơ khí địa phương nhỏ lẻ, kỹ thuật thiết kế và công nghệ chế tạo bị hạn chế. Qua đó cho thấy, chúng ta đang thua và bỏ ngỏ thị trường này ngay trên sân nhà.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận