Vận tải hàng bình thường, vận tải khách chỉ dừng ở cấp dịch 4
Bộ GTVT vừa ban hành Quyết định số 10906 hướng dẫn tạm thời hoạt động vận tải trên phạm vi toàn quốc gắn liền với cấp độ dịch Covid-19 (Cấp 1: Nguy cơ thấp (bình thường mới) tương ứng với màu xanh; Cấp 2: Nguy cơ trung bình tương ứng với màu vàng; Cấp 3: Nguy cơ cao tương ứng với màu cam; Cấp 4: Nguy cơ rất cao tương ứng với màu đỏ).
Về vận tải thuỷ, hướng dẫn nêu rõ, tổ chức vận tải hàng hóa bằng đường thủy bình thường ở các cấp độ dịch. Riêng đối với vận tải hành khách, địa bàn có dịch cấp 1, cấp 2: tổ chức hoạt động vận tải hành khách với tần suất bình thường. Chỉ dừng vận chuyển khách tại địa bàn có dịch cấp 4.
Vùng dịch cấp 1, 2, phương tiện thủy chở khách được hoạt động với tần suất bình thường
Tại địa bàn có dịch ở cấp 3, đối với tuyến vận tải hành khách nội tỉnh: Sở GTVT tham mưu UBND cấp tỉnh cho phép hoạt động đảm bảo theo nguyên tắc không vượt quá 50% số người được phép chở trên phương tiện. Đối với tuyến vận tải hành khách liên tỉnh: Sở GTVT hai đầu tuyến tham mưu UBND cấp tỉnh cho phép hoạt động tối đa không vượt quá 50% số người được phép chở trên phương tiện.
Để phòng dịch, hướng dẫn đưa ra các yêu cầu về bảo đảm y tế đôi với thuyền viên, người phục vụ trên phương tiện và hành khách. Theo đó, thuyền viên, người phục vụ trên phương tiện: tuân thủ quy định 5K; khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế và các biện pháp phòng dịch Covid-19 theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và Bộ Y tế.
Việc xét nghiệm y tế (ngẫu nhiên, định kỳ; bằng RT-PCR hoặc test kháng nguyên nhanh có giá trị trong vòng 72 giờ, đối với tất cả các cấp độ dịch, chỉ yêu cầu xét nghiệm đối với thuyền viên và nhân viên phục vụ trên phương tiện một trong các trường hợp: Có triệu chứng biểu hiện nghi ngờ mắc Covid-19 (ho, sốt, mất khứu giác…) hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp 3; cấp 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa); không yêu cầu xét nghiệm khi đi lại trong địa bàn.
Người đã tiêm đủ liều vắc xin và người đã khỏi bệnh, chỉ xét nghiệm một trong các trường hợp: khi có yêu cầu điều tra dịch tễ; đến từ địa bàn có dịch ở cấp 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa).
Hành khách đi trên phương tiện thủy phải tuân thủy quy định 5K, chỉ phải xét nghiệm y tế trong các trường hợp như đối với thuyền viên, người phục vụ trên phương tiện.
Vận tải hàng hóa được hoạt động ở các cấp độ dịch
Đơn vị vận tải tự tổ chức xét nghiệm ngẫu nhiên
Bộ GTVT cũng quy định rõ: Đơn vị kinh doanh vận tải, chủ phương tiện thủy vận chuyển hàng hóa chủ động xây dựng, phổ biến kế hoạch vận tải cho người trên phương tiện; bố trí thuyền viên, phương tiện đáp ứng các yêu cầu phòng dịch. Yêu cầu thuyền viên chạy đúng hành trình đã được cấp phép của cơ quan Cảng vụ và xếp dỡ hàng hóa tại cảng, bến thủy nội địa.
Doanh nghiệp vận tải cũng chịu trách nhiệm theo dõi, giám sát phương tiện suốt quá trình hoạt động; bố trí bộ phận y tế phối hợp y tế địa phương xử lý khi có trường hợp mắc Covid-19 tại nơi làm việc. Tự tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 ngẫu nhiên cho người của đơn vị mình có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cao.
Trong trường hợp phát hiện hành khách có biểu hiện sốt, ho, khó thở, mệt mỏi phải bố trí cách ly và thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để xử lý.
Đối với vận tải khách, đơn vị vận tải, chủ phương tiện cũng tự tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 ngẫu nhiên cho người của đơn vị mình có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cao.
Tổ chức vệ sinh, khử khuẩn các bề mặt của phương tiện (khoang hành khách, ghế ngồi, khu vực vệ sinh) hàng ngày và ngay sau khi kết thúc chuyến đi. Trong trường hợp phát hiện hành khách có biểu hiện sốt, ho, khó thở, mệt mỏi phải bố trí cách ly và thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để xử lý.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc phát triển logistics vận tải ĐTNĐ và vận tải ven biển diễn ra mới đây, ông Nguyễn Thái Hòa, Tổng giám đốc Công ty Interserco cho biết, DN này đang đầu tư phát triển cảng thủy Hồng Vân (sông Hồng, Hà Nội) thành cảng container vùng Thủ đô, tiếp nhận tàu trọng tải lớn pha sông biển vào sâu trong nội địa, tiến tới tiếp nhận tàu biển quốc tế.
Tuy nhiên, khó khăn là giá thuê đất cao và không được vận dụng cơ chế đặc thù của dự án đường thủy để được hưởng ưu đãi thuế, miễn giảm tiền thuê đất, mặt nước.
Đại diện một số DN khác cũng nêu, trên các tuyến vận tải thủy chính tồn tại nhiều cầu có tĩnh không hạn chế (đặc biệt là cầu: Đuống, Đồng Nai, Bình Triệu, Nàng Hai…), cản trở vận tải.
Do đó, cần sớm giải quyết những vướng mắc về hạ tầng đường thủy, có cơ chế giảm thuế, phí cho vận tải đường thủy (như áp dụng mức phí cho tàu VR-SB vào cảng biển theo mức vào bến thủy).
Để tạo thuận lợi cho hoạt động vận tải thủy, ông Phạm Quốc Long, Chủ tịch Hiệp hội Đại lý môi giới và dịch vụ hàng hải kiến nghị Hải Phòng và TP.HCM không áp dụng thu phí hạ tầng cảng biển đối với hàng hóa xuất nhập khẩu được vận chuyển bằng phương tiện thủy. Việc này sẽ giảm bớt gánh nặng cho chủ hàng và khuyến khích phát triển vận tải thủy.
Cảng, bến thủy nội địa: xây dựng phương án đón, trả khách, xếp dỡ hàng hóa đảm bảo các quy định phòng chống dịch Covid-19; bố trí điểm khai báo y tế, quét mã QR. Bố trí vị trí để lực lượng chức năng tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 kháng nguyên nhanh; bố trí phòng hoặc khu vực cách ly tạm thời đảm bảo thông thoáng.
Niêm yết số điện thoại đường dây nóng của cơ quan chức năng địa phương để thông tin khi có vi phạm quy định về phòng, chống dịch Covid-19.
Tự tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 ngẫu nhiên cho người của đơn vị mình có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cao. Đối với người làm việc tại cảng, bến thủy, việc xét nghiệm y tế được áp dụng như đối với thuyền viên phương tiện thủy.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận