Quản lý

PTT Trịnh Đình Dũng: Tập trung giải ngân vốn đầu tư công dự án giao thông

31/07/2020, 10:00

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ GTVT trước mắt tập trung tối đa cho công tác giải ngân vốn đầu tư công...

img
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại cuộc làm việc

Ngày 30/7, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có cuộc làm việc với Bộ GTVT về tình hình triển khai các dự án quan trọng ngành GTVT nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong các dự án đầu tư.

Giải ngân vượt mức bình quân chung cả nước

Thông tin về kết quả giải ngân của Bộ GTVT, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, tổng vốn kế hoạch năm 2020 của Bộ được giao khoảng 39.762 tỷ đồng. Tính đến hết 30/6/2020, Bộ GTVT đã giải ngân được 13.388 tỷ đồng, đạt 33,7% kế hoạch, trong khi bình quân chung của cả nước đạt khoảng 30,2%.

“Số liệu lấy từ Kho bạc Nhà nước cho thấy, hết tháng 7/2020, Bộ GTVT sẽ giải ngân được hơn 41%. Dự kiến, hết tháng 8/2020, Bộ giải ngân đạt khoảng 57%. Đến hết tháng 9/2020, dự kiến kết quả bình quân chung của cả nước đạt 60%, riêng Bộ GTVT sẽ giải ngân đạt khoảng 66%”, Bộ trưởng thông tin.

Cũng theo Bộ trưởng, Bộ GTVT là Bộ đầu tiên tiến hành điều chuyển vốn của các dự án (thời gian qua là 12 dự án). Trong tháng 8 - 9/2020, Bộ sẽ tiếp tục điều chuyển vốn của các dự án giải ngân chậm, phấn đấu giải ngân 100% đối với nguồn vốn ngân sách trong năm nay.

Riêng nguồn vốn ODA, Bộ GTVT được giao giải ngân gần 7.000 tỷ đồng. Dù việc giải ngân nguồn vốn này còn phụ thuộc vào phía nhà tài trợ nên rất khó khăn, song Bộ GTVT sẽ quyết tâm giải ngân đạt kết quả cao nhất.

Nhiều dự án triển khai đúng tiến độ

Liên quan đến tình hình thực hiện các dự án giao thông quan trọng, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Bộ GTVT đang chỉ đạo quyết liệt công tác triển khai 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Trong đó, 3 dự án đầu tư công (Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn và cầu Mỹ Thuận 2) đang triển khai thi công theo tiến độ. Ba dự án khác mới được chuyển đổi hình thức đầu tư từ PPP sang đầu tư công gồm: Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây, Bộ GTVT đang hoàn thiện thủ tục để tổ chức lựa chọn nhà thầu trong tháng 8/2020.

“Còn lại 5 dự án đầu tư theo hình thức PPP đã phát hành hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư trong tháng 7/2020, dự kiến tháng 12/2020 lựa chọn xong nhà đầu tư để khởi công xây dựng vào đầu năm 2021”, Thứ trưởng thông tin.

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu Bộ GTVT tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, cầu Mỹ Thuận 2 để khớp nối toàn tuyến cao tốc từ TP HCM đến Cần Thơ. Đồng thời, tập trung giải quyết các vướng mắc, sớm hoàn thành cao tốc Bến Lức - Long Thành, đường sắt Cát Linh - Hà Đông, các dự án hàng không...

Đối với 14 dự án giao thông quan trọng cấp bách, một dự án đã hoàn thành (đường nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình), 13 dự án đang triển khai thi công theo tiến độ. Tính đến hết tháng 7/2020, dự kiến 14 dự án giao thông quan trọng cấp bách sẽ giải ngân được 1.700/4.142 tỷ đồng, đạt 41% kế hoạch.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT đã khởi công hai dự án nâng cấp đường cất/ hạ cánh, đường lăn tại CHK quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất vào ngày 29/6/2020 theo đúng tiến độ Thủ tướng Chính phủ yêu cầu.

“Đến hết tháng 7/2020, dự kiến hai dự án giải ngân được 274 tỷ đồng, đạt 33% kế hoạch, còn lại 554 tỷ đồng giải ngân sẽ xong các tháng cuối năm 2020”, Thứ trưởng Đông thông tin và cho biết thêm, để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính chỉ đạo các địa phương quyết liệt xử lý dứt điểm các tồn tại, vướng mắc trong công tác GPMB, nhất là đối với các dự án lớn, quan trọng như: Cao tốc Bắc - Nam phía Đông; CHK quốc tế Long Thành...

Để chủ động trong công tác điều hành kế hoạch, Bộ GTVT sẽ trình và đề nghị Bộ KH&ĐT thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ cho phép bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 đối với một số dự án cần thiết, cấp bách có khả năng giải ngân ngay khi được bố trí vốn, nhưng đã hết hạn mức kế hoạch trung hạn hoặc chưa có kế hoạch trung hạn.

Ngoài ra, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan phối hợp, hỗ trợ Bộ GTVT xử lý các vướng mắc đối với dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông để sớm đưa dự án vào khai thác, vận hành, đảm bảo điều kiện tiếp tục giải ngân vốn nước ngoài cho dự án.

Hiệu quả đầu tư được nâng cao

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao kết quả của Bộ GTVT trong thời gian qua, trong đó có vai trò của lãnh đạo Bộ GTVT. Theo Phó Thủ tướng, giai đoạn 2016 - 2020, Bộ GTVT đã vượt qua rất nhiều khó khăn để thực hiện các nhiệm vụ được Chính phủ giao, hoàn thành nhiều công trình, dự án quan trọng.

Đặc biệt, năm 2020, trong bối cảnh đất nước đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng Bộ GTVT đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để hoàn thành các dự án trọng điểm.

“Trong 6 tháng đầu năm 2020, Bộ GTVT đã giải ngân đạt 33,7% vốn kế hoạch cả năm, cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Chất lượng công trình giao thông ngày càng tốt hơn, thất thoát lãng phí trong các dự án dần được hạn chế, hiệu quả đầu tư của nhiều công trình ngày càng nâng cao”, Phó Thủ tướng đánh giá.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại như: Công tác phát triển hệ thống hạ tầng giao thông còn chậm, nhất là hệ thống đường cao tốc; Hệ thống đường sắt còn lạc hậu, năng lực vận tải thấp; Hệ thống các cảng hàng không phát triển mạnh nhưng quy hoạch chưa bài bản...

Tiếp theo là nhu cầu vốn đầu tư cho giao thông rất lớn trong khi khả năng đáp ứng được rất thấp, chỉ đáp ứng khoảng 30% nguồn vốn so với nhu cầu. “Việc huy động vốn từ xã hội để đầu tư hạ tầng giao thông trong thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn, chúng ta phải khẩn trương có chính sách để tháo gỡ”, Phó Thủ tướng lưu ý.

Nhấn mạnh nhiệm vụ sắp tới của ngành GTVT rất nặng nề, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ GTVT trước mắt tập trung tối đa cho công tác giải ngân vốn đầu tư công.

Đề cập đến nhiệm vụ trung và dài hạn, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT rà soát lại quy hoạch các dự án xây dựng mới; tập trung xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, trong đó cần xác định rõ vốn đầu tư, vốn ODA, vốn xã hội hóa; tập trung làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.