Sáng 23/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ dự và chủ trì Diễn đàn logistics Việt Nam 2019 với chủ đề "Logistics nâng cao chuỗi giá trị nông sản".
Phát biểu kết luận Diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ ghi nhận những bước phát triển của ngành dịch vụ logistics Việt Nam trong thời gian qua, đồng thời thẳng thắn trao đổi, chia sẻ về những khó khăn, hạn chế và đưa ra những định hướng, yêu cầu phát triển trong thời gian tới.
Logistics sẽ làm lợi cho nông dân
Nêu dẫn chứng cụ thể, 1kg thanh long xuất khẩu qua Hoa Kỳ mất khoảng 3,5 USD; nếu giá bán 7 USD/kg thanh long thì chi phí logistics chiếm đến 50% giá trị. 1kg tôm mà đưa từ đồng bằng lên các tỉnh miền núi có giá đắt hơn 1kg tôm vận chuyển từ Ecuado về Việt Nam... Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khái quát: Về cơ bản, hiện nay, hàng nông sản có đặc thù chung là đang xuất khẩu thô, trọng lượng thì rất lớn, cồng kềnh, chiếm nhiều diện tích nhưng giá trị kinh tế thì nhỏ.
Theo Phó Thủ tướng, một xe tải chở dưa hấu từ Quảng Nam, Bình Định ra tận cửa khẩu Tân Thanh xuất qua Trung Quốc thì được bao nhiêu tiền? Trong khi đó, 1 chiếc điện thoại smarphone xuất qua Việt Nam lại có giá trị rất lớn, gấp rất nhiều lần giá trị nông sản.
"Chính vì vậy, chúng ta càng đầu tư vào ngành dịch vụ logistics thì càng làm lợi cho người nông dân. Người dân được nhờ, doanh nghiệp được lợi. Đầu tư phát triển ngành dịch vụ logistics vừa là kinh doanh nhưng vừa là nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước, nhiệm vụ chính trị-xã hội", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Lấy ví dụ từ thực tế của bản thân, Phó Thủ tướng chia sẻ: "Có hôm tôi đi thăm người nhà ốm, tôi ra chợ mua ít trái cây. Chị bán hàng đưa loại vú sữa thâm đen sì sì. Tôi liền hỏi đây là loại “vú sữa tàu, hay vú sữa xe” làm chị phải giật mình. Phó thủ tướng giải thích, “vú sữa tàu” là vú sữa rất ngon được vận chuyển bằng tàu bay. Vú sữa chuyển từ miền Nam ra tới Hà Nội còn rất tươi xanh. Còn loại “vú sữa xe” là vú sữa được vận chuyển bằng ô tô có chất lượng thấp hơn rất nhiều.
Từ đó, Phó Thủ tướng đúc kết, sản phẩm nông sản có chu kỳ sản xuất ngắn, dễ hư hỏng, tính thời vụ cao, bảo quản, vận chuyển phải ở nhiệt độ thấp. Trong khi đó, công nghệ chuỗi bảo quản lạnh lại rất kém. Từ khâu chọn loại giống sản xuất, cung ứng các dịch vụ đầu vào, thu hoạch, bảo quản, sơ chế, chế biến nông sản sau thu hoạch… đều chứa đựng giá trị dịch vụ logistics.
Chính vì vậy, doanh nghiệp cần tiếp cận đến người dân, hợp tác xã sản xuất để cung ứng loại hình dịch vụ logistics. Hiện chúng ta sản xuất rất tốt, nhưng công tác bảo quản, sơ chế rất hạn chế cần tập trung logistics để khắc phục tồn tại này, nâng cao giá trị nông sản, làm lợi cho người dân...
Chính phủ ưu tiên phát triển logistics
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ luôn có chủ trương quan tâm phát triển các mô hình, loại hình dịch vụ nói chung. Trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, xác định tốc độ tăng trưởng dịch vụ nói chung phải cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP. Trong phát triển dịch vụ, thì trọng điểm ưu tiên phát triển những dịch vụ có giá trị gia tăng cao, có tính hiện đại và tính hội nhập, như tài chính, ngân hành, bảo hiểm, logistics.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 ban hành Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025.
Chính phủ yêu cầu cần có chiến lược để đưa Việt Nam thành đầu mối logistics của khu vực, phát triển thành một ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao; phát triển thị trường dịch vụ logistics mạnh nhưng phải bền vững, bình đẳng, lành mạnh.
Mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ đóng góp của ngành dịch vụ logistics đạt khoảng 8-10% GDP (hiện nay đạt khoảng 4-5%), tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt 15-20% hằng năm (hiện nay đạt 10-12%), tỷ lệ thương mại-dịch vụ logistics khoảng 50-60%, phấn đấu đưa chi phí logistics giảm xuống khoảng 16% tỷ trọng GDP (hiện nay cao hơn 20%, cao gấp đôi các nước đang phát triển).
Phó Thủ tướng chỉ rõ: Hiện nay, tồn tại một nghịch lý là tỷ lệ đóng góp vào GDP của ngành dịch vụ logistics thì thấp, nhưng chi phí logistics của doanh nghiệp lại rất cao. Điều này ngược lại so với thế giới.
Theo Phó Thủ tướng, hiện nay các doanh nghiệp sản xuất trong các lĩnh vực tự làm các khâu của logistics còn nhiều, cho nên chúng ta phấn đấu giảm tỷ lệ tự làm các khâu này nhằm tạo thị trường cho các công ty chuyên cung cấp dịch vụ logistics một cách chuyên nghiệp.
Về logistics cho hàng nông sản, Phó Thủ tướng nhìn nhận, Việt Nam đầy tiềm năng. Thị trường nội địa có 96 triệu dân, dự kiến là 98 triệu dân vào năm 2020 và 100 triệu dân vào năm 2022. Về xuất nhập khẩu thì năm nay phấn đấu đạt 530 tỷ USD, trong đó có hơn 40 tỷ USD của hàng hóa nông sản. Điều đó cho thấy thị trường logistics còn rất rộng lớn.
Để phát huy tiềm năng này, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương tiếp tục quan tâm đến phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông, tạo tính kết nối, vận chuyển, lưu thông hàng hóa nội địa, kết nối khu vực, quốc tế; tập trung nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, hệ sinh thái logistics; đa dạng hóa, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực logistics; phát triển mô hình kinh tế, doanh nghiệp chia sẻ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận