Nhà dột nát cũng không dám sửa
50 tuổi, nhưng bà Phạm Thị Mận, khu Phương Anh, phường Phương Nam, TP Uông Bí trông già, lam lũ như người ngoài 60 tuổi vì cuộc sống vất vả, nghèo khó. Chỉ tay vào căn nhà nhỏ hơn 20m2, bà Mận cho biết, cả gia đình 4 người đang sinh sống ở đây.
“Năm 2004, gia đình tôi được chính quyền cấp cho mảnh đất 300m2 để chuyển đến định cư tại đây. Khi ấy nơi này là ruộng lúa, đồng cói, mùa mưa nước ngập mênh mông. Vợ chồng tôi phải mất bao nhiêu công đắp bờ, be nước, vận chuyển đất đá để san lấp lấy mặt bằng làm căn nhà này. Giờ chồng tôi cũng mất rồi, vậy mà đến nay, căn nhà cũng chưa được cấp sổ đỏ”, bà Mận bộc bạch.
Bà Phạm Thị Tâm ở khu Phương An, phường Phương Nam đau đáu về ước mơ được cấp bìa đỏ của gia đình và các hộ dân trong khu
Cách gia đình bà Mận vài chục mét, căn nhà của bà Phạm Thị Tâm, gần 60 tuổi, bị cụt một bên tay phải cũng sống trong căn nhà nhỏ chừng hơn 20m2.
“Trước đây, gia đình tôi ở khu Đá Bạc, phường Phương Nam. Năm 2004, chính quyền thông báo triển khai chương trình di dân, vợ chồng tôi về nhận 300m2 đất vùng trũng này sinh sống. 18 năm rồi, vợ chồng tôi vẫn ngóng trông sổ đỏ nên việc bán mua, xây dựng nhà cửa, tách thửa rồi kéo theo chuyện nhập khẩu, tách khẩu, cho con cháu đi học hành đều khó khăn, chẳng khác gì đi ở nhờ”, bà Tâm than.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó trưởng khu Phương An chia sẻ: “Hiện trên địa bàn phường có 30 hộ dân thuộc diện di dân chưa được cấp bìa đỏ, chủ yếu sống tại khu phố này. Nhiều gia đình có tới 3 thế hệ sinh sống, nhưng không dám sửa chữa, nâng cấp nhà cửa, cũng không thể tách thửa cho con, cho cháu... Bà con ở đây kiến nghị nhiều nhưng chẳng thấy có động thái gì”.
Đây cũng là thực trạng đối với 50 hộ tại phường Phương Đông, TP Uông Bí, hiện đều nằm gọn trong quy hoạch của Khu Kinh tế ven biển Quảng Yên và Cụm Công nghiệp Phương Đông, Phương Nam.
Họ đều là các hộ dân đi di, dãn dân xây dựng kinh tế mới trên địa bàn. Đáng nói, cùng đi theo tiếng gọi di, dãn dân của chính quyền, cùng thời kỳ di dân về đây, vậy mà một số hộ khác được cấp bìa đỏ, còn 90 hộ dân lại không được cấp.
Ông Phạm Gia Trọng, Chủ tịch UBND phường Phương Nam cho hay: “Do tôi mới được điều động về địa phương, nên chưa nắm cặn kẽ được căn nguyên. Nghe cán bộ phường báo cáo, từ rất lâu lắm rồi, bà con đều tha thiết được cấp bìa đỏ để đảm bảo quyền lợi và thuận lợi trong cuộc sống”.
Chính quyền “bỏ quên” quyền lợi của dân?
Nhiều hộ dân đã lo lắng chuyển đi nơi khác bỏ lại nhà hoang, xuống cấp
Theo kết luận của Thanh tra tỉnh Quảng Ninh trong công tác quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng tại các khu vực di, dãn dân xây dựng kinh tế mới trên địa bàn, thì từ năm 1997 - 2004, TX Uông Bí (nay là TP Uông Bí) có 206 hộ thuộc diện di dân nội xã.
Cụ thể, tại phường Phương Đông đã tiếp nhận 116 hộ tại các khu vực tổ 5, tổ 6, Khu Bí Trung 1, sau này có 10 hộ được tách về địa giới phường Yên Thanh. Còn tại phường Phương Nam có 90 hộ dân thuộc diện này.
Mong muốn được xây nhà, ổn định cuộc sống của bà con di, giãn dân chưa được cấp sổ đỏ là hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, rất khó thực hiện việc tính là đất ở cho bà con khi thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng. Bởi lẽ, tại đây, các hộ xây dựng vào những thời điểm khác nhau, dẫn đến phải tính toán phương án theo từng thời điểm cụ thể. Nếu không, sẽ gây ra tình trạng đơn, thư khiếu kiện khắp nơi do có sự so sánh thiệt, hơn...
Ông Phạm Gia Trọng, Chủ tịch UBND phường Phương Nam
Cũng theo kết luận, trong giai đoạn 1997-2004, UBND TP Uông Bí đã không lập quy hoạch sử dụng đất làm căn cứ cấp đất ở cho các hộ di dân vùng kinh tế mới tại các điểm di dân trên địa bàn phường Phương Nam, Phương Đông theo chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Ninh.
Hậu quả của việc làm này là đến nay, trong tổng số 206 hộ di dân tại địa phương này thì còn 80 hộ dân chưa được cấp bìa đỏ.
Điều đáng nói là, hiện nay, việc cấp bìa đỏ cho các hộ dân tại phường Phương Đông và Phương Nam, TP Uông Bí sẽ không thể thực hiện được nữa nếu như không có cơ chế đặc thù.
Bởi lẽ, đối với 50 hộ tại phường Phương Đông, hiện đều nằm gọn trong quy hoạch của Khu kinh tế ven biển Quảng Yên và Cụm ông nghiệp Phương Đông, Phương Nam.
Còn 30 hộ dân tại phường Phương Nam dù đã xây nhà và ở ổn định trong giai đoạn từ năm 1998 - 2005 đến nay cũng vướng các quy hoạch.
Cụ thể, 15 hộ dân nằm vào quy hoạch Cụm công nghiệp Phương Đông, Phương Nam, 10 hộ nằm trong quy hoạch Amanta, 5 hộ thuộc quy hoạch khai thác đá của Công ty CP Xi măng và xây dựng Quảng Ninh...
Kết luận của Thanh tra tỉnh Quảng Ninh đã chỉ rõ: Lãnh đạo UBND TP Uông Bí chưa quan tâm, sát sao tới khu vực di dân; không kịp thời cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ di dân.
Trong quá trình lập quy hoạch Khu kinh tế ven biển Quảng Yên và Cụm công nghiệp Phương Đông, Phương Nam, UBND TP Uông Bí không kịp thời báo cáo, tham mưu cho UBND tỉnh đưa khu vực di dân ra khỏi quy hoạch dẫn đến việc không thực hiện được việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cấp phép cho các hộ xây dựng…
Liên quan đến bất cập này, trao đổi với PV Báo Giao thông qua điện thoại trưa 5/5, ông Nguyễn Hồng Quang, Chánh văn phòng UBND TP Uông Bí, cho biết: “Hiện nay, UBND thành phố đã có tờ trình cấp có thẩm quyền của tỉnh Quảng Ninh để xem xét cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn trong việc cấp bìa đỏ cho các hộ dân thuộc vùng di dân trên địa bàn thành phố để sớm ổn định cuộc sống…”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận