UBND tỉnh Quảng Trị vừa có công văn gửi Bộ GTVT đề nghị xem xét giữ nguyên tuyến sông Thạch Hãn thuộc địa bàn tỉnh là tuyến đường thủy nội địa quốc gia.
Theo UBND tỉnh Quảng Trị, Thạch Hãn là con sông lớn nhất, có ý nghĩa lịch sử, vị trí chiến lược vô cùng quan trọng của tỉnh Quảng Trị, là chứng nhân của chiến dịch 81 ngày đêm Thành Cổ, viết nên khúc tráng ca về dòng Thạch Hãn.
Khu vực thị xã Quảng Trị - Nhà hành lễ - Bến thả hoa hai bờ Nam - Bắc là nơi thường xuyên các hoạt động dâng hương, thả hoa tri ân các Anh hùng liệt sĩ vào các ngày rằm hàng tháng, các ngày lễ lớn trong năm.
Đoạn tuyến này là nơi phát triển vận tải hành khách du lịch tâm linh (Thành Cổ Quảng Trị - Nhà tưởng niệm cố Tổng Bí thư Lê Duẩn - Cảng quân sự Đông Hà - Cửa Việt - Đảo Cồn Cỏ); Vận chuyển cát sỏi, vật liệu phục vụ xây dựng địa bàn thị xã Quảng Trị, huyện Triệu Phong, thành phố Đông Hà và các vùng lân cận...
Quảng Trị đề nghị giữ nguyên tuyến sông Thạch Hãn là tuyến đường thủy nội địa quốc gia
Mặt khác, tuyến sông Thạch Hãn giao với sông Hiếu nối thông ra biển Cửa Việt kết nối tuyến vận tải ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang có ý nghĩa chiến lược, lâu dài, tạo động lực cho mục tiêu phát triển vùng kinh tế biển.
Ngày 31/10/2021, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó tại Phụ lục 1 các tuyến vận tải chính đến năm 2030 bao gồm tuyến sông Thạch Hãn.
Những năm qua, được sự quan tâm của Bộ GTVT và Cục Đường thủy nội địa VN, tuyến sông Thạch Hãn đã được đầu tư kết cấu hạ tầng đường thủy như hệ thống báo hiệu, đèn tín hiệu năng lượng mặt trời, nhà Trạm Quản lý đường sông, nạo vét bãi cạn, bến neo đậu tàu thuyền,... góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ công tác quản lý, bảo vệ tài sản đường thủy nội địa trên các tuyến, giữ gìn trật tự ATGT, luồng tuyến thông suốt, đảm bảo.
“Với ý nghĩa lịch sử hết sức to lớn, tiềm năng phát triển giao thông vận tải thủy và Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong khi điều kiện nguồn lực tại địa phương còn hạn chế, mức đầu tư chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh vốn có, UBND tỉnh Quảng Trị đề nghị Bộ GTVT xem xét “giữ nguyên tuyến sông Thạch Hãn thuộc địa bàn tỉnh Quảng Trị là tuyến đường thủy nội địa quốc gia” theo quy định tại Quyết định số 1829/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ”, UBND tỉnh Quảng Trị đề nghị.
Về đề nghị này của Quảng Trị, đại diện Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông cho biết, thực hiện Nghị định 08/2021/NĐ-CP ngày 28/1/2021 về quản lý hoạt động đường thủy nội địa, qua rà soát có khoảng 730km trong tổng số 7.000km đường thủy nội địa quốc gia trên cả nước không đáp ứng yêu cầu là đường thủy nội địa quốc gia, trong đó có tuyến sông Thạch Hãn thuộc địa bàn tỉnh Quảng Trị. Do đó, Bộ GTVT có văn bản đề nghị các địa phương tiếp nhận để chuyển thành đường thủy nội địa địa phương.
Tuy nhiên đến nay có địa phương tiếp nhận; Có địa phương chưa đồng ý tiếp nhận, trong đó có tỉnh Quảng Trị. Bộ GTVT sẽ thống kê, rà soát lại và báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại văn bản báo cáo về việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị định 08.
Tại Phụ lục 1 các tuyến vận tải thủy chính đến năm 2030 ban hành kèm theo Quyết định số 1829/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến sông Hiếu - sông Thạch Hãn từ cửa Việt đến đập Tràn dài 41km, trong đó từ cửa Việt đến Đông Hà (sông Hiếu) dài 16km, cấp quy hoạch III; Từ ngã ba Gia Độ đến đập Tràn (sông Thạch Hãn) dài 25km, cấp quy hoạch IV.
Tại Phụ lục 2 Quy hoạch cấp kĩ thuật đường thủy nội địa, sông Thạch Hãn được quy hoạch đến năm 2030 là tuyến thủy nội địa cấp IV.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận