Đốt phá 30ha rừng để chiếm đất trồng sắn
Ông Minh phản ánh việc 30ha rừng của ông bị 28 hộ dân đốt, chặt phá để chiếm đất sản xuất
Phản ánh tới Báo Giao thông, ông Nguyễn Quang Minh (SN 1967, trú tại Khe Sanh, Hướng Hóa, Quảng Trị) cho biết, vào tháng 10/2005, ông được UBND huyện Hướng Hóa cho thuê hơn 30ha đất tại khu vực thuộc xã Thanh để trồng cây lâm nghiệp, thời hạn sử dụng là 30 năm.
Thời điểm đó, khu đất là rừng nguyên thủy, dày kín cây Klay (thuộc họ cây tre). Loại cây này có thân rất cứng, rễ chùm mọc sâu và bám rộng khiến việc khai hoang gặp nhiều khó khăn.
Vì vậy, ông Minh phải thuê nhân công và máy móc trong nhiều tháng để chặt đốt, phát quang; tiêu tốn hàng trăm triệu đồng mới làm sạch được hơn 30ha đất. Ngoài ra, ông còn phải thuê máy móc, san ủi làm con đường rộng 8m, dài gần 2km để vào khu đất.
Đến năm 2006, ông Minh đã trồng 15ha cây tràm hoa vàng và cây keo tai tượng, năm 2008 trồng 15ha còn lại. Quá trình trồng cây, ông Minh còn dựng một căn nhà sàn để công nhân ở lại chăm sóc, bảo vệ rừng cây.
Tuy nhiên, vào tháng 3/2010, khi diện tích cây trồng được 2 - 4 năm tuổi, ông Minh phát hiện hàng chục người dân ngang nhiên tới chặt phá, đốt để chiếm đất sản xuất. Ông Minh báo cáo sự việc tới kiểm lâm, viện kiểm sát, công an và UBND các cấp. Các lực lượng trên đều có mặt nhưng không ngăn chặn được.
Việc chặt đốt diễn ra liên tục, đến tháng 4/2011 thì toàn bộ 30ha đất đã bị người dân chiếm dụng hoàn toàn để trồng sắn. Ước tính trị giá thiệt hại khoảng 1,3 tỷ đồng.
Quá trình điều tra, xác minh, Công an huyện Hướng Hóa xác định có 28 hộ dân ở bản 9 (nay là thôn Ba Viêng, xã Thanh) tham gia chặt phá, đốt rừng để chiếm đất; hành vi của các hộ này có dấu hiệu của tội “Hủy hoại tài sản”.
Sau đó, ông Minh có đơn đề nghị không xử lý hình sự 28 hộ dân do nhận thức của người dân về mặt pháp luật còn hạn chế.
Ông cũng có nguyện vọng nếu cơ quan có thẩm quyền hỗ trợ chi phí cho quá trình đầu tư khai hoang, cây giống và chăm sóc 30ha rừng trồng bị thiệt hại thì sẽ tự nguyện giao lại toàn bộ diện tích này để chính quyền địa phương cấp cho người dân canh tác, sản xuất. Tuy nhiên, nhiều năm trôi qua, sự việc vẫn không được giải quyết.
Chậm trễ xử lý
Vụ việc kéo dài nhiều năm nhưng không được giải quyết triệt để khiến ông Minh vô cùng bức xúc
Tháng 4/2021, Huyện ủy Hướng Hóa tổ chức buổi làm việc với các cơ quan, đơn vị liên quan đến đơn thư của ông Minh, sau đó yêu cầu UBND huyện rà soát, thống kê lại hiện trạng đất bị lấn chiếm. Đồng thời, yêu cầu xã Thanh tuyên truyền vận động các hộ dân trả lại đất lấn chiếm cho ông Minh. Trường hợp các hộ không trả, cần có biện pháp xử lý.
Ngày 17/5/2022, huyện Hướng Hóa có phiếu hướng dẫn đề nghị ông Minh gửi đơn yêu cầu giải quyết vụ việc tranh chấp đến TAND huyện Hướng Hóa, nhưng ông không đồng tình và tiếp tục có đơn yêu cầu khởi tố vụ án hình sự.
“Đây là hành vi có dấu hiệu của tội hủy hoại tài sản chứ không phải là tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền tòa án giải quyết”, ông Minh cho biết.
Ông Hồ A Cất, Chủ tịch UBND xã Thanh cho rằng, hành vi lấn chiếm đất của các hộ dân ở trên là sai. Xã đã tổ chức nhiều cuộc họp để tuyên truyền, vận động các hộ dân trả lại đất cho ông Minh nhưng họ không đồng ý với lý do không có đất để canh tác, sản xuất. Hiện, xã cũng đã hết quỹ đất nên không thể cấp bổ sung cho các hộ này.
Người dân trồng sắn trên diện tích đất lấn chiếm của ông Minh
Theo ông Đặng Trọng Vân, Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa, huyện đã chỉ đạo phòng, ban chuyên môn và xã Thanh vận động các hộ dân trả lại đất cho ông Minh nhưng không thành công. Huyện cũng tính đến phương án bố trí đất ở nơi khác cho các hộ dân nhưng không tìm ra quỹ đất trống.
Theo ông Vân, về nguyện vọng hỗ trợ chi phí để ông Minh bàn giao đất là không có cơ sở giải quyết, bởi không thể lấy ngân sách Nhà nước để hỗ trợ cho việc tài sản bị phá hoại. Vì vậy, phương án hiện nay là khởi kiện ra tòa để xử lý.
“Đây là cách tối ưu nhất, không còn biện pháp nào nữa. Tòa tuyên thì những hộ dân đó sẽ buộc phải trả lại đất”, ông Vân cho hay.
Để tìm hiểu rõ vụ việc, PV tiếp tục liên hệ với Công an huyện Hướng Hóa để đặt lịch làm việc. Tuy nhiên, lãnh đạo đơn vị này cho biết, không có thẩm quyền phát ngôn. Tiếp đó, PV liên hệ với Công an tỉnh Quảng Trị, để lại nội dung làm việc.
Vừa qua, Đại tá Lê Phi Hùng, Phó giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị ký văn bản về việc cung cấp thông tin cho Báo Giao thông. Theo đó, vụ việc theo đơn phản ánh của ông Minh thuộc thẩm quyền giải quyết của Cơ quan CSĐT Công an huyện Hướng Hóa.
Công an tỉnh đã đôn đốc Cơ quan CSĐT Công an huyện Hướng Hóa thụ lý, giải quyết đơn của ông Minh, đồng thời đã chỉ đạo Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Trị kiểm tra, thẩm định và trực tiếp hướng dẫn quá trình giải quyết vụ việc.
Theo luật sư Nguyễn Công Tín - Công ty Luật FDVN, Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng, căn cứ quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự, tội “Hủy hoại tài sản” không thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu của bị hại. Tức là, không phụ thuộc vào việc bị hại có yêu cầu khởi tố vụ án hay không mà cơ quan điều tra phải có trách nhiệm khởi tố vụ án nếu phát hiện có dấu hiệu tội phạm.
Đến nay, vụ việc đã diễn ra hơn 12 năm. Nếu xác định các đối tượng có hành vi hủy hoại tài sản, gây thiệt hại cho ông Minh từ 200 triệu đồng trở lên thì còn thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu cơ quan điều tra không khởi tố vụ án, ông Minh có quyền gửi đơn tố cáo đến Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận