ĐBQH Bùi Văn Xuyền trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 8/6 |
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng nay về một số nội dung của dự thảo Luật Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc (đặc khu kinh tế), ĐBQH Bùi Văn Xuyền, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật cho biết, cuối giờ chiều qua (7/6), Quốc hội đã tổ chức một cuộc họp tiếp thu các ý kiến, chỉnh lý lại dự thảo Luật. Cuộc họp do Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì.
Ngoài ra còn có sự tham gia của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Thường trực Ủy ban Pháp luật và các Ủy ban của Quốc hội, các Bộ, ban, ngành có liên quan.
Lý do, theo ông Xuyền, cũng giống như những dự án Luật khác, khi thấy còn nhiều ý kiến của cử tri, dư luận thì Quốc hội tổ chức cuộc họp mời Chính phủ sang và đại diện các cơ quan liên quan để xem xét, tiếp thu các ý kiến và chỉnh lý lại cho phù hợp.
Về các nội dung chi tiết sẽ tiếp thu, chỉnh lý, ông Xuyền từ chối cung cấp thêm vì phải chờ xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền là Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, trước khi trình ra Quốc hội.
Chia sẻ quan điểm cá nhân, ông Xuyền cho rằng nên thông qua Luật đặc khu trong kỳ họp này, bởi thông thường, vì Luật này dù phức tạp, có nhiều ý kiến nhưng các cơ quan soạn thảo đã làm rất kỹ và thực tế chưa có Luật nào làm công phu như vậy, tất cả các Bộ, ngành của Chính phủ đều vào cuộc để làm.
Ông Xuyền cho biết, tại kỳ họp thứ 4 của Quốc hội, khi đưa ra thảo luận, các ĐBQH đều ủng hộ rất cao và sau kỳ họp, Ủy ban Pháp luật, Bộ Kế hoạch - Đầu tư giúp cho Chính phủ đã họp với nhau nhiều lần để chỉnh sửa liên tục theo ý kiến của ĐBQH, các chuyên gia, nhà khoa học...
“Đây là Luật mới, chúng ta nên xem sau khi tổ chức thực hiện sẽ thế nào, còn nếu ngồi đây nói phải tròn chĩnh thì rất khó” – ông Xuyền nêu quan điểm và nói thêm, tất nhiên vẫn phải rất thận trọng khi xem xét.
Thủ tướng trả lời báo chí ngày 7/6 đề cập việc xem xét giảm thời hạn thuê đất ở đặc khu từ 99 năm xuống một cách hợp lý. Sau cuộc họp chiều qua, ông có thể nói rõ hơn việc này?
Với luật đặc khu, tiếp thu ý kiến của đại biểu, cử tri phản ánh mà Quốc hội chấp nhận giảm xuống thì như Luật đất đai là thời hạn thuê đất 70 năm.
Ngoài thời hạn thuê đất thì theo ông còn điều gì băn khoăn trước khi đại biểu bấm nút thông qua vào cuối kỳ họp này?
Hiện đang tiếp thu ý kiến của đại biểu, của cử tri và nhân dân, của Chính phủ và bộ ngành sau đó tổng hợp, tiếp thu một cách tối đa các ý kiến hợp lý để chỉnh sửa dự án luật. Theo tôi, cơ bản dự án luật có thể thông qua được.
Sau khi giảm thời hạn thuê đất thì đặc khu còn những điểm gì nổi trội, thưa ông?
Đó là ưu đãi về giá tiền thuê đất, chính sách về thuế, đặc biệt nhất là cơ chế thông thoáng, môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh; cơ chế tư pháp nhanh gọn đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư và phù hợp thông lệ quốc tế.
Chính phủ cũng xác định môi trường đầu tư là quan trọng nhất, còn ưu đãi về thuế, đất thì với nhà đầu tư chiến lược họ không quá quan tâm. Điều mà họ quan tâm là môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, nhanh gọn để phục vụ sản xuất kinh doanh và khi có tranh chấp dân sự, tranh chấp kinh tế thì giải quyết nhanh gọn đúng pháp luật Việt Nam và phù hợp luật pháp quốc tế.
Nếu so với các đặc khu trong khu vực đã thành công thì đặc khu của Việt Nam có yếu tố nào đủ sức cạnh tranh?
Khi xây dựng luật về đặc khu thì Chính phủ cố gắng xây dựng yếu tố cạnh tranh ở một mức nào đó so với khu vực. Điều này đã được tính toán kỹ và sau khi Quốc hội thảo luận, cử tri, nhân dân góp ý thì xem xét chỉnh sửa cho phù hợp.
Trước mắt các cơ chế chính sách trong luật cũng đảm bảo phù hợp tình hình thực tiễn hiện nay. Còn qua trình làm, Quốc hội và Chính phủ cũng xác định phải sửa đổi luật cho phù hợp từng giai đoạn. Kinh nghiệm các nước cũng phải sửa luật, như Hàn Quốc trong 10 năm sửa 6 lần. Nếu nói cứ yên trí thực hiện luật lâu dài là không phải vì nhiều vấn đề thay đổi đòi hỏi quản lý cũng thay đổi cho phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển chung.
Thưa ông, khi giảm thời hạn thuê đất thì dự luật có thiết kế nào để những nhà đầu tư vào hạ tầng lớn như cảng biển, sân bay yên tâm vì đây là các dự án có niên hạn dài?
Thời hạn thuê đất 50 năm hay 70 năm là tuỳ từng dự án. Luật hiện hành cũng giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình 20 năm và sau sau thời hạn đó mà họ vẫn có nhu cầu, vẫn tiếp tục kinh doanh hiệu quả và chấp hành tốt pháp luật, thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước thì gia hạn.
Với dự án có niên hạn kéo dài hơn 70 năm thì có thể tiếp tục gia hạn để họ yên tâm đầu tư chứ không ngại gì cả.
Trả lời báo chí, Thủ tướng Chính phủ có đề cập việc điều tiết tỷ lệ đầu tư để tránh việc độc quyền đầu tư vào đặc khu?
Quy hoạch là quan trọng nhất, từ đó mới ra giao đất, nhà đầu tư nào vào làm gì, ở đâu và phải thực hiện đúng quy hoạch.
Không phải một nhà đầu tư làm hết được đặc khu mà ta có quy hoạch của mình, chỗ nào làm sân bay, nơi đâu là nghỉ dưỡng và nhà đầu tư vào phải tuân theo.
Đặc khu tạo cơ chế thông thoáng nhưng không phải anh thích làm gì thì làm, vì ngoài luật đặc khu còn nhiều luật khác ràng buộc và anh phải chấp hành.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận