Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, sáng 9/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế (CHKQT) Long Thành.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng sau đó giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Bộ trưởng cho biết, với kế hoạch hiện nay, giai đoạn 1 dự án CHKQT Long Thành sẽ hoàn thành trong năm 2026.
Cần thiết gia hạn thời gian cho dự án
Đồng tình với chủ trương cần thiết phải điều chỉnh một số chỉ tiêu của dự án, đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) lý giải, thời hạn thực hiện dự án đã hết nhưng công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) chưa xong; nếu không gia hạn về thời gian thực hiện sẽ không có mặt bằng để xây dựng CHKQT Long Thành.
Thứ hai, thời gian giải ngân vốn cũng đã hết trong khi nhiều dự thành phần chưa hoàn thành, nếu không kéo dài thời gian giải ngân thì nhiều công trình đầu tư xây dựng sẽ dở dang.
Ông Tiến cũng đồng tình với đề xuất điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến hết năm 2024, vì năm 2023 sắp kết thúc và công tác GPMB càng về sau càng khó khăn nên phải có nhiều cố gắng thì cuối năm 2024 mới hoàn thành.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, việc đề xuất Quốc hội cho phép điều chỉnh một số chỉ tiêu của dự án là cơ sở pháp lý để có thể tiếp tục triển khai hoàn thành dự án.
Chia sẻ với Chính phủ cũng như tỉnh Đồng Nai vì dự án sân bay Long Thành là một công trình trọng điểm quốc gia có vai trò vô cùng quan trọng, bà Hoa nhìn nhận, bất cứ dự án đầu tư nào, quá trình thực hiện sẽ khó khớp với kế hoạch ban đầu.
Đại biểu Mai Hoa ghi nhận trong thời gian triển khai thực hiện dự án, tỉnh Đồng Nai cũng đã chủ động đưa ra nhiều giải pháp, trong đó có cả việc tạm ứng ngân sách địa phương để tiếp tục chi trả kinh phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư để hoàn thành công tác thu hồi đất cho dự án và bàn giao toàn bộ mặt bằng giai đoạn một.
“Điều này cho thấy quyết tâm chính trị rất lớn và là một giải pháp rất là hợp lý của tỉnh Đồng Nai”, nữ đại biểu nói.
Cần đánh giá sát hơn nguyên nhân chậm tiến độ dự án
Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) đồng ý với chủ trương điều chỉnh nội dung Nghị quyết 53/2017/QH14 của Quốc hội.
Nhưng đại biểu Nga đề nghị đánh giá sát hơn về nguyên nhân dự án chậm tiến độ, đặc biệt là nguyên nhân chủ quan. Từ đó, có biện pháp khắc phục hiệu quả, tránh việc đã ra hạn rồi nhưng vẫn tiếp tục chậm trễ trong thời gian tới.
Theo bà Nga, việc nêu lý do dịch Covid-19 là chưa thuyết phục vì dự án triển khai từ năm 2017 và công tác chuẩn bị đã phải tính hết các phương án, cách thức tổ chức nên không thể nói do dự án lớn cần nhiều bước triển khai kỹ lưỡng.
Bà Nga cho rằng đề án đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tổ chức lại cuộc sống của người dân cũng triển khai quá chậm. Đến nay, đã quá thời hạn hoàn thành đề án gần hai năm mà mới chỉ dừng ở việc khảo sát nhu cầu, tổ chức hội nghị, tuyên truyền tư vấn đào tạo nghề.
Đối với dự án thành phần 2 có 11 công trình là các trường học, trung tâm văn hóa, trụ sở UBND xã nhưng đến nay mới có ba công trình hoàn thành, bà Nga đề nghị cần triển khai khẩn trương để ổn định cuộc sống của người dân.
Phát biểu tranh luận với đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) cho biết, dịch bệnh Covid-19 thực sự có ảnh hưởng nặng nề đến tiến độ triển khai dự án.
"Cử tri và nhân dân Đồng Nai mong mỏi dự án này được hoàn thành sớm từng ngày. Đây là dự án lớn, cả nước đang dõi theo, nên cần làm hết trách nhiệm để đẩy nhanh tiến độ", ông An nói.
Cuối cùng, đại biểu Nga đề nghị cân nhắc kỹ việc quy hoạch bốn lớp chung cư cao tầng dự kiến làm nhà ở xã hội tại khu tái định cư thành các lô nền trong khi đang có chủ trương tập trung nguồn lực nhà ở xã hội, nhất là khu công nghiệp, và cụm công nghiệp.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) cũng cho rằng, đây là dự án lớn "vắt qua ba nhiệm kỳ quốc hội" việc chậm trễ có nhiều nguyên nhân mà Chính phủ cũng như tỉnh Đồng Nai cần có phân tích để có thêm những bài học kinh nghiệm khi triển khai dự án tương tự.
"Thực tế tiến độ triển khai dự án rất chậm, cũng có lý do là thời điểm thực hiện dự án xảy ra dịch Covid-19. Song, đây không phải nguyên nhân chính vì quyết tâm của tỉnh Đồng Nai và Chính phủ khi trình Quốc hội khóa XIV là sẽ bàn giao mặt bằng vào năm 2020, mà đại dịch diễn ra tại Đồng Nai vào giữa 2021", bà Hoa phân tích.
Về đề xuất thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư kéo dài đến hết năm 2024, tức là sẽ chậm tới 3 năm, đại biểu Hoa đặt vấn đề: Cần có một sự cam kết thật rõ từ phía Chính phủ.
Nếu chậm ở giai đoạn đầu, sẽ tổng lực đẩy nhanh tiến độ ở giai đoạn cuối thì rất cần lưu ý việc đảm bảo chất lượng công trình.
"Việc xem xét kéo dài thời gian dự án là một sự cố gắng, nỗ lực và sự đồng hành của Quốc hội đối với Chính phủ để thực hiện một dự án lớn và chúng tôi hy vọng là tiến độ hoàn thành giai đoạn một vào năm 2025 sẽ được bảo đảm. Không có thêm một lần trình lùi hoãn thời gian nào nữa”" - đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa nêu rõ.
Tuy nhiên, bà Hoa vẫn băn khoăn về đề xuất kéo dài thời hạn giải ngân đối với nguồn vốn đã giao đến hết 2021 sang năm 2024 có phù hợp với Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách nhà nước không?
Điều này Chính phủ cần làm rõ cho Quốc hội.
Bổ sung vốn còn thiếu của dự án vào dự toán ngân sách nhà nước 2024
Góp ý về việc bổ sung vốn cho dự án, đại biểu Nguyễn Trường Giang (đoàn tỉnh Đắk Nông) cho rằng, theo điều 68 của Luật Đầu tư công, số vốn kế hoạch giai đoạn 2016-2020 phải được giải ngân chậm nhất đến hết 31/1/2021; số vốn kế hoạch của năm 2021 phải được giải ngân chậm nhất đến hết 31/1/2022 và có thể kéo dài đến 31/12/2022 theo quyết định của Thủ tướng.
Theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, hết thời hạn và dự toán mà chưa thực hiện hoặc chưa chi hết thì phải hủy bỏ. Trên thực tế, số vốn này đã bị hủy dự toán và không còn kết dư.
“Tôi tán thành bổ sung vốn để tiếp tục triển khai dự án theo tiến độ được điều chỉnh. Nhưng đề xuất kéo dài thời gian thực hiện giải ngân số vốn như Chính phủ trình chưa thực sự phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước; thiếu cơ sở pháp lý để Quốc hội xem xét quyết định nội dung này”, đại biểu Giang nói.
Đại biểu Giang đề nghị bổ sung số vốn còn thiếu của dự án vào Nghị quyết của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024 chuẩn bị trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này, trên cơ sở cân đối nguồn lực trong dự toán.
Đại biểu Trịnh Xuân An thì cho rằng, hiện nay chúng ta đang còn khoản kết dư trong ngân sách Đồng Nai, nếu cho chuyển thì Đồng Nai có thể sử dụng được ngay mà không làm tăng dự toán của năm 2024.
Ông An lấy dẫn chứng, thực tế, quyết định này có tiền lệ ở dự án hồ Ka Pét ở Bình Thuận, Quốc hội cũng đã cho phép. Việc cho phép sẽ vừa phù hợp về thẩm quyền, vừa phù hợp về quy trình, thủ tục, không phát sinh những vấn đề lớn, ứng phó kịp thời trong tình hình cấp bách.
Đánh giá cao sự cố gắng vượt khó của Chính phủ, Bộ GTVT và tỉnh Đồng Nai cũng như sự đồng thuận của nhân dân khu vực giải phóng bằng của dự án, đại biểu Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang) đề xuất Quốc hội thông qua chủ trương kéo dài tiến độ giải ngân vốn cho dự án để có cơ sở tiếp tục chi trả, hoàn thiện hồ sơ thanh toán, quyết toán dự án GPMB đến hết năm 2024.
Theo ông Thịnh, Trung ương sẽ cấp bổ sung vốn cho dự án. Nếu không kéo dài thời hạn thanh toán thì Trung ương nên cấp bổ sung và chia làm hai đợt: đợt 1 cấp ngay trong năm 2004; đợt 2 sẽ cấp khi có quyết định phê duyệt quyết toán. Số vốn cấp đợt 1 do Chính phủ đề xuất và đưa ngay vào kế hoạch năm 2024; giao quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.
Đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) cho rằng phần vốn dự án thành phần sân bay Long Thành đang được đề xuất điều chỉnh đã có trong kế hoạch đầu tư công, việc điều chỉnh nên giao thẩm quyền cho Thủ tướng.
Nhiều nguyên nhân khiến dự án GPMB chậm trễ
Góp ý vào nội dung này, đại biểu Bùi Xuân Thống (đoàn Đồng Nai) nêu rõ, tại khoản 1, khoản 3, Điều 1 Nghị quyết số 53 đã quy định việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư được tiến hành một lần và hoàn thành trước năm 2021. Tính tới thời điểm hiện tại, dự án đã trễ hạn gần hai năm.
Tuy nhiên, qua giám sát tại tỉnh Đồng Nai, đại biểu thấy rằng, cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh đã có sự chủ động, quyết liệt trong việc triển khai các nội dung rất lớn của dự án này.
UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch thực hiện biệt phái 113 lượt cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh để tăng cường cho UBND huyện Long Thành thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường của dự án. Đến nay, tiến độ của dự án đạt gần 98,7%.
Đại biểu Bùi Xuân Thống cho rằng, việc thu hồi phần diện tích còn lại không ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện giai đoạn 1 của dự án và chủ yếu việc xin kéo dài thời gian dự án là để hoàn thành các cấu phần xây dựng.
Về việc chậm trễ dự án, đại biểu Thống cũng chỉ rõ có nhiều nguyên nhân.
Về thủ tục, Nghị quyết 53/2017/QH14 được thông qua ngày 24/11/2017, nhưng đến ngày 6/11/2018 mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Sau khi Thủ tướng phê duyệt hồ sơ kỹ thuật lại chưa được Bộ Xây dựng đóng dấu, do đó lại kéo dài thêm 6 tháng nữa. Như vậy, từ khi có Nghị quyết của Quốc hội đến khi triển khai thực tế thu hồi đất là mất 1,5 năm.
Đây là dự án trọng điểm quốc gia và có diện tích thu hồi đất lớn nên phát sinh nhiều vấn đề thủ tục phức tạp.
Về quy định, Đồng Nai không cho phép chia tách, chuyển nhượng các thửa đất nhưng do nhu cầu thực tiễn người dân vẫn thực hiện sang nhượng, mua bán.
Đồng thời, với quy trình thủ tục hiện nay, thu hồi đất trong điều kiện bình thường mất 240 ngày thực hiện, trong khi phát sinh khiếu kiện thì thời gian còn kéo dài hơn. Việc xác định ranh giới với dự án này mất nhiều thời gian, nhất là những trường hợp phát sinh khiếu kiện.
Về thời điểm triển khai dự án, Đồng Nai là tỉnh chịu nhiều ảnh hưởng của dịch Covid-19. Các hoạt động xác định ranh giới không thực hiện được.
Sau Covid-19, giá vật liệu xây dựng tăng dẫn đến thiếu nguồn nguyên vật liệu, các nhà thầu bỏ vốn, bỏ công trình dẫn đến phải bỏ thầu lại, mất thời gian.
Từ đó, thời gian thực hiện dự án kéo dài.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng giải trình
Báo cáo, làm rõ các vấn đề Quốc hội quan tâm về nội dung này, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, theo tờ trình của Chính phủ, nguyên nhân tăng, giảm tổng mức đầu tư của dự án đã được UBND tỉnh Đồng Nai trình bày chi tiết trong Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh.
Báo cáo này đã được Hội đồng thẩm định Nhà nước và các bộ, ngành liên quan kiểm tra, rà soát, bảo đảm đầy đủ cơ sở chính xác và trung thực theo quy định của Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai...
UBND tỉnh Đồng Nai là chủ đầu tư chịu trách nhiệm trong việc tổ chức triển khai thực hiện.
Về nguyên nhân dự án chậm tiến độ, Bộ trưởng cho biết, ngoài các nguyên nhân khách quan như cơ quan chủ trì trình, Báo cáo của Chính phủ cũng nêu rõ nguyên nhân chủ quan là do nhân sự chủ chốt của UBND tỉnh Đồng Nai trong thời gian thực hiện dự án có nhiều thay đổi.
Thủ tục lập quy hoạch tái định cư, thiết kế đấu thầu kéo dài và lực lượng lao động khan hiếm sau giãn cách của đại dịch Covid-19, ảnh hưởng đến tiến độ thi công các gói thầu xây dựng…
"Qua báo cáo của UBND tỉnh Đồng Nai, có thể thấy trong quá trình triển khai thực hiện kể từ khi Quốc hội có quyết định phê duyệt chủ trương, các bước phê duyệt dự án có nhiều vướng mắc", Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, sau góp ý của các đại biểu Quốc hội, Chính phủ sẽ tiếp tục đánh giá, xác định các nguyên nhân chủ quan để từ đó rút kinh nghiệm và có các giải pháp khắc phục triệt để trong thời gian tới.
Làm rõ tỉ lệ diện tích đất chưa GPMB có ảnh hưởng tới tiến độ dự án hay không, đến nay UBND tỉnh Đồng Nai thu hồi 4.882/5000 ha đạt 97,6% và đã bàn giao 100% mặt bằng giai đoạn 1 cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) triển khai dự án, phần diện tích còn lại gần 2,4% là thuộc giai đoạn 2 nên việc GPMB diện tích còn lại không ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện dự án CHK Long Thành.
Giải thích rõ hơn về tiến độ dự án xây dựng CHK Long Thành giai đoạn 1, Bộ trưởng Thắng cho biết, gói thầu xây dựng nhà ga hành khách là phần quan trọng nhất quyết định tiến độ dự án. Sau nhiều khó khăn, nay đã lựa chọn được nhà thầu và đã khởi công ngày 31/8/2023.
Theo hợp đồng, thời gian thi công là 39 tháng, dự án sẽ hoàn thành vào khoảng tháng 10-11/2026, chậm hơn 1 năm so với yêu cầu của Quốc hội. Tuy nhiên chủ đầu tư đang chỉ đạo rất quyết liệt các nhà thầu để đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu nếu hoàn thành trong năm 2025 là tốt nhất.
"Về dự án này, tháng nào Bộ GTVT cũng có đánh giá, báo cáo tiến độ với Chính phủ để báo cáo với Quốc hội", Bộ trưởng Thắng khẳng định.
Về giải pháp triển khai xử lý dứt điểm các nội dung còn tồn tại sau khi được Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện, Bộ trưởng GTVT cho biết, UBND tỉnh Đồng Nai sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ GTVT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để khẩn trương có các giải pháp xử lý dứt điểm.
UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã yêu cầu các chủ đầu tư lập tiến độ thi công tổng thể, chi tiết, đôn đốc kịp thời và có các biện pháp tăng cường.
Chính phủ sẽ theo dõi sát sao, kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo theo các nội dung Nghị quyết của Quốc hội để tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, góp phần để dự án triển khai đúng tiến độ.
Với các ý kiến của đại biểu về việc kéo dài thời gian giải ngân vốn có phù hợp quy định pháp luật hay không, Bộ trưởng Thắng giải trình thêm, dự án CHKQT Long Thành có diện tích GPMB lớn nhất từ trước đến nay với thời gian thực hiện dự kiến trong thời gian ngắn nhất (2019-2021).
Tuy nhiên, do bị ảnh hưởng nặng vì Covid-19 trong 2 năm, nên dù UBND tỉnh Đồng Nai đã nỗ lực trong triển khai nhưng tiến độ GPMB dự án không đạt so với dự kiến.
Đến nay, dự án thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư đã hoàn thành khối lượng lớn, bàn giao tới 97,6% để phục vụ giai đoạn I nhưng vẫn còn khoảng 6.157 tỷ đồng nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và 2021-2025 đã được cấp có thẩm quyền bố trí nhưng chưa giải ngân. Số vốn này đã được hủy dự toán trên hệ thống và đang kết dư vào ngân sách tỉnh Đồng Nai.
Do dự án này chưa hoàn thành nên UBND tỉnh Đồng Nai chưa làm thủ tục hoàn trả nguồn vốn kết dư về ngân sách Trung ương.
"Để tránh tạo áp lực, giảm thủ tục thời gian trong việc bố trí nguồn đầu tư trung hạn trong khi nguồn kết dư vẫn đang nằm trong ngân sách tỉnh Đồng Nai, Chính phủ đề nghị kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn khoảng 2.510 tỷ trong khoảng 6.157 tỷ đồng vốn chưa giải ngân sang năm 2024 để hoàn thành dự án", Bộ trưởng Thắng báo cáo.
Bộ trưởng Thắng cho hay, khi đưa ra đề xuất này, cơ quan soạn thảo căn cứ vào một số dự án tương tự, trước đây đã được Quốc hội cho phép gia hạn thời gian giải ngân nguồn vốn dự phòng ngân sách trung ương bổ sung cho tỉnh Bình Thuận để làm hồ chứa nước Ka Pét tại nghị quyết 101/2023.
Bộ trưởng Thắng báo cáo thêm: Đến nay, UBND tỉnh Đồng Nai đã phê duyệt đề án đào tạo nghề giải quyết việc làm, tổ chức lại cuộc sống của người dân thuộc dự án với mục tiêu đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, hỗ trợ miễn chi phí học tập cho giáo dục phổ thông, đại học trong năm 2023 và các năm tiếp theo.
UBND tỉnh Đồng Nai sẽ chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền tổng hợp yêu cầu đăng ký đào tạo nghề, giải quyết việc làm từ người dân đồng thời yêu cầu doanh nghiệp hàng không ưu tiên sử dụng lao động địa phương với tỉ lệ nhất định.
Bốn nội dung đề xuất điều chỉnh
Trước đó, ngày 26/10, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã trình bày tờ trình về việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư CHKQT Long Thành.
Theo đó, có bốn nội dung đề xuất là điều chỉnh giảm tổng mức đầu tư dự án từ 22.938 tỷ đồng xuống 19.207,504 tỷ đồng (giảm 3.730,496 tỷ đồng).
Thứ hai, điều chỉnh diện tích đất thu hồi là 5.317,35ha (giảm 82ha). Trong đó, diện tích đất của dự án Cảng HKQT Long Thành là 5.000ha, diện tích đất khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn là 284,7ha (tăng 2,35ha).
Tăng diện tích đất tái lập hạ tầng ngoài ranh giới Cảng HKQT Long Thành 32,65ha; giảm không thực hiện đầu tư đối với diện tích đất phân khu III - khu dân cư, tái định cư Bình Sơn 97ha và giảm diện tích đất khu nghĩa trang 20ha.
Thứ ba là gia hạn thời gian thực hiện dự án đến hết năm 2024.
Cuối cùng là bổ sung nội dung bố trí tái định cư các hộ dân thuộc hai tuyến giao thông kết nối T1, T2 vào khu dân cư, tái định cư Lộc An - Bình Sơn.
Báo cáo thẩm tra tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế nhất trí với kiến nghị Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện dự án đến hết năm 2024 nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý để thực hiện hoàn thành các dự án thành phần có cấu phần xây dựng cũng như triển khai công tác giải ngân cho dự án.
Tuy nhiên, đề nghị cần đánh giá việc tạm ứng ngân sách địa phương chi trả cho các kinh phí liên quan của dự án từ năm 2021-2023 trong bối cảnh niên độ dự án đã kết thúc, không được Kho bạc Nhà nước giải ngân thì có tác động, ảnh hưởng như thế nào đối với việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Ủy ban Kinh tế đề nghị đánh giá việc điều chỉnh về thời gian chuẩn bị và thực hiện dự án "đến hết năm 2024" thay vì hoàn thành trước năm 2021 có ảnh hưởng như thế nào đến thời gian và lộ trình thực hiện giai đoạn 1 của dự án được nêu tại khoản 6 của Nghị quyết số 94/2015/QH13. Theo đó giai đoạn 1: đầu tư xây dựng 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm; chậm nhất năm 2025 hoàn thành và đưa vào khai thác.
Ủy ban Kinh tế sẽ phối hợp với cơ quan soạn thảo, các cơ quan có liên quan tiếp tục rà soát và hoàn thiện nội dung này để đưa vào Nghị quyết chung của kỳ họp thứ 6.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng sẽ giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận