Chiều nay (18/6), Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018 và Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Với Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018, có tổng số 452 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết (đạt 93,58%), trong đó bấm nút tán thành là 450 (chiếm 93,17%), không tán thành 0 và không biểu quyết là 2 ý kiến.
Với Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), có tổng số 456 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết (đạt 94,41%), trong đó bấm nút tán thành là 448 (chiếm 92,75%), không tán thành 1 và không biểu quyết là 7 ý kiến.
Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) gồm 11 chương và 101 điều, là luật thống nhất điều chỉnh hoạt động đầu tư, thu hút khu vực tư nhân tham gia đầu tư một số lĩnh vực hạ tầng quan trọng, thiết yếu theo phương thức đối tác công - tư PPP.
5 nhóm lĩnh vực được đầu tư PPP là những lĩnh vực quan trọng, thiết yếu liên quan đến phát triển cơ sở hạ tầng (giao thông, thủy lợi), cung cấp dịch vụ thiết yếu (điện, nước, xử lý môi trường), bảo đảm an sinh xã hội (y tế, giáo dục - đào tạo), phù hợp với sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0 (hạ tầng công nghệ thông tin), thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và nâng cao chất lượng đời sống của người dân.
Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, quy mô đầu tư dự án PPP đầu tư vào địa bàn KT-XH có nhiều khó khăn như lĩnh vực y tế, giáo dục thì có tổng mức đầu tư tối thiểu 100 tỉ đồng, các dự án PPP tại các địa bàn, lĩnh vực khác có tổng mức đầu tư 200 tỉ đồng.
Về cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu, Luật quy định biên độ tăng, giảm doanh thu ở mức 25%, tương ứng tăng doanh thu từ 125% trở lên, giảm doanh thu từ 75% trở xuống.
Cũng trong chiều nay, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận