Chiều nay (21/9), liên Bộ Công thương - Tài chính điều hành giá xăng dầu theo quy định. Các doanh nghiệp đầu mối sẽ đưa ra mức giá bán lẻ không cao hơn giá điều hành từ liên bộ.
Trong kỳ điều chỉnh lần này, giá mặt hàng xăng đồng loạt tăng mạnh. Cụ thể, mỗi lít xăng RON 95-III tăng 870 đồng, lên mức 25.740 đồng; xăng E5 RON 92 lên 24.190 đồng, đắt thêm 720 đồng.
Tương tự, giá các mặt hàng dầu cũng đồng loạt tăng. Dầu diesel là 23.590 đồng một lít, tăng 540 đồng. Dầu hỏa có mức giá mới là 23.810 đồng, tăng 630 đồng. Dầu mazut tăng 140 đồng, có giá mới là 17.840 đồng/kg.
Trong kỳ điều chỉnh lần này, cơ quan điều hành đã quyết định không trích lập, nhưng chi sử dụng quỹ đối với 2 mặt hàng xăng, dầu diezel, dầu hỏa ở mức 300 đồng/lít. Mức chi quỹ kỳ này được cho là chỉ nhỏ giọt so với mức trích lập nhiều kỳ qua.
Bộ Công thương cho biết, giá tăng mạnh ở kỳ này là do bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá ngày 11/9/2023 và kỳ điều hành ngày 21/9/2023 tăng.
Cụ thể, mức 107,950 USD/thùng với xăng RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 (tăng 4,802 USD/thùng, tương đương tăng 4,66% so với kỳ trước); 114,028 USD/thùng xăng RON 95 (tăng 5,080 USD/thùng, tương đương tăng 4,66% so với kỳ trước); 124,570 USD/thùng dầu hỏa (tăng 3,717 USD/thùng, tương đương tăng 3,08% so với kỳ trước); 124,059 USD/thùng dầu diezel (tăng 4,109 USD/thùng, tương đương tăng 3,43% so với kỳ trước); 539,814 USD/tấn dầu mazut 180CST 3,5S (tăng 9,391 USD/tấn, tương đương tăng 1,77% so với kỳ trước).
"Phương án điều hành giá xăng dầu nêu trên là bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường, hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu duy trì, cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước; hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân", Bộ Công thương nêu.
Giá xăng, dầu tăng liên tiếp thời gian qua và rõ ràng đây là kỳ điều hành được nhiều người mong đợi cơ quan liên bộ sẽ chi quỹ để hỗ trợ người dân, song không phải vậy.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa thẳng thắn: Thời gian vừa qua, nhà điều hành sai lầm khi chi và sử dụng quỹ chưa linh hoạt, dẫn đến những bất ổn, đi ngược với mục đích của việc bình ổn giá.
Ông nhấn mạnh, hiện nay, đã có quy định cụ thể về việc trích lập và chi quỹ khi giá cơ sở xăng dầu trong kỳ công bố biến động so với giá cơ sở kỳ trước liền kề.
Tuy nhiên, các quy định đó tính minh bạch chưa cao, đặc biệt là chưa "ăn khớp" với quy định về bình ổn giá của Luật Giá và các văn bản hướng dẫn Luật Giá, nên dư luận lâu nay vẫn chưa thật đồng thuận.
Như vậy, để Quỹ BOG hoạt động hiệu quả, ông cho rằng, các quy định về quỹ cần được sửa đổi cách làm sao để bảo đảm tính phối hợp liên thông cả trích lập, chi sử dụng quỹ.
Đồng thời, tránh cả việc chủ quan không hợp lý trong việc chi sử dụng quỹ.
"Theo tôi, nên quy định, chỉ áp dụng mức trích quỹ khi giá cơ sở của kỳ thông báo thấp hơn giá cơ sở kỳ trước liền kề; Không trích lập quỹ khi giá cơ sở kỳ thông báo cao hơn giá cơ sở kỳ trước liền kề để tránh giá xăng dầu đã tăng lại bị tăng hơn do trích lập quỹ.
Khi giá xăng dầu kỳ thông báo cao hơn kỳ trước liền kề cần phải áp dụng biện pháp chi sử dụng Quỹ BOG.
Lúc đó, cơ quan quản lý phải ban hành thông báo công khai, rộng rãi là: Nhà nước áp dụng các biện pháp chi Quỹ BOG. Áp dụng có thời hạn cho đến khi giá cơ sở xăng dầu về mức bình thường, hoặc giảm. Lúc đó, cơ quan quản lý sẽ phải ban hành thông báo bãi bỏ các biện pháp bình ổn xăng dầu", ông Thỏa gợi mở.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận