Những ngày cao điểm phòng chống dịch bệnh, người người mua hàng online, mua đồ ăn, uống để trong các túi ni lông, hộp nhựa khiến lượng rác thải xả ra rất lớn.
Trước khi có lệnh cấm tiếp tế đồ ăn vào khu cách ly, mỗi ngày, một khu cách ly ở TP HCM xả ra gần 2 tấn rác.
Đây là áp lực lớn với lực lượng thu dọn xử lý rác.
Báo Giao thông nhận được nhiều ý kiến bạn đọc gửi về thông qua hộp thư điện tử và các bình luận trên báo điện tử cho rằng cần chung tay thay đổi nhận thức để tránh hậu quả ô nhiễm môi trường sau này.
Bạn đọc Hoàng Linh (Hà Nội) viết, trong đám nhựa dùng một lần kia có thể có nhiều nguồn lây vì vậy cần xử lý đốt theo đúng quy trình. Trong khi các bãi rác ở Hà Nội đều quá tải. Chính quyền cần phải có phương án xử lý rác trong mùa dịch bệnh an toàn hơn ngày thường.
Bạn đọc Châu Anh (Quận 5, TP HCM) kiến nghị, nên có đồ bảo hộ cho nhân viên xử lý rác. Họ quá vất vả trong giai đoạn này. Kể cả khi phong tỏa toàn thành phố thì họ cũng không được nghỉ. Mỗi người hãy có ý thức, hạn chế xả rác và phải bỏ rác đúng nơi quy định trong những ngày này.
Bạn đọc Mỹ Lan (Ba Đình, Hà Nội) cho rằng, mỗi người nên có ý thức một chút, giảm mua sắm đồ nhựa dùng một lần, mua đồ về nhà chế biến vừa ăn chín, uống sôi loại trừ virus vừa bớt thải ra môi trường bao nhiêu là cốc, túi ni lông.
Bạn đọc Hòa An (TP HCM) chia sẻ: “Bao nhiêu công truyền thông thay đổi ý thức, giảm xả rác thải nhựa đến lúc này đổ xuống sông xuống bể hết. Mỗi ngày nhìn thấy cả nghìn người mua bán đồ ăn thức uống dùng cốc nhựa, hộp nhựa mà thấy nản.
Dịch bệnh cũng không đến mức không nhịn nổi một cốc chè hay một miếng bánh, để kéo theo một chu trình vận chuyển từ nơi bán đến người mua, xả rác, đốt rác sẽ quá tải, lúc ấy lại thành họa ô nhiễm môi trường”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận