Thị trường

Rối rắm áp giá xăng dầu tại các địa phương vùng 2

Nhiều tỉnh thành có cảng, kho và ngay sát nhà máy lọc dầu nhưng vẫn bị áp giá bán lẻ xăng dầu cao hơn giá bán lẻ công bố. Điều này khiến doanh nghiệp, người dân chịu thiệt so với những địa phương khác.

Cạnh nhà máy lọc dầu vẫn phải mua giá cao

Vạn Xuân là một trong những hãng taxi lớn ở tỉnh Nghệ An với gần 300 đầu xe. Hiện hằng tháng, mỗi xe của doanh nghiệp này đổ khoảng 5 triệu đồng tiền xăng, dầu.

Rối rắm áp giá xăng dầu tại các địa phương vùng 2 - Ảnh 1.

Người tiêu dùng ở Nghệ An và nhiều tỉnh thành khác đang phải mua xăng, dầu cao hơn 2% so với giá điều hànhcủa Nhà nước.

Còn Công ty Vilaconic có hơn 150 xe đầu kéo chuyên chở hàng hóa từ Lào về Việt Nam. Lúc cao điểm, doanh nghiệp phải bỏ ra gần 20 tỷ đồng mua xăng dầu mỗi tháng. Tùy vào lượng hàng, số tiền mà doanh nghiệp phải chi cho xăng dầu dao động 8 - 12 tỷ đồng.

Theo các doanh nghiệp này, giá xăng dầu biến động liên tục ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, điều khiến các doanh nghiệp, người dân ở nơi đây bức xúc là dù giá xăng dầu tăng hay giảm thì giá bán lẻ ở đây luôn cao hơn một số địa phương khác.

Theo giá niêm yết chiều ngày 31/10/2023 tại các cửa hàng của Công ty Xăng dầu Nghệ An, xăng RON 95-III là 23.980 đồng/lít (cao hơn 470 đồng); xăng E5 RON 92-II là 22.800 đồng/lít (cao hơn 440 đồng); dầu DO 0,05S-II là 22.920 đồng/lít (cao hơn 440 đồng).

Chênh lệch giá bán lẻ trên đến từ việc Nghệ An thuộc địa bàn vùng 2.9 (địa bàn xa cảng, xa kho đầu mối, xa cơ sở sản xuất xăng dầu có chi phí phát sinh hợp lý, hợp lệ đã kiểm toán). Theo quy định, mức giá vùng 2 cao hơn không quá 2% so với giá điều hành công bố của vùng 1.

Bà Nguyễn Thị Duyên, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vilaconic cho biết, theo tính toán, giá xăng dầu ở Nghệ An chênh lệch cao hơn Hải Phòng không quá 2%. 

Chừng đó cũng khiến mỗi tháng công ty cũng phải mất thêm hàng trăm triệu tiền xăng dầu. Đây là số tiền không nhỏ trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Xuân Đạt, Giám đốc điều hành taxi Vạn Xuân cho biết thêm, trước sự chênh lệch về giá, doanh nghiệp phải tính vào giá cước vận tải. Do đó, giá xăng dầu cao sẽ ảnh hưởng tới người dân và mọi mặt kinh tế - xã hội.

"Mỗi lần giá xăng dầu biến động tăng, doanh nghiệp vận tải taxi đề xuất tăng giá cước 500 đồng đã là một vấn đề. 

Thế nhưng, từng đó cũng chỉ mới bằng số tiền chênh lệch mà doanh nghiệp ở Nghệ An phải bỏ ra để mua 1 lít xăng dầu so với một số địa phương ở vùng 1", ông Đạt nói.

Thương nhân đầu mối tự công bố

Cũng theo lãnh đạo Công ty Cổ phần Vilaconic, nếu nói Nghệ An ở vùng 2 là địa bàn xa cảng, xa kho đầu mối, xa cơ sở sản xuất xăng dầu thì chưa phù hợp. 

Vì tỉnh này có kho và cảng xăng dầu của Công ty Xăng dầu Nghệ An (thuộc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam) và tổng kho, bến cảng xăng dầu DKC ở Nghi Thiết, Nghi Lộc. Ngoài ra, cạnh Nghệ An có nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, Thanh Hóa.

Nghệ An là tỉnh rất rộng. Nếu đi từ TP Vinh đến một số huyện miền núi sẽ xa hơn và khó khăn hơn ra Hà Nội. Do đó, việc để Nghệ An thuộc vùng 2 sẽ đúng với các huyện miền núi, vùng cao như huyện Tương Dương, Quế Phong… Còn các vùng đồng bằng như TP Vinh, Nghi Lộc, Diễn Châu, Hoàng Mai… có thể dựa trên các cơ sở về điều kiện để có thể kiến nghị sửa đổi. Việc điều chỉnh và phân rõ 2 vùng cho Nghệ An sẽ hợp lý hơn.

TS Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

"Tại sao có cảng, có kho và ngay sát nhà máy lọc dầu, người dân và doanh nghiệp lại phải mua xăng, dầu với giá cao hơn? Rất mong các cơ quan có thẩm quyền xem xét, sớm có điều chỉnh phù hợp", bà Duyên đề xuất.

Ông Bùi Đức Thắng, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Nghệ An và lãnh đạo Sở Công thương Nghệ An cho biết, từ nhiều năm trước, các đơn vị này đã có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh bất cập nhưng không được chấp thuận.

Theo tìm hiểu, ngoài Nghệ An, còn có 45 tỉnh khác cũng được Petrolimex áp giá vùng 2. Như vậy, chỉ có 17/63 tỉnh, thành phố được hưởng giá xăng bán lẻ theo công bố của Bộ Công thương. Còn 46 tỉnh thành (theo hệ thống Petrolimex - chiếm hơn 50% thị phần cả nước) đang bán giá cao hơn tối đa 2% giá công bố. 

Đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, Nghị định 95/2021 về kinh doanh xăng dầu quy định thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân phân phối xăng dầu được quyền quyết định giá bán buôn.

Căn cứ vào tình hình thực tế tại doanh nghiệp, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân phân phối xăng dầu quyết định giá bán lẻ xăng dầu (riêng dầu madut là giá bán buôn) trong hệ thống phân phối của mình phù hợp với chi phí phát sinh thực tế tại doanh nghiệp và không cao hơn giá điều hành do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công bố.

Trả lời câu hỏi "như thế nào là địa bàn xa cảng, xa kho đầu mối, xa cơ sở sản xuất xăng dầu?", vị này cho hay, các thương nhân đầu mối xác định theo chi phí kinh doanh thực tế phát sinh từ các điểm kho đầu nguồn luân chuyển đến các điểm kho tuyến sau và cửa hàng bán lẻ trên địa bàn từng tỉnh.

"Khi thương nhân đầu mối quyết định giá bán thực tế cao hơn giá điều hành để bù đắp chi phí phát sinh hợp lý, hợp lệ tăng cao tại các địa bàn xa cảng, xa kho đầu mối, các thương nhân đầu mối đều phải kiểm toán chi phí kinh doanh thực tế theo quy định theo địa bàn từng tỉnh, nơi thương nhân đầu mối có hệ thống phân phối và phải được thông báo với Bộ Công thương về các địa bàn xa cảng, xa kho đầu mối», vị này nói.

"Rối rắm, tạo kẽ hở nhập nhằng giá"

Một chuyên gia về giá cho rằng, quy định được bán giá xăng cao hơn giá công bố cho địa bàn xa cảng, xa kho đầu mối, xa cơ sở sản xuất xăng dầu còn nhiều rối rắm, tạo kẽ hở cho đầu mối nhập nhằng giá, còn người dân, doanh nghiệp chịu thiệt.

Theo vị này, việc tính giá xăng dầu bán lẻ đã có công thức rõ ràng và công thức này cũng được tính trên báo cáo của các thương nhân đầu mối gửi về sau khi được kiểm toán. 

Bộ Tài chính tổng hợp, rà soát, đánh giá và khảo sát thực tế để có được các chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức…và thông báo để Bộ Công thương áp dụng trong công thức giá cơ sở.

"Như vậy, công thức giá cơ sở đã phản ánh các khoản chi phí kinh doanh thực tế trong hệ thống của các đầu mối", vị này nói và cho rằng, việc quy định thêm chi phí phát sinh để được áp giá vùng 2 vô hình trung tạo kẽ hở cho việc áp hàng loạt khi quy định chỉ dành cho một số địa bàn vùng xa.

"Thực tế, số tỉnh áp giá xăng vùng 2 nhiều hơn rất nhiều số tỉnh áp vùng 1. Điều này sẽ tạo sẽ bất bình đẳng trong cạnh tranh, người dân những vùng này cũng chịu thiệt thòi. 

Do đó, cần có tính toán lại và đưa ra mức giá trung bình để các vùng miền được công bằng, chưa kể miền núi đáng ra cần được hỗ trợ, giống như giá điện", chuyên gia nêu quan điểm.

Những địa phương áp giá vùng 2

Theo tìm hiểu của Báo Giao thông, ngoài Nghệ An, còn có 45 tỉnh khác cũng được Petrolimex áp giá vùng 2 gồm: Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Tuyên Quang, Yên Bái, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Bắc Giang, Lạng Sơn, Phú Thọ, Hòa Bình, Sơn La, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Gia Lai, Kon Tum, Bình Định, Đắk Lắk, Đắk Nông, Khánh Hòa, Phú Yên, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận, Tiền Giang, An Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hậu Giang, Trà Vinh, Cà Mau.

Ban hành loạt quy định mới về kinh doanh xăng dầuBan hành loạt quy định mới về kinh doanh xăng dầu

Ngày 17/11, Chính phủ ban hành Nghị định 80 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.