Điện ảnh

Tranh cãi TP.HCM tài trợ diễn cải lương miễn phí

10/10/2019, 06:44

Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang (TP HCM) vừa chính thức đi vào phục vụ định kỳ mỗi tháng 2 suất diễn cải lương miễn phí.

img
Vở cải lương “Giấc mộng đêm xuân” được chọn mở màn cho dự án diễn cải lương
miễn phí có sự tham gia của các nghệ sĩ tên tuổi như Trọng Phúc,Thanh Ngân

Đây là dự án thí điểm nhằm làm sáng đèn nhà hát và tạo thói quen cho khán giả đến rạp. Tuy nhiên, dự án này đang vấp phải ý kiến trái chiều của những người đang làm trong môi trường nghệ thuật.

Hỗ trợ 40 triệu/suất diễn

Liên quan đến việc vé có đến đúng tay đối tượng thật sự hay không, NSND Trần Ngọc Giàu cho hay: “Chúng tôi đang phối hợp với Thành đoàn, Liên đoàn Lao động TP HCM để kết hợp phân phối vé tới đúng tay các đối tượng hướng đến trong dự án này là công nhân, học sinh, sinh viên. Về lâu dài, chúng tôi đang đề nghị kế hoạch đưa đón công nhân viên, sinh viên đến rạp hát. Đây là việc vì sân khấu cải lương chứ không phải vì không bán được vé mới làm như vậy”.

Thực hiện dự án “Bảo tồn và phát huy nghệ thuật sân khấu cải lương”, từ cuối tháng 9 đến hết năm 2019, Nhà hát Trần Hữu Trang sẽ dàn dựng các kịch bản cải lương nổi tiếng để phục vụ khán giả miễn phí 2 suất/tháng. Các vở diễn đều là những tác phẩm vang bóng một thời như “Giấc mộng đêm xuân”, “Tướng cướp Bạch Hải Đường”, “Nhân danh công lý”, “Lê Công kỳ án”, “Bàn thờ Tổ một cô đào”… Lực lượng biểu diễn cũng quy tụ nhiều nghệ sĩ nổi tiếng của nhà hát như: NSND Thanh Ngân, NSƯT Trọng Phúc, Lê Tứ, Tấn Giao, Lê Hồng Thắm, Kim Tiến…

Bên cạnh kinh phí dàn dựng và thù lao cho nghệ sĩ nằm trong ngân sách Nhà nước cấp cho hoạt động của Nhà hát hàng năm, các suất diễn miễn phí trên được UBND TP HCM và Sở VH-TT TP HCM hỗ trợ kinh phí tổ chức biểu diễn là 40 triệu đồng/suất diễn. Khán giả được nhận vé mời tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang (136 Trần Hưng Đạo, quận 1) trước mỗi suất diễn, cách nhau 2 tuần trong tháng.

Theo ông Phan Quốc Kiệt, Phó giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, đây là chương trình thực hiện thí điểm. Sau đợt thí điểm, nhà hát sẽ đánh giá và có báo cáo với Sở VH-TT TP HCM để kịp thời điều chỉnh tổ chức biểu diễn, bán vé hoặc hỗ trợ bằng phương cách nào đó nhằm làm cho sàn diễn Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang sáng đèn.

Chia sẻ rõ hơn về dự án này, NSND Trần Ngọc Giàu, Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang cho biết, đây là chương trình nằm trong chiến dịch quảng bá sân khấu cải lương và thí điểm một thời gian chứ không diễn miễn phí lâu dài. Các vở diễn trong chương trình miễn phí đều đảm bảo tiêu chí có nội dung tốt, chất lượng cao, quy tụ những nghệ sĩ giỏi nhất để tiếp cận tốt nhất cho khán giả, từ đó họ thích cải lương và sẽ mua vé đi xem. “Thông qua chương trình này, chúng tôi kết hợp thăm dò ý kiến các đối tượng nhắm tới là học sinh, sinh viên, công nhân có nhu cầu như thế nào về cải lương, để biết điều chỉnh cho phù hợp và phát triển trong tương lai. Các nghệ sĩ biểu diễn cũng chấp nhận mức cát-sê thấp nhằm mục đích truyền tải tình yêu cải lương tới khán giả. Xen kẽ với những vở diễn miễn phí, Nhà hát có những vở bán vé chứ không phải miễn phí hoàn toàn”, NSND Trần Ngọc Giàu chia sẻ.

Gây khó cho sân khấu xã hội hóa?

img
Một cảnh trong vở cải lương "Giấc mộng đêm xuân"

Tuy nhiên, dự án thí điểm dù trong thời gian rất ngắn này lại gây bức xúc cho giới làm nghệ thuật nói chung tại TP HCM. Giám đốc sân khấu Sen Việt - đạo diễn Lê Nguyên Đạt bày tỏ sự ủng hộ với việc quan tâm của Nhà nước dành cho cải lương, nhưng ông không đồng tình với cách thực hiện dự án này. Ông Đạt nhận định, diễn cải lương miễn phí không sai bởi nhiều nước trên thế giới cũng có những chương trình phúc lợi văn hóa phục vụ cho nhân dân. Thế nhưng phải có kế hoạch, lộ trình cụ thể từ khâu quảng bá, địa điểm, miễn phí, nghệ sĩ tham gia…

“Hai hay bốn suất miễn phí/tháng không thành vấn đề, nhưng phải xác định rõ đối tượng là ai, diễn ở đâu?… Nghệ sĩ tham gia biểu diễn phải là những gương mặt trẻ, là cái “gốc” cho sau này chứ không phải làm như hiện nay, lấy tiền Nhà nước mời những ngôi sao biểu diễn. Như thế, thay vì đi xem những nghệ sĩ ngôi sao khác mà phải mất vé, người ta sẽ đi xem ngôi sao miễn phí”, ông cho biết.

Đồng thời, theo ông Đạt, điều này có thể tạo nên những tiêu cực, ví như nghệ sĩ chia nhau vé mời cho người nhà đi xem. “Sẽ có bao nhiêu vé tới tay khán giả thực thụ yêu cải lương hay chia cho người nhà nghệ sĩ hết?”, ông Đạt đặt câu hỏi. Đạo diễn này đưa ra giải pháp, thay vì diễn miễn phí những vở cho đơn vị của Nhà nước thì số tiền đó có thể hỗ trợ cho các đơn vị xã hội hóa, để họ có thể giảm giá vé thấp hơn và những sinh viên, người nghèo có thể dễ dàng tiếp cận được. Bởi, các vở diễn của các đơn vị xã hội hóa đều tốt và đầu tư công phu.

Nghệ sĩ Vân Hà cũng thẳng thắn cho rằng, bà không ủng hộ chương trình này vì nếu tổ chức diễn miễn phí thì nghệ thuật sẽ mất giá trị và các đoàn diễn xã hội hóa sẽ bị tê liệt, bế tắc. Mặc dù bà đánh giá dự án có ý tưởng và có nội dung tốt để khán giả đến gần cải lương, nhưng cách thực hiện chưa khả thi, bởi khi khán giả đã quen cách xem miễn phí thì sẽ không có ai đến những đoàn diễn bán vé mua vé nữa, nhất là khi các đoàn xã hội hóa luôn phải bán mức vé đắt (thấp nhất khoảng 200.000/vé và cao có thể lên tới 1,5 triệu/vé), vì tiền tổ chức biểu diễn, thuê rạp đắt đỏ. Chưa kể, các đơn vị xã hội hóa cũng thường chỉ diễn 1 suất/tháng và sau vài tháng mới dám tái diễn nên việc diễn miễn phí 2 suất/tháng sẽ gây khó khăn cho các đơn vị này.

Bà cũng nói thêm, kể cả không có dự án nhằm mục đích tạo cho khán giả thói quen đến rạpy thì trong tình hình hiện nay, các suất diễn của các đoàn xã hội hóa vẫn cháy vé, chứng tỏ cải lương vẫn có khán giả chứ không đến nỗi phải diễn miễn phí. Do đó, muốn khán giả đến xem lâu dài thì phải đầu tư vào chất lượng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.