Mục đích chính của tổ công tác nhằm khẩn cấp xoá bỏ những vướng mắc, cản trở sản xuất, kinh doanh. Đây là bước đi quan trọng để khi kết thúc dịch bệnh, doanh nghiệp có thể bứt phá, phát triển...
DN phải tự “mò mẫm”
Phản ánh từ góc độ doanh nghiệp, bà Mai Thị Thủy, Giám đốc Công ty Cao dược liệu Định Sơn Mai Thị Thủy (Quảng Trị) cho biết, vấn đề doanh nghiệp dành sự quan tâm nhiều nhất là công đoạn kiểm tra chất lượng sản phẩm.
Theo bà Thủy, là DN sản xuất các loại cao dược liệu từ các loại cây, việc test chất lượng sản phẩm mất rất nhiều thời gian tìm hiểu vì không biết phải test ở đâu, gửi mẫu ở đâu, làm giấy tờ như thế nào. “Hầu hết DN đều lúng túng ở khâu này bởi văn bản hướng dẫn thì vô vàn, không biết nên đọc văn bản nào. Người thì bảo phải gửi mẫu ra Sở Y tế, người bảo gửi ra Cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng, người khác lại bảo phải gửi lên Bộ Y tế. Nguyên nhân chính là do nhiều danh mục không được quy định rõ, hướng dẫn chung chung. Do đó, phải mất nhiều thời gian và chi phí cho khâu trung gian”, bà Thủy nêu thực tế.
Đồng quan điểm trên, bà Thu Hương, Phó giám đốc HTX Nông sản và Dược liệu Mạnh Hương (Lào Cai) cũng cho rằng, khó khăn nhất chính là khâu tìm tiêu chuẩn cho sản phẩm để lưu hành trên thị trường. Theo bà Hương, việc này cần được hướng dẫn cụ thể ngay tại địa phương, từ khâu đưa sản phẩm đi test đến khâu hoàn thiện giấy công bố, sau đó là cần những giấy tờ bắt buộc gì.
Từ góc độ một DN xuất khẩu, vốn đã rất khó khăn trong quá trình hoàn thiện thủ tục truy xuất nguồn gốc để xuất khẩu chính ngạch đi Trung Quốc hay tiếp cận tiêu chuẩn các nước có thể xuất khẩu sang, bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Phó tổng giám đốc Công ty CP Vinapharma Group dẫn chứng: Khi công ty muốn xuất khẩu sang Trung Quốc mặt hàng trà, rau củ quả, sau khi tìm hiểu khắp những văn bản hướng dẫn vẫn không biết mình phải chuẩn bị gì, cuối cùng bà quyết định cho nhân viên sang cửa khẩu Đông Hưng, Trung Quốc ăn ở hàng tháng ròng để tìm hiểu, cuối cùng mới hoàn thiện được các thủ tục với số tiền bỏ ra hàng trăm triệu đồng.
Trước thực tế đó, bà Hằng kiến nghị, cần xây dựng hệ thống văn bản hướng dẫn rõ ràng, chi tiết để tháo gỡ khó khăn cho DN, không để xảy ra tình trạng DN tự đi mò mẫm, lãng phí thời gian và tiền bạc…
Thay đổi cách thức rà soát
Đón nhận thông tin Tổ công tác Thủ tướng về rà soát văn bản quy phạm pháp luật vừa được thành lập, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Quản lý kinh tế TƯ (CIEM) cho rằng, đây là việc rất cần thiết.
“Trước đó ít nhiều những bất cập đã được nhận ra rồi, song chúng ta chỉ quan tâm nhiều tới thủ tục có tính chất riêng lẻ mà chưa thực sự quan tâm tới bất cập giữa các thủ tục với nhau. Trong bối cảnh hiện nay, điều quan trọng nhất là phải nhanh chóng gỡ bỏ, đơn giản hóa những thủ tục đang là rào cản để cứu DN, ít nhất để họ tồn tại đã. Khi dịch được đẩy lùi, môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, các thủ tục điều kiện kinh doanh, thủ tục chuyên ngành được giảm bớt, họ mới có sức để “bật lên như lò xo bị nén”, bà Thảo nói và cho rằng, Tổ công tác cũng cần có một đội ngũ chuyên gia hỗ trợ, tư vấn để có thể xử lý nhanh được các vấn đề.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam - VCCI, những bất cập của các quy định trong hệ thống pháp luật kinh doanh đã được cộng đồng doanh nghiệp cũng như cơ quan nhà nước phản ánh trong suốt thời gian qua. Dù việc rà soát vẫn được tiến hành hàng năm, song đến nay rất nhiều xung đột, vướng mắc, chồng chéo vẫn được chỉ ra. Điều này cho thấy cần phải đánh giá lại tính hiệu quả của hoạt động này và thay đổi cách thức rà soát.
Ông Tuấn cũng lưu ý, vướng mắc về pháp luật không chỉ là quy định trái ngược nhau mà còn liên quan đến thực tiễn áp dụng, từ cách hiểu không thống nhất, chưa chính xác. Nhưng suy đến cùng thì hiện tượng này cũng cho thấy các quy định của pháp luật chưa thực sự đủ rõ ràng hoặc quá phức tạp. “Ví dụ, đơn giản như sử dụng khái niệm “nhà đầu tư”, “chủ đầu tư”, nghe thì có vẻ đơn giản, dễ hiểu, nhưng thực tế trong các văn bản pháp luật lại sử dụng khái niệm này khác nhau, dẫn đến cách hiểu và cách áp dụng khác nhau của chính quyền địa phương. Hậu quả là hàng loạt dự án bị ách tắc”, ông Tuấn dẫn chứng.
Theo ông Tuấn, trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đang đứng trước thách thức rất lớn. Vì thế, hoạt động rà soát văn bản quy phạm pháp luật, trong đó trọng tâm nhằm tháo gỡ những nút thắt chồng chéo, bất cập trong hệ thống pháp luật kinh doanh là một trong những biện pháp có tính căn cơ, lâu dài, tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.
Kịp thời ứng phó, giảm thiểu tác động của dịch Covid-19
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Đồng Ngọc Ba - Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp (đơn vị thường trực của Tổ công tác) cho biết, về tổng thể, hệ thống pháp luật nước ta đã tương đối đầy đủ, điều chỉnh toàn diện các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, hệ thống pháp luật vẫn còn những hạn chế, nhất là vẫn còn những quy định mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp thực tiễn chưa được kịp thời khắc phục. Trước thực tế đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch rà soát văn bản thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của các bộ, cơ quan ngang bộ; thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật gồm 31 thành viên là lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan T.Ư, trong đó Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long là Tổ trưởng.
Nhiệm vụ trọng tâm của Tổ Công tác là rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp thực tiễn, gây khó khăn, kìm hãm sự phát triển; kịp thời kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các biện pháp, chỉ đạo sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Ngày 28/3 vừa qua, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Tổ công tác đã họp phiên đầu tiên, trong đó đã thảo luận để xác định các nhóm văn bản quy phạm pháp luật cần rà soát để sửa đổi, bổ sung.
Theo dự kiến, trong năm 2020, Tổ công tác sẽ rà soát chuyên sâu các nhóm văn bản quy phạm pháp luật liên quan trực tiếp đến đầu tư kinh doanh như: Điều kiện gia nhập thị trường, tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp; thuế; quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào kinh doanh, cổ phần hóa DN nhà nước; đất đai, tài nguyên, môi trường; xây dựng, kinh doanh bất động sản; kiểm tra chuyên ngành...
“Tổ công tác đang phối hợp với Bộ Tư pháp khẩn trương rà soát các quy định pháp luật để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh nhằm kịp thời ứng phó và giảm thiểu tác động của dịch bệnh Covid-19 đến nền kinh tế”, ông Ba nói và cho biết, ngày 2/4, Tổ công tác đã phát hành văn bản gửi tới hơn 200 đầu mối là các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, đề nghị cung cấp thông tin cụ thể về những vướng mắc, hạn chế (mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp thực tiễn…) của các quy định pháp luật và đề xuất hướng hoàn thiện. Đồng thời, Tổ công tác đã xây dựng chuyên mục tiếp nhận phản ánh tại Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp.
Rà soát xong, sửa thế nào cho nhanh?
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Bùi Văn Xuyền (ảnh trên), Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Quốc hội cho biết, trước tình trạng các luật, văn bản dưới luật có nội dung chồng chéo, mâu thuẫn, không khả thi, khó thực hiện trong thực tiễn, Chủ tịch Quốc hội đã giao Ủy ban Pháp luật, các ủy ban có liên quan tiến hành rà soát. Chính phủ cũng đã thành lập Tổ công tác để thực hiện công việc này.
Theo đánh giá của ông Xuyền, hệ thống văn bản pháp luật của chúng ta rất nhiều. Hiện nay Chính phủ cũng đang đề xuất ban hành các luật mới mang tính chuyên ngành, chuyên sâu về các lĩnh vực. “Do hệ thống văn bản rất lớn nên đang xảy ra hiện tượng một số luật có quan hệ chồng chéo, mâu thuẫn. Ví dụ, chúng ta đang triển khai các luật như: Luật Đối tác công tư (PPP); Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công, Luật Doanh nghiệp… trong đó có nhiều điểm, quan hệ pháp luật chồng chéo”, ông Xuyền nói.
Liên quan đến vấn đề sau rà soát, phát hiện thì việc sửa đổi, bổ sung thế nào để có thể triển khai ngay, ông Xuyền cho rằng, nguyên tắc khi xây dựng pháp luật, phải rà soát các luật có liên quan để chỉnh sửa cho phù hợp với luật mới ban hành. Trong trường hợp không sửa được ngay thì cũng phải ban hành danh mục, điều khoản nào chưa sửa được để khi luật mới có hiệu lực thì các luật cũ cũng phải được sửa cho phù hợp, không xung đột với luật cũ.
“Hiện Luật Ban hành văn bản Quy phạm pháp luật quy định: Khi ban hành 1 luật mới thì phải sửa các luật trước đó có liên quan tạo nên hệ thống pháp luật thống nhất, không mâu thuẫn, chồng chéo, trong trường hợp 2 luật quy định khác nhau thì phải thực hiện luật sau. Chúng ta có thể áp dụng cho phép ưu tiên thực hiện đặc thù của luật mới ban hành, không phải sửa luật cũ nhưng chỉ cho phép thực hiện ở một số lĩnh vực, quan hệ pháp luật nhất định”, ông Xuyền cho hay.
Việt Hòa (Ghi)
Quy định chồng chéo cản trở PPP giao thông
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Viết Huy, Phó vụ trưởng Vụ Đối tác công - tư (PPP, Bộ GTVT) cho biết, trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng giao thông theo hình thức PPP hiện nay đang tồn tại nhiều quy định, văn bản quy phạm pháp luật chống chéo, gây cản trở cho hình thức đầu tư này.
Cụ thể, liên quan đến nội dung đánh giá tác động môi trường đối với các dự án PPP, theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường là căn cứ để cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án. Tuy nhiên, Điều 35, Luật Đầu tư công nêu rõ, đối với dự án không có cấu phần xây dựng chỉ phân tích, đánh giá sơ bộ tác động về môi trường, xã hội của dự án, còn đối với dự án có cấu phần xây dựng thực hiện theo quy định của Luật Xây dựng. Trong khi đó, theo quy định của Luật Xây dựng, nội dung báo cáo nghiên cứu tiền khả thi chỉ “xác định sơ bộ hiệu quả KT-XH và đánh giá tác động của dự án”.
Đồng thời, Nghị định 131 ngày 25/12/2015 của Chính phủ hướng dẫn về dự án quan trọng quốc gia, nội dung thẩm định chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia cũng chỉ quy định đánh giá sơ bộ tác động đến môi trường, xã hội của dự án. “Thực tế, các số liệu được nghiên cứu, thu thập bước đầu trong nghiên cứu tiền khả thi chỉ đáp ứng yêu cầu đánh giá sơ bộ tác động môi trường, xã hội, không đáp ứng được yêu cầu đánh giá tác động môi trường theo quy định”, ông Huy nói.
Một cản trở khác về quy định của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tiến độ huy động vốn chủ sở hữu giữa các quy định của luật hiện hành. Tại Điều 74 và Điều 112, Luật Doanh nghiệp quy định doanh nghiệp phải góp đủ vốn chủ sở hữu trong vòng 90 ngày, kể từ khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Tuy nhiên, các dự án PPP giao thông thường có tổng mức đầu tư rất lớn và theo quy định, vốn chủ sở hữu chiếm đến 15 - 20% tổng mức đầu tư dự án.
“Nếu huy động vốn chủ sở hữu theo quy định của Luật Doanh nghiệp sẽ có một lượng tiền rất lớn không được sử dụng và nằm trong tài khoản của doanh nghiệp dự án, dẫn tới lãng phí nguồn lực cho xã hội, vi phạm Điều 64, Luật Tiết kiệm, chống lãng phí”, ông Huy nói và cho biết thêm, việc góp vốn chủ sở hữu cần căn cứ theo tiến độ dự án để đảm bảo hiệu quả, tránh lãng phí.
Đề cập đến việc quản lý phần vốn Nhà nước trong các dự án PPP, ông Huy cho biết, theo quy định, vốn Nhà nước phải được quản lý, giải ngân theo đúng quy định của Luật Đầu tư công. Tuy nhiên, đối với vốn Nhà nước hỗ trợ thực hiện dự án PPP sẽ được xác định thông qua phương án tài chính, trên cơ sở đảm bảo dự án khả thi về mặt tài chính. Do vậy, vốn Nhà nước sẽ được hòa chung vào dòng vốn của dự án nên không thể quản lý, giải ngân theo quy định của Luật Đầu tư công.
Ngoài ra, một số thông số tài chính như: Lãi suất vốn vay, mức lợi nhuận cho nhà đầu tư... hiện chỉ quy định ở mức thông tư và chưa phù hợp với cơ chế thị trường và chưa thu hút được các nhà đầu tư tham gia đầu tư vào hạ tầng giao thông theo hình thức PPP.
Đình Quang
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận