Tài chính

SAM Holdings kinh doanh ra sao trước diễn biến tái khởi động dự án cảng 14.000 tỷ?

05/11/2024, 15:53

Dự án Khu bến cảng Mỹ Thủy tại Quảng Trị có quy mô diện tích lập quy hoạch là 685ha, tổng vốn đầu tư 14.235 tỷ đồng.

Đầu quý II/2024 vừa qua, Dự án khu bến cảng Mỹ Thủy (xã Hải An, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) sau 4 năm "án binh bất động" đã chính thức được tái khởi động.

Dự án có tổng mức đầu tư 14.234 tỷ đồng; trong đó, vốn góp của nhà đầu tư thực hiện dự án là 2.143 tỷ đồng. Quy mô dự án rộng 685ha gồm 10 bến, được phân kỳ đầu tư thành 3 giai đoạn.

Dự án Mỹ Thủy nhằm phục vụ chủ yếu cho Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, các khu công nghiệp trên địa bàn và hàng hóa quá cảnh từ Lào, vùng đông bắc Thái Lan trên tuyến Hành lang Kinh tế Đông Tây (EWEC). Chủ đầu tư là Công ty Cổ phần liên doanh Cảng quốc tế Mỹ Thủy (MTIP).

Hiện tại, với tiến độ thi công trở lại, UBND tỉnh Quảng Trị dự kiến sẽ đưa ít nhất một bến cảng cho tàu tải trọng 50.000 DWT vào hoạt động năm 2025. Để thực hiện, tỉnh đã phê duyệt phương án xử lý hơn 13 triệu m³ chất thải từ giai đoạn 1 của dự án xây dựng bến cảng.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, trong quá trình thi công bến cảng Mỹ Thủy giai đoạn 1, có 13,22 triệu m³ sản phẩm nạo vét, gồm 988.000 m³ cát trắng đạt tiêu chuẩn làm kính và khuôn đúc, phần còn lại có thể làm vật liệu san lấp. Cát trắng sẽ được tập kết tại khu vực 25 ha, còn vật liệu san lấp sẽ được tập kết trong các khu vực của dự án.

Chủ đầu tư cũng đang tìm kiếm nguồn tiêu thụ và bãi tập kết ngoài dự án để đảm bảo hoàn tất tập kết trước năm 2030, đồng thời điều chỉnh quy mô, chiều cao bãi tập kết cho phù hợp với tình hình thực tế.

Ai đứng sau dự án bến cảng hơn 14.000 tỷ đồng?

Theo tìm hiểu, Công ty Cổ phần Liên danh Cảng Quốc tế Mỹ Thủy được thành lập vào tháng 1/2015 với vốn điều lệ ban đầu 500 tỷ đồng. Cổ đông sáng lập bao gồm Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Dịch vụ Xây dựng Việt Nam (góp 70%), Công ty TNHH Phát triển Khoáng sản Duy Tân (góp 25%) và ông Trần Khánh Hưng (góp 5%). Khi mới thành lập, công ty do ông Nguyễn Minh Tân đảm nhiệm vai trò tổng giám đốc.

Một năm sau, ông Cho Gilhyung, người Hàn Quốc, lên làm Tổng giám đốc, đồng thời cũng giữ vị trí tương tự tại công ty mẹ - cổ đông lớn nhất của Mỹ Thủy. Tuy nhiên, công ty đã gặp không ít khó khăn. Gần ba năm sau, do Công ty Khoáng sản Duy Tân không thực hiện đủ nghĩa vụ góp vốn, vốn điều lệ của Mỹ Thủy phải giảm từ 500 tỷ đồng xuống còn 375 tỷ đồng.

SAM Holdings kinh doanh ra sao trước diễn biến tái khởi động dự án cảng 14.000 tỷ?- Ảnh 1.

Phối cảnh Dự án khu bến cảng Mỹ Thủy (xã Hải An, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị). Ảnh: SAM.

Đến cuối năm 2017, Mỹ Thủy nâng vốn điều lệ lên 750 tỷ đồng. Công ty Xây dựng Việt Nam vẫn giữ 70% cổ phần, trong khi tỷ lệ sở hữu của ông Trần Khánh Hưng giảm còn 2% và chuyển nhượng sang bà Trần Mai Chi. Tháng 8/2018, công ty tiếp tục tăng vốn lên 2.250 tỷ đồng; Công ty Xây dựng Việt Nam góp thêm để duy trì tỷ lệ 70%, còn bà Mai Chi giảm sở hữu xuống còn 0,66%.

Tổng giám đốc của công ty liên tục thay đổi, đến tháng 12/2023, ông Dương Viết Roãn nhận nhiệm vụ. Đáng chú ý, Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Dịch vụ Xây dựng Việt Nam, cổ đông lớn của Mỹ Thủy, có vốn điều lệ chỉ 100 tỷ đồng, được thành lập từ tháng 5/2009 do ông Cho Gilhyung làm giám đốc. Ban đầu, ông Jung Tae Sung nắm giữ 49%, bà Đặng Thị Gầm 41% và ông Nguyễn Quang Huy 10%. Tháng 1/2022, cổ phần của ông Jung Tae Sung được chuyển nhượng cho bà Lã Thị Lụa (29%) và bà Đặng Thị Du (20%).

Đáng chú ý, năm 2022, cơ cấu cổ đông bất ngờ xuất hiện Công ty Cổ phần Sam Holdings với 36% cổ phần Mỹ Thủy. Tháng 1/2022, Sam Holdings mua 2.154.083 cổ phần Mỹ Thủy, với giá trị đầu tư gần 127,28 tỷ đồng. Đến tháng 2/2022, khi Mỹ Thủy tăng vốn lên 2.250 tỷ đồng, SAM Holdings đã góp vốn đủ theo tỷ lệ, biến Mỹ Thủy thành công ty liên kết.

Thời điểm đó, ông Nguyễn Minh Tùng - một lãnh đạo của SAM Holdings, cũng đã thay ông Cho GilHyung làm Tổng giám đốc MTIP.

Theo báo cáo tài chính, đến đầu năm 2023, SAM Holdings đã đầu tư vào MTIP tổng số tiền hơn 721 tỷ đồng, cuối năm 2023 con số này giảm xuống còn hơn 671 tỷ đồng, và đến quý III/2024 là 667 tỷ đồng.

Tiềm lực của SAM Holdings

SAM Holdings, tiền thân là Nhà máy Vật liệu Bưu điện II thành lập năm 1986, là đơn vị đầu tiên trong ngành bưu chính viễn thông và tại Đồng Nai được cổ phần hóa vào năm 1998. Ngày 2/6/2000, SAM Holdings trở thành một trong hai công ty đầu tiên niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam với mã "SAM" và vốn điều lệ ban đầu 120 tỷ đồng.

Ban đầu, SAM Holdings hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và phân phối cáp cho ngành bưu chính viễn thông. Hiện nay, công ty đã mở rộng thành tập đoàn đa ngành, hoạt động trong các lĩnh vực như đầu tư tài chính, bất động sản nhà ở, bất động sản nghỉ dưỡng và nông nghiệp công nghệ cao.

SAM Holdings hiện sở hữu 5 công ty thành viên gồm: Công ty Cổ phần Dây và Cáp SACOM, Công ty Cổ phần Địa ốc Sacom, Công ty Cổ phần Sacom – Tuyền Lâm, Công ty TNHH Sacom Chíp Sáng và Công ty Cổ phần SAM Nông nghiệp công nghệ cao.

SAM Holdings kinh doanh ra sao trước diễn biến tái khởi động dự án cảng 14.000 tỷ?- Ảnh 2.

SAM Holdings vẫn đang "chật vật" quay lại thời hoàng kim.

Về tình hình kinh doanh, dữ liệu tài chính của SAM Holdings từ năm 2020 - 2023 đã phản ánh một bức tranh kinh doanh có nhiều biến động với kết quả không mấy khả quan. Doanh thu thuần của công ty cho thấy xu hướng tăng dần qua các năm, từ 1.919 tỷ đồng vào năm 2020 lên 2.200 tỷ đồng vào năm 2023.

Tuy nhiên, lợi nhuận lại không ổn định, đặc biệt là sự sụt giảm nghiêm trọng vào năm 2022 khi lợi nhuận sau thuế chỉ còn 7 tỷ đồng, so với mức 159 tỷ đồng của năm 2021. Lợi nhuận dành cho cổ đông công ty mẹ cũng giảm mạnh trong cùng năm, chỉ đạt 2,7 tỷ đồng.

Dù năm 2023 ghi nhận dấu hiệu phục hồi với lợi nhuận sau thuế đạt 33 tỷ đồng, song con số này vẫn còn cách xa mức đỉnh năm 2021.

Các chỉ số tài chính khác cũng cho thấy hiệu quả hoạt động giảm sút đáng kể. EPS (lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu) giảm từ 464 đồng vào năm 2021 xuống còn 8 đồng năm 2022, và chỉ phục hồi nhẹ lên 48 đồng vào năm 2023.

Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu (ROS) và tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROEA) giảm mạnh, cho thấy khả năng sinh lợi từ doanh thu và vốn của SAM Holdings suy giảm rõ rệt, khiến sức hấp dẫn đầu tư vào cổ phiếu SAM giảm sút.

Với chỉ số P/E tăng vọt lên mức 796,94 vào năm 2022, thị giá cổ phiếu trở nên cao bất thường so với lợi nhuận thực tế, báo hiệu sự bất ổn trong giá trị đầu tư.

Hiện tại, tính đến cuối quý III/2024, tổng tài sản của SAM Holdings đạt hơn 6.700 tỷ đồng, với vốn chủ sở hữu hơn 4.600 tỷ đồng và nợ phải trả hơn 2.000 tỷ đồng. Trong quý III, công ty ghi nhận doanh thu từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt hơn 918 tỷ đồng. Sau khi khấu trừ các khoản chi phí và lãi vay, SAM Holdings thu về lãi ròng hơn 8,1 tỷ đồng, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong 9 tháng đầu năm 2024, SAM Holdings đạt tổng doanh thu 3.177 tỷ đồng, tăng 118% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 82,65 tỷ đồng, tăng trưởng 233,8% và vượt 102,8% so với kế hoạch lợi nhuận cả năm đã đề ra.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.