Văn hóa - Giải Trí

Sân khấu cải lương giải nỗi oan Công chúa Huyền Trân

30/10/2017, 09:00

Cuộc đời của Công chúa Huyền Trân và mối tình Chiêm - Việt giữa bà và Chế Mân được tái hiện đầy thương cảm...

16

Một cảnh trong vở diễn “Ni sư Hương Tràng”

“Giải oan” cho nhân vật lịch sử

Buổi ra mắt vở diễn Ni sư Hương Tràng (vở diễn đặt hàng của Bộ VH,TT&DL và sắp tới sẽ thử nghiệm bán vé) tại Hà Nội đông đặc khán giả.

Cả hai tầng của rạp Đại Nam không còn chỗ trống. Nhiều khán giả phải ngồi xuống cả bậc cầu thang, đứng chen chúc để có thể theo dõi được trọn vẹn vở diễn cải lương về cuộc đời của Công chúa Huyền Trân - con gái Vua Trần Nhân Tông. Gần 150 phút của vở diễn đã tái hiện phận đời sóng gió của người con gái tài sắc này. Sinh ra là một công chúa cành vàng lá ngọc, vì mối bang giao Đại Việt và Chiêm Quốc, Huyền Trân chấp nhận được gả cho Chế Mân. Nhưng đến cuối đời, bà xuất gia thành một Ni sư và thậm chí còn không dám nhận con trai. Cuộc đời và công hạnh của Công chúa Huyền Trân là một tấm gương sáng về sự cống hiến, hy sinh vì nghĩ lớn, vì nước vì dân.

"Hàm lượng vấn đề và hàm lượng của những câu chuyện lịch sử đặt ra trong vở diễn giúp chúng ta hiểu biết thêm về Huyền Trân Công chúa trong lịch sử. Vở diễn tương xứng với những vấn đề đặt ra”.

NSƯT Lê Chức

Ni sư Hương Tràng đã được xây dựng trên những sự kiện lịch sử có thật. Sau khi xuất giá, công chúa Đại Việt được quân vương Chế Mân hết lòng sủng ái, phong làm Chánh cung Hoàng hậu. Từ đây, Huyền Trân bước vào cuộc chiến tàn khốc tranh giành ngôi vị và quyền lực vì vua đã có Chánh cung Hoàng hậu Salimah. Hoàng hậu Salimah bị Tể tướng Sulayman xúi làm phản nhằm chiếm đoạt ngôi của Chế Mân. Chế Mân bị giết chết. Theo quy định của vương triều Chiêm Quốc, Huyền Trân phải bước lên giàn hỏa thiêu sau khi hạ sinh hoàng tử Chế Đa Đa. Nhờ sự mưu lược của vua cha Trần Nhân Tông, Huyền Trân được các tướng lĩnh Đại Việt cứu về. Mất chồng, mất con, cuối cùng bà giác ngộ đạo Phật, lấy đạo làm đời.

Vở diễn do TS. Bùi Hữu Dược viết kịch bản với sự hỗ trợ và tư vấn của Ban Ni giới (Giáo hội Phật giáo Việt Nam). Do đó, mỗi câu, mỗi từ đều chuẩn theo Phật giới. Theo TS. Bùi Hữu Dược, vở diễn muốn góp phần ca ngợi người phụ nữ Việt Nam ở rất nhiều vai trò, trong đó có vai trò hết sức quan trọng là yêu nước và vì nước. Vở diễn thông qua tình tiết lịch sử để cảnh tỉnh mỗi người dân Việt Nam hôm nay, phải luôn ý thức được trách nhiệm của mình trong việc góp phần xây dựng đất nước vững mạnh. “Tôi cũng đặc biệt giáo dục cho lớp trẻ thêm tình yêu quê hương, yêu đất nước độc lập và yêu sự tự cường của một dân tộc trước sức mạnh của các thế lực khác quanh mình”, tác giả Bùi Hữu Dược bộc bạch.

Không chỉ vậy, Ni sư Hương Tràng còn có một ý nghĩa lớn là giải oan cho cả Huyền Trân và nhân vật Trần Khắc Trung - một vị tướng dưới thời Vua Trần Nhân Tông. Theo tác giả Bùi Hữu Dược, trong nhiều chi tiết lịch sử tương truyền, Trần Khắc Trung tư thông ngoại tình với Huyền Trân. Ông là người được Vua Trần Nhân Tông cử đi cứu công chúa Huyền Trân từ nước Chiêm trở về, nhưng sau đó, vị tướng này luôn bị coi là tội đồ vì bị cho rằng “gian dâm” với công chúa.

Vở diễn “sang trọng”

Những tràng vỗ tay liên tiếp của khán giả chính là sự tán thưởng cho những nỗ lực của các diễn viên cùng ê-kíp. Vở diễn được đầu tư tỉ mỉ, kỹ lưỡng từ cách dàn dựng sân khấu, trang phục chỉn chu của diễn viên tới những cảnh diễn, điệu múa, lời hát. Sân khấu được thiết kế khéo léo với bục bệ linh hoạt, với chân dung của thần Shiva - một vị thần trong tín ngưỡng của người Champa. Tượng thần được chia làm 4 khối, để khi tách ra tùy theo cách sắp xếp bố cục sẽ tạo ra những không gian khác nhau. Đáng chú ý, ở mỗi lần di chuyển sắp xếp sân khấu qua các màn, luôn có những điệu múa của người Champa hiển hiện trong không gian có phần tĩnh mặc, huyền ảo lung linh đầy mãn nhãn. NSƯT Triệu Trung Kiên, đạo diễn vở diễn cho biết, những điệu múa không chỉ là thủ pháp làm đẹp mà còn gợi nên không gian văn hóa tâm linh của người Champa. Những vũ công làm hiện lên hình ảnh của những nữ thần trong văn hóa Champa.

Theo NSƯT Triệu Trung Kiên, anh hài lòng với vở diễn này về cả phần nghe lẫn phần nhìn. Với anh, người làm nghệ thuật luôn mong khán giả có thể tiếp nhận vở diễn về bốn yếu tố: Nhìn, nghe, cảm, nghĩ. Để phục vụ phần nhìn, ê-kíp đã phải làm trang phục riêng, thuê thêm đèn để phục vụ công tác ánh sáng. Trang trí sân khấu được giao cho NSND Doãn Bằng - họa sĩ nổi tiếng về thiết kế sân khấu. Với phần nghe, các diễn viên đa số đều là những giọng ca Chuông vàng vọng cổ. Lời hát, thoại được chăm chút từ câu từ đến đài từ. Trong khi đó, về nội dung, vở diễn làm “bẫy” cảm xúc để kéo cảm xúc của người xem khi cho câu chuyện được kể bình dị nhưng len dần vào tâm tư của người xem và vỡ òa về cảnh cuối. Được biết, trước khi dựng vở diễn, đoàn diễn viên đã có chuyến tới Đền Nội Sơn (Nam Định), nơi Ni sư Hương Tràng đã tu hành ở đó cho đến lúc viên tịch. Các nghệ sĩ đã hát lại những câu hát trong vở diễn để dâng hương trước tượng bà. Theo đạo diễn Triệu Trung Kiên, yếu tố tâm linh kích thích cảm xúc của diễn viên.

Theo NSƯT Lê Chức, Phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, đây là vở lịch sử có cách nhìn đề tài mới mẻ và là một vở sang trọng. Sang trọng không phải chỉ bởi hình thức mà còn bởi vấn đề đặt ra, bởi tính thời gian diễn ra câu chuyện, bởi quan điểm nghệ thuật của Nhà hát Cải lương, của tác giả và cách sử dụng ngôn ngữ nghệ thuật của đạo diễn. Ngoài ra, sự sang trọng đó còn là vở được diễn bởi lực lượng diễn viên chuyên nghiệp.

“Tác giả là người của bên tôn giáo nên vở diễn thấm đẫm tư tưởng của Phật giáo, đưa con người về cõi tịnh. Trần Quang Khải còn ít tuổi nhưng đã có sự chắc chắn khi thể hiện hình tượng của Vua Trần Nhân Tông. Dù chỉ ngồi nhưng anh cũng khiến người ta thấy được cái uy, nội lực, năng lực trong con người đức vua. Cặp đóng vai Chế Mân và Huyền Trân rất ổn. Trang trí sân khấu hợp lý, có ý riêng, nhìn là khối tĩnh nhưng thực tế lại động. Là không gian động nên người ta thấy hành động trên sân khấu luôn phát triển và không bị dừng lại trong số phận của những nhân vật”, NSƯT Lê Chức nhận xét.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.