Chính trị

Sáp nhập 631 xã, 16 huyện: Tránh “gom” cơ học cán bộ công chức

27/03/2019, 07:38

Bên lề hội nghị, Báo Giao thông trao đổi với Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn để làm rõ hơn một số vấn đề liên quan.

img
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn

Ngày 26/3, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 653 của Ủy ban TVQH và lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về Kế hoạch sắp xếp, mẫu hồ sơ Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021.

Báo Giao thông đã có cuộc trò chuyện với Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn để làm rõ hơn những vấn đề liên quan việc sắp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, đặc biệt là việc sắp xếp đội ngũ cán bộ sau sáp nhập cũng như đảm bảo chế độ chính sách ra sao để cán bộ không tâm tư, bức xúc.

Sáp nhập 631 xã, 16 huyện và khuyến khích những nơi đủ điều kiện

Thưa Thứ trưởng, tính đến nay có 631 đơn vị hành chính cấp xã và 16 đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện phải sáp nhập theo Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 653 của Uỷ ban TVQH. Con số này đã phải là con số cuối cùng chưa, thưa ông?

Hiện nay, theo số liệu của Bộ Nội vụ khi xây dựng Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã cũng xác định có 16 đơn vị hành chính cấp huyện và 631 đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt cả 2 tiêu chuẩn, đều dưới 50% tiêu chuẩn quy định về dân số và diện tích.

Con số này hiện nay đã chốt rồi, tuy nhiên, tuy nhiên, căn cứ vào Nghị quyết 37 của Bộ chính trị và Nghị quyết 653 của Uỷ ban TVQH, bên cạnh số lượng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã không đạt 50% cả 2 tiêu chuẩn về dân số và diện tích thì vẫn khuyến khích ở các địa phương tiến hành sáp nhập nếu đảm bảo điều kiện thuận lợi, ổn định và được nhân dân ủng hộ.

Cũng phải nhấn mạnh rằng, việc sắp xếp này không thực hiện theo kiểu áp đặt duy ý chí mà có tính đến yếu tố đặc thù của địa phương về lịch sử, văn hoá, địa lý, phong tục tập quán và phải đảm bảo có sự đồng thuận của người dân.

Khi sắp xếp nhân sự chắc chắn khó khăn nhất vẫn là công tác cán bộ, vì đụng chạm đến con người, với những trường hợp nếu đủ tuổi và đang công tác thì cũng không thể gom cơ học được, thưa ông?

Đúng vậy. Trong quá trình sắp xếp, nếu không kết hợp tinh giản biên chế, tạo điều kiện giải quyết số lượng cán bộ công chức dôi dư thì mục tiêu sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sẽ không thể đạt được.

Để triển khai tốt vấn đề này thì trách nhiệm các cấp uỷ Đảng và địa phương rất lớn, đặc biệt trách nhiệm người đứng đầu rất quan trọng trong triển khai đánh giá, phân loại cán bộ công chức để thực hiện tốt mục tiêu của việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã lần này.

Phân loại đánh giá công chức, tránh “gom” cơ học

Nhưng vẫn có nhiều ý kiến lo ngại việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, sắp xếp đội ngũ cán bộ công chức theo kiểu cơ học sẽ không đáp ứng được yêu cầu chỉ đạo của Bộ Chính trị?

Đối với vấn đề này phải bám sát quan điểm chỉ đạo trong Nghị quyết của Bộ Chính trị cũng như nguyên tắc quy định trong Nghị quyết 653, đó là việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phải gắn với việc thực hiện tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, gắn với vấn đề nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức.

Vì vậy, trong việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thì với đội ngũ cán bộ công chức phải đảm bảo được sắp xếp, rà soát để thực hiện đánh giá phân loại.

Bên cạnh đó, ngoài việc bố trí đội ngũ cán bộ công chức được bố trí, sắp xếp vào các đơn vị hành chính mới theo đề án thì cũng cần có thêm danh sách cán bộ dôi dư để có thể thực hiện tốt chính sách tinh giản biên chế. Ví dụ, với cán bộ không tái cử do không đủ điều kiện thì có thể thực hiện theo Nghị định 26 của Chỉnh phủ về giải quyết chế độ chính sách cho người chờ hưởng hưu trí do không đủ điều kiện để tái cử.

Nếu thực hiện tốt theo nguyên tắc chỉ đạo là gắn việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã với thực hiện tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức thông qua rà soát, sắp xếp thì sẽ tránh việc gom cơ học đội ngũ cán bộ công chức khi sáp nhập.

Tuy nhiên, trong quá trình sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã cũng phải đảm bảo sự ổn định, đảm bảo chế độ chính sách cho người tiếp tục làm việc cũng như đội ngũ cán bộ dôi dư để họ yên tâm công tác cũng như yên tâm khi thực hiện các chế độ chính sách khác.

Khi sáp nhập, việc “xếp ghế” lãnh đạo cũng gây nhiều tâm tư, bởi ví dụ với các chức danh như Chủ tịch HĐND hoặc UBND được lựa chọn qua bầu cử, giờ sáp nhập rồi sắp xếp ai là trưởng, ai là phó cũng là bài toán không đơn giản?

Đây là vấn đề mà Bộ Nội vụ chúng tôi sẽ cùng phối hợp với Ban Tổ chức T.Ư, Ban Công tác đại biểu có văn bản hướng dẫn để giải quyết các vấn đề chúng ta quan tâm.

Sáp nhập phải gắn liền với tinh gọn bộ máy, giảm biên chế

Thưa Thứ trưởng, trở lại câu chuyện của rất nhiều năm trở về trước, chúng ta có những tỉnh Hà Nam Ninh, Hoàng Liên Sơn, Hà Sơn Bình…, sau đó tách ra thành nhiều tỉnh. Tức là thời điểm ấy chúng ta có ba tỉnh trong một, bộ máy không quản lý nổi mới tách ra, giờ ta lại sáp nhập lại. Vậy với việc sáp nhập huyện, xã lần này, có lo ngại tái diễn câu chuyện gây khó cho quản lý nhà nước và đảm bảo trật tự xã hội?

Việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là một chủ trương đúng đắn của Đảng.

Mục tiêu của việc sắp xếp này là nhằm xây dựng bộ máy chính quyền địa phương ở cấp huyện, cấp xã đối với những nơi chưa đủ tiêu chuẩn quy định tinh gọn hơn, hợp lý hơn, đảm bảo hoạt động có hiệu lực hiệu quả, phục vụ nhân dân ngày một tốt hơn, đặc biệt góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội ở những địa phương thuộc diện sắp xếp.

Vậy theo ông, bộ máy mới ở địa phương sau sáp nhập có đủ sức gánh vác và đảm đương trọng trách mới? Và làm thế nào xã hội hoá dịch vụ công ở những nơi mà 2-3 huyện, xã nhập làm một?

Trong điều kiện hiện nay khi chúng ta đang thực hiện cuộc cách mạng 4.0 nhằm xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, ứng dụng CNTT một cách mạnh mẽ vào trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước, thì việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã cũng là giải pháp đảm bảo sự tương thích trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước. Nó cũng góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động cũng như nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, phục vụ nhân dân một cách tốt hơn.

Nếu không sắp xếp lại mà vẫn để các đơn vị hành chính không đạt tiêu chuẩn theo quy định thì sẽ gây lãng phí nguồn lực từ ngân sách, không giảm được biên chế. Khi sáp nhập thì góp phần tinh giản biên chế, giảm được gánh nặng ngân sách.

Đặc biệt sau khi sáp nhập, với lượng công chức phù hợp sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ công chức cấp huyện, cấp xã. Việc này cũng giúp thực hiện tốt Nghị quyết 18 của Hội nghị T.Ư 6 khoá XII về tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế.

Với việc sắp xếp, sáp nhập trong giai đoạn này tôi tin rằng bộ máy mới có thể đảm bảo gánh vác được nhiệm vụ phục vụ nhân dân, cung cấp dịch vụ công cho người dân cũng như thực hiện được chức năng nhiệm vụ của chính quyền địa phương. Tôi tin bộ máy chính quyền địa phương sau đợt sáp nhập này sẽ thực hiện tốt chức năng của mình, hoạt động hiệu lực hiệu quả và phục vụ nhân dân tốt hơn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.