Chiều 12/3, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí thông qua Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 – 2021.
Tạm dừng bổ nhiệm lãnh đạo, tránh trường hợp “tranh thủ”
Theo đó, có 2 trường hợp thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính. Đó là các quận huyện, phường xã phải sắp xếp khi có diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Thứ hai là khuyến khích việc sắp xếp quận huyện, phường xã còn lại để giảm số lượng đơn vị hành chính.
Nghị quyết cũng quy định một số trường hợp đặc biệt khi thực hiện sáp nhập huyện, xã.
Cụ thể, một số trường hợp có thể sau khi sắp xếp vẫn chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định. Đó là những nơi có yếu tố đặc thù về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, cộng đồng dân cư hoặc yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh; được thành lập trên cơ sở nhập từ 3 đơn vị hành chính cùng cấp trở lên; được thành lập trên cơ sở nhập 2 đơn vị hành chính cùng cấp nhưng do tình hình thực tế mà không thể nhập thêm đơn vị hành chính khác liền kề.
Nghị quyết cũng quy định khi nhập huyện chưa đạt tiêu chuẩn vào thị xã hoặc thành phố thuộc tỉnh liền kề thì không xem xét điều kiện về sự phù hợp với định hướng quy hoạch, chương trình phát triển đô thị và tiêu chuẩn về đơn vị hành chính trực thuộc đối với đơn vị hành chính dự kiến hình thành sau khi sắp xếp.
Đặc biệt, để tránh những trường hợp “tranh thủ” bầu, bổ nhiệm cán bộ, tuyển dụng công chức, viên chức tại những huyện, xã đang chuẩn bị sáp nhập, Nghị quyết quy định tạm dừng việc bầu, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý và tuyển dụng, tiếp nhận cán bộ, công chức, viên chức tại những nơi này.
Việc tạm dừng công tác cán bộ sẽ kéo dài từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành cho đến khi có nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đối với từng đơn vị hành chính cụ thể, trừ trường hợp khuyết người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị mà không bố trí được người phụ trách theo quy định của pháp luật thì được bầu, bổ nhiệm chức danh đó.
Không cần đổi CMND, sổ đỏ khi sáp nhập huyện, xã
Nghị quyết cũng yêu cầu, các huyện, xã phải chủ động triển khai, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức khi thực hiện các thủ tục chuyển đổi các loại giấy tờ và không thu các loại lệ phí khi thực hiện việc chuyển đổi do thay đổi địa giới đơn vị hành chính.
Theo quy định, tiêu chuẩn của huyện miền núi, vùng cao là dân số 80.000 người và diện tích 850 km2 trở lên; huyện đồng bằng từ 450 km2; quận từ 35 km2 với dân số ít nhất 150.000 người.
Còn quy mô dân số của xã là 5.000 người đến 8.000 người trở lên, diện tích từ 30 km2.
Đối chiếu theo quy định trên, khoảng 16 quận, huyện và 631 xã, phường, thị trấn có cả hai yếu tố diện tích và dân số chưa đạt 50% so với tiêu chuẩn. Các đơn vị này sẽ được sáp nhập hoặc chia tách để sáp nhập vào địa phương khác theo hướng mở rộng diện tích và dân số sao cho đáp ứng được tiêu chuẩn. Hiện cơ quan chức năng chưa công bố danh sách cụ thể các huyện, xã sẽ được sắp xếp lại.
Giải thích rõ hơn, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, khi sáp nhập, chỉ một số giấy tờ phải đổi như: phải điều chỉnh hộ khẩu nếu thay đổi địa chỉ ở, còn một số giấy tờ như CMND và thẻ căn cước thì không bắt buộc đổi, chỉ đổi khi công dân có nguyện vọng và không lấy phí, sổ đỏ cũng không cần đổi. Với DN thì cập nhật bổ sung thông tin trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, hồ sơ đăng ký DN nếu có thay đổi địa chỉ và không thu phí.
Cũng theo cơ quan thẩm tra là Ủy ban Pháp luật, việc sáp nhập huyện, xã không chỉ liên quan đến tổ chức bộ máy và biên chế trong các cơ quan nhà nước mà còn gồm tổ chức bộ máy, biên chế trong các cơ quan Đảng, đoàn thể.
Tuy nhiên, những nội dung này không thuộc phạm vi điều chỉnh trong nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên sau khi ban hành Nghị quyết này, cần có văn bản đề nghị các cơ quan, tổ chức có liên quan, theo thẩm quyền, có trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo việc sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế và giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong toàn hệ thống chính trị ở những địa phương thực hiện sắp xếp để bảo đảm tính kịp thời, đồng bộ, thống nhất và giải quyết tốt các vấn đề liên quan đến tâm tư, nguyện vọng, quyền lợi chính đáng, hợp pháp của các đối tượng có liên quan.
Báo cáo hiện nay cho thấy, có 16 quận huyện và 631 phường xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số cần sắp xếp, sáp nhập.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu kết luận và nhấn mạnh đây là việc rất quan trọng, phức tạp, nhạy cảm.
Vấn đề sắp xếp tổ chức bộ máy, ông Lưu cho biết Nghị quyết nói rõ việc sắp xếp tổ chức bộ máy không chỉ có bộ máy của HĐND, UBND và các cơ quan chuyên môn mà cả hệ thống chính trị trong đơn vị hành chính đó. Theo đó, sẽ có văn bản của Đảng đoàn Quốc hội hoặc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Ban Bí thư để chỉ đạo theo từng ngạch một.
Về chế độ chính sách, ông Lưu nhấn mạnh quan điểm thực hiện trên tinh thần có nguyên tắc nhưng cũng linh hoạt. Ví dụ khi sáp nhập, số lượng cấp phó và cán bộ công chức có thể dôi lên so với quy định chuẩn hiện nay, nhưng lộ trình trong thời hạn 5 năm phải theo đúng quy định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận