Sơn màu vàng đậm, có dòng chữ "Ô tô chở học sinh"
Theo Bộ GTVT, tiêu chuẩn quốc gia phương tiện giao thông đường bộ - ô tô quy định việc phân loại ô tô theo mục đích sử dụng đối với ô tô chở người, ô tô chở hàng, ô tô chuyên dùng, ô tô kéo rơ moóc, ô tô đầu kéo và ô tô chưa hoàn thiện.
Tại Dự thảo đang lấy ý kiến, Bộ GTVT quy định rõ: Ô tô chở người là ô tô có kết cấu và trang bị chủ yếu dùng để chở người, hành lý mang theo, hoặc cũng có thể kéo theo một rơ-moóc.
Ô tô chở người bao gồm: ô tô chở người từ 9 người trở xuống kể cả người lái (trong đó có: ô tô con, ô tô con pickup, ô tô con đào tạo lái xe); ô tô chở từ 10 người trở lên kể cả người lái; ô tô khách giường nằm (chở từ 10 người trở lên kể cả người lái, chỉ trang bị giường nằm để chuyên chở hành khách, không kể ghế của người lái và 1 ghế của hướng dẫn viên nếu có).
Ô tô khách thành phố, ô tô buýt; ô tô khách thành phố nối toa, ô tô buýt nối toa; ô tô khách thành phố hai tầng, ô tô buýt hai tầng; ô tô khách thành phố, một tầng, không có nóc; ô tô buýt một tầng, không có nóc; ô tô khách thành phố, hai tầng, không có nóc, ô tô buýt, hai tầng, không có nóc; ô tô khách thành phố để người khuyết tật tiếp cận sử dụng, ô tô buýt để người khuyết tật tiếp cận sử dụng; ô tô khách thành phố BRT; ô tô buýt BRT; ô tô khách đào tạo lái xe.
Dự thảo Tiêu chuẩn cũng phân loại riêng ô tô chở người chuyên dùng là ô tô chở người có kết cấu và trang bị để chở người trong điều kiện đặc biệt hoặc sự sắp xếp người đặc biệt như: ô tô cứu thương; ô tô chở người khuyết tật; ô tô chở phạm nhân; ô tô nhà ở lưu động; ô tô tang lễ; ô tô chở học sinh; ô tô chở người chuyên dùng khác.
Đáng chú ý, Dự thảo quy định ô tô chở học sinh là ô tô chở người chuyên dùng được thiết kế chỉ để đưa, đón học sinh. Xe phải được sơn màu vàng đậm và phải có dòng chữ "Ô tô chở học sinh" mặt trước và mặt sau xe.
Ngoài ghế của học sinh và ghế của người lái, trên xe phải có tối thiểu 1 chỗ ngồi dành cho người quản lý học sinh (là người trưởng thành).
Tổng số người cho phép chở kể cả người lái không được vượt quá 45 người. Trường hợp xe được thiết kế chỉ dành cho học sinh tiểu học, mẫu giáo thì số người cho phép chở kể cả người lái không được vượt quá 56 người.
Xe chở học sinh phải được trang bị bộ sơ cứu với trang bị phù hợp để sơ cấp cứu trẻ em; Trang bị thiết bị cắt dây đai ở khu vực người lái đối với các xe có trang bị dây đai an toàn cho hành khách; Đèn cảnh báo nguy hiểm tự động được bật khi mở cửa lên xuống; Thiết bị cảnh báo nếu cửa lên xuống hoặc cửa thoát hiểm (nếu có) chưa đóng khi xe bắt đầu di chuyển.
Ô tô chở hàng có tối đa 2 hàng ghế, chở không quá 6 người
Đối với ô tô chở hàng, dự thảo Tiêu chuẩn quy định là ô tô có kết cấu và trang bị chủ yếu dùng để chở hàng. Ô tô chở hàng có thể bố trí tối đa hai hàng ghế và chở không quá 6 người kể cả người lái trong cabin hoặc cũng có thể kéo theo một rơ-moóc.
Theo đó, ô tô chở hàng bao gồm: ô tô tải thông dụng; ô tô tải; ô tô tải tự đổ; ô tô tải Pickup ca bin đơn; ô tô tải Pickup ca bin kép; ô tô tải VAN; ô tô tải có mui; ô tô tải thùng kín; ô tô tải đông lạnh; ô tô tải bảo ôn; ô tô tải đào tạo lái xe; ô tô tải chuyên dùng; ô tô xi-téc; ô tô chở xe; ô tô chở rác; ô tô chở bùn; ô tô chở tiền; ô tô chở thủy, hải sản sống; ô tô tải chuyên dùng khác.
Về ô tô chuyên dùng, dự thảo quy định là ô tô có kết cấu và trang bị để thực hiện một chức năng, công dụng đặc biệt, bao gồm: ô tô chữa cháy; ô tô quét đường; ô tô hút chất thải; ô tô trộn và vận chuyển bê tông; ô tô trộn vữa; ô tô trộn bê tông lưu động; ô tô bơm bê tông; ô tô cần cẩu; ô tô thang; ô tô khoan; ô tô kéo xe; ô tô kéo, chở xe; ô tô nâng người làm việc trên cao; ô tô phòng khám lưu động; ô tô chuyên dùng khác; ô tô đầu kéo; ô tô kéo rơ-moóc; ô tô chưa hoàn thiện; ô tô sát xi có buồng lái; ô tô sát xi không có buồng lái và ô tô khách chưa hoàn thiện.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận