Dự thảo quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được Bộ GTVT hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Trong đó, dự thảo đề xuất kết nối đường sắt với nhiều cảng cạn và hình thành trung tâm logistics đường sắt để phát triển vận tải hàng hóa.
“Định hướng trong thời gian tới sẽ bố trí ga trên các tuyến đường sắt hiện có và đường sắt mới kết hợp chức năng cảng cạn hoặc bố trí nhánh đường sắt đến cảng cạn, làm cơ sở để các địa phương, nhà đầu tư quan tâm triển khai thực hiện đầu tư; Đồng thời làm cơ sở để tích hợp vào quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, bảo đảm tính đồng bộ giữa các quy hoạch”, nội dung tờ trình dự thảo quy hoạch của Bộ GTVT nêu.
Dự thảo quy hoạch đề xuất đầu tư nhánh đường sắt kết nối với cảng cạn, tiếp cận nguồn hàng để phát triển vận tải hàng hóa. Ảnh: minh họa
Theo tư vấn lập quy hoạch, nhánh đường sắt kết nối với cảng cạn là đường sắt chuyên dùng và có định hướng quy hoạch mở cho các đơn vị kinh doanh đầu tư, khai thác.
Quy hoạch mạng lưới chỉ định hướng các ga trên tuyến chính có thể bố trí nhánh đường sắt chuyên dùng kết nối vào cảng cạn. Còn quy mô và thời điểm đầu tư được xác định trong các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành hoặc ở bước lập dự án đầu tư. Hình thức đầu tư có thể từ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương hoặc đối tác công tư (PPP).
Tư vấn cũng cho biết lộ trình đầu tư phù hợp với lộ trình triển khai các tuyến đường sắt và các cảng cạn. Ưu tiên có kết nối đường sắt vào khu vực cảng cạn nằm trên các tuyến đường sắt chính hiện có trên trục Bắc - Nam và Đông - Tây.
Cụ thể, trên hướng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Lạch Huyện: Duy trì nhánh đường sắt nối cảng cạn Lào Cai từ ga Lào Cai, cự ly khoảng 700m.
Cùng đó, định hướng có nhánh đường sắt kết nối với cảng cạn Hương Canh (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) theo hướng di chuyển ga Hương Canh về gần kề với vị trí cảng cạn; Nhánh đường sắt kết nối với cảng cạn Văn Lâm (Hưng Yên) theo hướng từ ga Lạc Đạo mới (đầu mối Hà Nội); Nhánh đường sắt kết nối với cảng cạn Hải Dương với cả 2 tuyến đường sắt cũ và mới; Nhánh đường sắt kết nối với cảng cạn Đình Vũ - Quảng Bình (Hải Phòng) với đoạn tuyến đường sắt Hùng Vương - Lạch Huyện.
Trên hướng tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng và Kép - Cái Lân, định hướng có nhánh đường sắt (chuyên dùng) kết nối với cảng cạn Tiên Sơn (Bắc Ninh) từ ga Yên Viên; Nhánh đường sắt kết nối với cảng cạn Kép từ khu vực ga Kép; Nhánh đường sắt kết nối với cảng cạn Lạng Sơn từ khu vực ga Đồng Đăng.
Việc hình thành kết nối với các trung tâm logistics đường sắt gần các ga đầu mối tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức vận tải. Ảnh: minh họa
Trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM, định hướng có nhánh đường sắt kết nối với cảng cạn Duy Tiên (Hà Nam) từ ga Đồng Văn, cự ly khoảng 1,7 km; Nhánh đường sắt kết nối với cảng cạn Hòa Vang (Hòa Nhơn, Đà Nẵng), dự kiến từ ga mới tại khu vực phường Nam Hòa Khánh; Nhánh đường sắt kết nối với cảng cạn Quy Nhơn (Bình Định), dự kiến tại ga mới ở khu vực Phước Lộc, Canh Vinh; Nhánh đường sắt kết nối với cảng cạn Tân cảng Long Bình.
Trên tuyến đường sắt Dĩ An - Lộc Ninh, định hướng có kết nối đường sắt với cảng cạn Chơn Thành, Hoa Lư, Mộc Bài.
Trên tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu, định hướng có nhánh đường sắt kết nối với cảng cạn Phú Mỹ, Phước Hòa tại khu vực vào cảng Cái Mép - Thị Vải.
Tuyến đường sắt Vũng Áng - Mụ Giạ - Thà Khẹk, định hướng có kết nối đường sắt với cảng cạn Cha Lo.
Còn trên tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ, định hướng có kết nối đường sắt với cảng cạn Tân Kiên, Bến Lức.
Tư vấn cũng đề xuất kết nối trung tâm logistics đường sắt theo tiêu chí là tại ga hoặc gần ga lớn có thuận lợi về quỹ đất, kết nối đường bộ. Cụ thể, tại khu đầu mối TP.HCM, có thể chọn tại khu vực ga Trảng Bom, Sóng Thần, An Bình. Tại khu đầu mối Hà Nội, có thể chọn tại khu vực ga Yên Viên, Ngọc Hồi, Lạc Đạo, Bắc Hồng.
Ngoài ra, một số trung tâm logistics cảng biển đã được quy hoạch gắn liền với khu hậu cần cảng biển có tuyến đường sắt kết nối đến gồm: Đình Vũ, Lạch Huyện, Nghi Sơn, Cái Mép Hạ.
Dự thảo Quy hoạch đường sắt cũng đề xuất ưu tiên đầu tư tuyến đường sắt kết nối cảng biển lớn có khối lượng hàng hóa thông qua trên 100 triệu tấn/năm như: Hải Phòng, Cái Mép - Thị Vải; Đường sắt kết nối cảng Cửa Lò - Nghệ An.
Cùng đó, ưu tiên xây dựng đường sắt kết nối vào các cảng biển khu vực Trung Trung bộ như Chân Mây, Liên Chiểu, Dung Quất; Tuyến nhánh xuống cảng Vân Phong; Tuyến nhánh kết nối cảng Cam Ranh, Khánh Hòa; Tuyến nhánh đường sắt Nam Định - Thịnh Long kết nối khu kinh tế Ninh Cơ.
Trong đó, giai đoạn 2021-2030, ưu tiên đầu tư nhánh đường sắt kết nối một số cảng biển như Nghi Sơn, Liên Chiểu… bằng nguồn vốn ngân sách địa phương, PPP.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận