Làm rõ những vấn đề băn khoăn của đại biểu Quốc hội
Sáng nay (14/11) tại phiên họp thứ 39, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi.
Báo cáo một số vấn đề còn ý kiến khác nhau trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách (UBTCNS) Lê Quang Mạnh trình bày cho biết, UBTVQH đã thống nhất với đề xuất của Chính phủ, chuyển phân bón, máy móc nông nghiệp và tàu khai thác thủy sản từ diện không chịu thuế sang diện chịu thuế 5%.
Tuy nhiên, tại phiên thảo luận ở hội trường kỳ họp thứ 8, có nhiều đại biểu phát biểu về nội dung này. Trong đó, đa số ý kiến thống nhất với dự thảo luật và nội dung giải trình của UBTVQH và Chính phủ, một số ý kiến đề nghị giữ như quy định hiện hành.
Do còn ý kiến khác nhau nên Thường trực UBTCNS đề nghị UBVQH cho ý kiến chỉ đạo về việc lấy ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH).
Thảo luận tại phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, một số đại biểu lo ngại chuyện tăng giá phân bón, thiệt thòi cho người dân. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã thống nhất, nên không cần phải lấy phiếu nữa.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng nhận thấy, đây là nội dung mà cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra cơ bản thống nhất. Tuy nhiên, qua theo dõi phiên trao đổi, thảo luận tại hội trường vẫn còn hai loại ý kiến, là vấn đề quan tâm lớn của ĐBQH, do đó vẫn nên lấy ý kiến.
"Đồng thời, cơ quan soạn thảo cần cung cấp đầy đủ thông tin đối với đại biểu, nói rõ thị phần phân bón sản xuất trong nước, nhập khẩu hiện nay như thế nào, nếu chúng ta quyết định thuế suất 5% thì sẽ tác động ra sao... Làm rõ những vấn đề băn khoăn của đại biểu, trên cơ sở đó định hướng và lấy phiếu, tạo sự đồng thuận", ông Tùng nêu quan điểm.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghiệp và Môi trường Lê Quang Huy và Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng đồng tình nên lấy ý kiến đối với chỗ thuế suất 5% đối với phân bón.
"UBTVQH đa số thống nhất ý kiến của Chính phủ rồi, tôi thống nhất với Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng là xin ý kiến ĐBQH, nhưng phải giải trình thêm", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nói.
Không nên lấy phiếu không đánh thuế
Đồng tình là nên lấy phiếu, song Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị không nên lấy theo hướng không đánh thuế và đánh thuế 5% mà "phương án nào cũng phải có đánh thuế" để bảo vệ sản xuất trong nước.
"Quan trọng là mình bảo vệ nền sản xuất phân bón trong nước của mình. Hiện nay, có 3 loại đối tượng, trong đó các doanh nghiệp sản xuất phân bón của mình tỷ trọng cũng lớn chứ không phải ít. Không đánh thuế thì anh em không được hoàn thuế, chi phí sản xuất lớn, không cạnh tranh được với các anh đi nhập, đẩy giá lên và dân phải chịu. Cho nên, phải đánh thuế để hoàn thuế cho anh em, bảo vệ sản xuất trong nước, nước nào người ta cũng làm thế", ông nhấn mạnh.
Đối tượng thứ hai, theo Phó chủ tịch Quốc hội là doanh nghiệp nhập khẩu phân bón về bán.
"Anh chẳng sản xuất gì mà nhập về bán không phải chịu thuế, chỉ hưởng lãi thôi, thì anh làm dịch vụ cũng phải có đóng góp thuế cho Nhà nước. Đánh thuế vào giá lên thì đối tượng thứ ba là người dân sẽ ảnh hưởng", Phó chủ tịch Quốc hội nói.
Ông phân tích, người dân cứ biết là phải đánh thuế, một số đại biểu cũng lo tăng thuế là dân phải chịu. Tuy nhiên, nếu mình quy định phân bón diện không phải chịu thuế, giả sử ĐBQH chọn phương án đó thì cuối cùng mình không bảo vệ được sản xuất trong nước.
"Còn có thêm phương án một số ĐBQH nói, nếu đánh thuế 2-3% thì số thuế thu và số hoàn ngang nhau, Nhà nước không mất gì, dân vẫn được hưởng mà doanh nghiệp vẫn được bảo hộ. Do đó, tôi đề nghị nên lấy phiếu, nhưng không nên lấy phiếu không đánh thuế, mà có thể lấy 0% và 2% hoặc 0% và 5% và có giải trình", Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu quan điểm.
Kết lại nội dung thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định, mặc dù cơ quan chủ trì thẩm tra thống nhất với ý kiến của Chính phủ là chuyển phân bón từ diện không chịu thuế sang diện chịu thuế suất 5%. Tuy nhiên, do còn có nhiều ĐBQH chưa thống nhất nên để đảm bảo nguyên tắc Quốc hội quyết định theo đa số, UBTVQH sẽ tiến hành xin ý kiến ĐBQH vấn đề này để tạo sự đồng thuận cao.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận