Chia sẻ với PV Báo Giao thông, lãnh đạo một Cục thuộc Bộ Công thương cho biết, vừa rồi có nhận được kiến nghị của một số địa phương và doanh nghiệp về việc gia hạn giá FIT (giá mua điện ưu đãi, cố định trong 20 năm) cho các nguồn điện gió đang triển khai, nhưng chưa kịp đưa vào vận hành công trình hoặc một phần công trình trước ngày 1/11/2021.
Lý do chậm là phần lớn các dự án bị ảnh hưởng bởi tình hình dịch Covid-19, dẫn đến thiếu nhân lực; Vận chuyển thiết bị gặp khó khăn, cản trở; Hoạt động kiểm tra, kiểm định công trình gián đoạn…
Một số dự án điện gió có nguy cơ chậm tiến độ do tác động của dịch Covid-19.
“Bộ Công thương đã tổng hợp các kiến nghị và sẽ sớm trình lên Thủ tướng Chính phủ quyết định vấn đề này”, vị lãnh đạo cho biết.
Vị này cũng chia sẻ, hiện nay, nhiều quy định pháp luật mới đã được ban hành và có hiệu lực như Luật Đầu tư 2020, Nghị định 31/2021 hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư, Nghị định 25/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư.
Do đó, việc lựa chọn nhà đầu tư phát triển các dự án điện gió cơ bản sẽ được thực hiện thông qua đấu thầu (trừ một số trường hợp đặc biệt do pháp luật quy định).
“Vì vậy, việc kéo dài cơ chế giá FIT đã không còn phù hợp với các quy định của pháp luật”, vị này nói và cho biết, việc phát triển các dự án điện mặt trời, điện gió cơ bản sẽ được thực hiện thông qua đấu thầu và đàm phán với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về giá mua bán điện theo khung giá do Bộ Công thương ban hành.
Quyết định 39/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định, giá mua điện ngưỡng 8,5 UScent/kWh đối với điện gió trên bờ và 9,8 Uscent/kWh đối với điện gió trên biển nếu vận hành công trình hoặc một phần công trình trước ngày 1/11/2021.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận