Ngày 28/2 trao đổi với báo Giao thông, đại diện Công ty Nhật Linh - Lioa (Lioa) có trụ sở tại TP.HCM cho biết, đã đệ đơn lần 2 lên TAND tỉnh Long An yêu cầu chủ đầu tư dự án Happyland phải phá sản.
Khu phức hợp giải trí Happyland suốt nhiều năm tai tiếng vì nợ như chúa chổm
Theo Lioa, Công ty Cổ phần Đầu tư Khang Thông (Khang Thông) - chủ đầu tư dự án Happyland địa chỉ tại Khu phức hợp giải trí Khang Thông xã Thanh Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An đã ký hợp đồng mua sắm trang thiết bị cho dự án Happyland vào 2/1/2019. Tổng số tiền trị giá hơn 10,5 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Công ty Khang Thông mới trả Công ty Lioa hơn 4 tỷ đồng. Kể từ tháng 11/2019 đến nay, Công ty Lioa đã nhiều lần gửi văn bản đề nghị thanh toán nợ quá hạn, tuy nhiên Công ty Khang Thông vẫn không thanh toán số tiền còn lại (khoảng 6,5 tỷ, chưa tính lãi).
"Theo quy định về Luật phá sản Khang Thông không còn khả năng thanh toán thì buộc phải phá sản. Chính vì thế chúng tôi không kiện dân sự, mà đệ đơn ra để toà án ra quyết định mở thủ tục phá sản cho Khang Thông", đại diện Lioa nhấn mạnh.
Phía Khang Thông cho hay, Lioa và Khang Thông có tranh chấp nên không đồng ý mở thủ tục phá sản.
Tuy nhiên, phía Lioa khẳng định: Điều này là hoàn toàn sai sự thật. Vì nếu có tranh chấp thì phải thể hiện bằng thông báo thụ lý của tòa án. Thực tế hiện nay, TAND Long An không thụ lí vụ việc gì liên quan đến Khang Thông và Lioa. Và nếu có tranh chấp cũng phải tạm đình chỉ, và tòa án nào thụ lý vẫn phải chuyển về nơi tòa án đang mở thủ tục phá sản giải quyết theo quy định tại Điều 41 và Khoản 2 Điều 71.
"Chính vì thế, chúng tôi tiếp tục tiếp tục gửi đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Khang Thông (lần 2). Đề nghị TAND tỉnh Long An sớm ban hành Quyết định mở thủ tục phá sản đối với công ty này. Lioa cũng đề nghị TAND Long An ban hành quyết định áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với Khang Thông nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty Lioa”, đại diện Lioa cho biết.
Chủ dự án Happland tai tiếng vì nợ nần với 6 bản án chưa thực hiện
Cục Thi hành án dân sự tỉnh cho biết, hiện nay thi hành án Long An cũng đang tổ chức thi hành án đối với Khang Thông tới 6 bản án. Trong đó, có Bản án số 06 ngày 10/4/2019 của TAND tỉnh Long An về việc buộc Khang Thông liên đới với Công ty TNHH Fan Yang Productisions International Việt Nam trả cho Công ty TNHH Ko tobuki Sea số tiền 9.738.483.420 đồng và lãi suất chậm thi hành án và liên đới nộp 117.738.438 đồng án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm.
Bản án số 02 ngày 16/11/2013 của TAND huyện Bến Lức tỉnh Long An về việc buộc Khang Thông trả cho CTCP Xây dựng và Thương mại Ban Tích số tiền 1.221.710.140 đồng và lãi suất trả chậm thị hành án (THA) và phải nộp 48.601.304 đồng án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm.
Bản án số 05 ngày 14/9/2020 của TAND huyện Bến Lức tỉnh Long An về việc buộc Khang Thông trả cho Công ty TNHH Truyền thông trực tuyến S&A số tiền 100.400.000 đồng và lãi suất chậm THA buộc Khang Thông phải nộp 5.020.000 đồng án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm.
Đáng chú ý, Khang Thông đang phải thi hành án Bản án số 05 ngày 30/9/2020 của TAND huyện Bến Lức tỉnh Long An về việc buộc Khang Thông trả cho người lao động là ông Huỳnh Tân Tiến 270.535.000 đồng tiền lương chưa thanh toán và lãi suất chậm THA là 8.116.000 đồng án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm…
Doanh nghiệp phá sản thì sẽ thế nào?
Đây không phải lần đầu tiên một doanh nghiệp địa ốc bị đối tác đưa ra toà yêu cầu phá sản. Năm 2017 TAND TP.HCM đã ban hành quyết định về việc mở thủ tục phá sản đối với Công ty cổ phần Bất động sản xây lắp dầu khí VN (PVC Land) - chủ đầu tư dự án PetroVietnam Landmark.
Quyết định của TAND TP.HCM bắt đầu tư đơn của Bà Trần Thị Châu Giang (Q.3, TP.HCM) - khách hàng mua nhà của PVC land - người trực tiếp nộp đơn yêu cầu tòa án mở thủ tục phá sản.
Theo luật sư Nguyễn Hà, đoàn luật sư Hà Nội, về bản chất, mở thủ tục phá sản là tình trạng của một doanh nghiệp mất khả năng thanh toán. Tuy nhiên điều này không có nghĩa doanh nghiệp mất hết khả năng trả nợ. Khoản nợ còn phụ thuộc vào tổng giá trị tài sản của DN.
Theo Luật Phá sản 2014, sau khi ra quyết định mở thủ tục phá sản, thẩm phán sẽ chỉ định quản tài viên, tập hợp các những người có quyền đòi nợ để triệu tập hội nghị chủ nợ. Nếu các chủ nợ đồng ý cho doanh nghiệp một thời gian để phục hồi thì Happyland có cơ hội được tiếp tục kinh doanh. Nhưng nếu hoạt động không cải thiện tình hình, thì các chủ nợ sẽ tiếp tục yêu cầu thủ tục phá sản.
Tài sản sẽ được tòa án và quản tài viên thanh lý nhằm thanh toán cho các chủ nợ. Việc thanh toán theo thứ tự ưu tiên: Nợ tiền lương đối với người lao động, nghĩa vụ tài chính với cơ quan thuế hay Nhà nước, các khoản nợ có bảo đảm và nợ không có bảo đảm.
Trong trường hợp này, Happyland hiện không chỉ nợ Lioa mà đang nợ lương của nhân viên và đã bị TADN Long An tuyên.
Trước đó Happyland được quảng cáo là siêu dự án "xứ sở hạnh phúc" có diện tích 688ha với tổng vốn đầu tư lên đến 2,2 tỷ USD. Đồng thời Happyland cũng giới thiệu là có vị trí đắc địa khi tọa lạc bên dòng sông Vàm Cỏ Đông, gần trục đường cao tốc và Quốc lộ 1A nối liền TP. HCM và các tỉnh miền Tây.
Dự án được khởi công từ năm 2011 và tuyên bố 3 năm sau dự án “vui chơi , giải trí lớn nhất Đông Nam Á" này sẽ đưa vào khai thác. Tuy nhiên, đến năm nay Happyland vẫn còn dở dang và đang ngập trong nợ nần.
Cuối năm 2017, Cục Thi hành dân sự tỉnh Long An đã tiến hành cưỡng chế, kê biên tài sản, đất đai của dự án Happyland do chủ đầu tư không trả được hết khoản tiền 800 tỷ đồng nợ ngân hàng và các tổ chức.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận