Tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ thời gian qua tiềm ẩn diễn biến phức tạp, tinh vi, khó lường. Đặc biệt, nhiều loại hàng cấm như ma túy, pháo nổ, thuốc lá điếu, động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm, hàng hóa thiết yếu phục vụ sản xuất, tiêu dùng… có chiều hướng gia tăng mức độ phức tạp trên các tuyến, địa bàn trong cả nước và cả trên không gian mạng.
Dự báo trong những tháng cuối năm 2024, nhất là dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn cả nước sẽ có những diễn biến phức tạp, khó lường, tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Siêu lợi nhuận từ việc buôn bán "nhập nhèm" xuất xứ
Ông Vũ Hoài Linh, Phó đội trưởng Đội Kiểm soát chống buôn lậu hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (Đội 4), Cục Điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan nói rằng, tình hình hoạt động buôn lậu, hàng gian hàng giả ngày càng phức tạp, tinh vi.
Đặc biệt việc buôn bán hàng giả, hàng nhái công khai trên các trang thương mại điện tử đang là xu thế.
"Lợi dụng hình thức kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada, Sendo... mạng xã hội Facebook, Tiktok, Zalo, Youtube... và hoạt động bưu chính, chuyển phát nhanh, các đối tượng đã buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ", ông Linh nói.
Đặc biệt, trong năm nay nổi lên tình trạng buôn lậu các mặt hàng xa xỉ như kim cương, vàng, ngoại tệ… Đơn cử như 2 vụ nhập lậu kim cương bị bắt giữ liên tiếp tại sân bay Tân Sơn Nhất với số lượng lên tới 1.000 viên; 3 vụ buôn lậu vàng bị bắt giữ trong cao điểm biến động giá vàng với khối lượng 13kg…
"Việc buôn bán hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ mang lại lợi nhuận cao, hơn nữa một số người dân vẫn thích hàng hiệu giá rẻ. Lực lượng chức năng còn mỏng, khó kiểm soát hết việc kinh doanh online. Ngoài ra, rất khó sàng lọc đầy đủ các hoạt động di chuyển xuyên biên giới của hàng giả khi được vận chuyển trong các bưu kiện nhỏ và gói thư", ông Linh nói.
Ông Trần Văn Dũng, Phó cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cho biết, dễ dàng nhận thấy, gần như bất kỳ hàng hóa nào bán chạy trên thị trường đều xuất hiện hàng giả, hàng nhái, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ…
Theo ông, tại biên giới các tỉnh phía Nam, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới vẫn diễn biến phức tạp.
Nguyên nhân được ông Dũng nhận định là vì siêu lợi nhuận nên đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả bất chấp quy định pháp luật, tính mạng con người. Các đối tượng sản xuất, trộn hàng giả với hàng thật rất khó phát hiện; liên tục thay đổi địa điểm; sản xuất tại nhiều nơi, giao hàng nhiều đợt với số lượng ít.
"Điều đáng lo ngại là hàng giả còn có thực phẩm, hàng hóa tiêu dùng, thuốc chữa bệnh cho người ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và sinh mệnh của người dân", ông Dũng nói.
Cần phối hợp chặt chẽ từ các ngành, địa phương
Tuy vậy, lực lượng thực thi nhân lực mỏng, theo ông Dũng, thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi buôn lậu, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu; sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng giả.
Đồng thời tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, thời gian qua lực lượng chức năng trong việc chia sẻ thông tin, xây dựng phương án, kế hoạch đấu tranh ngăn chặn hiệu quả các hành vi vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Cùng với đó, phối hợp với các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng để tuyên truyền, phổ biến pháp luật về chống buôn lậu, hàng giả; hỗ trợ tập huấn cho lượng lượng quản lý thị trường trong việc cung cấp thông tin về các hành vi vi phạm, về phân biệt hàng thật - hàng giả; tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến rộng rãi luật pháp để nâng cao nhận thức của công chúng về quyền và yêu cầu thực thi quyền sở hữu trí tuệ…
Hằng năm cứ vào những tháng cuối năm, cùng với hoạt động thương mại, lưu chuyển hàng hóa tăng cao, tình hình buôn bán hàng nhập lậu, hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ cũng có xu hướng gia tăng, tập trung chủ yếu vào các mặt hàng phục vụ tiêu dùng.
Do đó, trong những tháng cuối năm 2024, theo ông Dũng, lực lượng tăng cường kiểm tra kiểm soát theo các kế hoạch như: Kế hoạch 133, ngày 30/11/2024 của Ban chỉ đạo 389 Quốc gia về cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025; Kế hoạch 13, ngày 22/10/2024 của Tổng cục QLTT về cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2024…
Đại diện Tổng cục Hải quan cũng cho biết, để chủ động kiểm soát tình hình, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn các hành vi buôn lậu hàng giả, hàng hóa giả mạo sở hữu trí tuệ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo toàn ngành tập trung vào một số giải pháp quyết liệt.
Cụ thể, chủ động sử dụng hệ thống nghiệp vụ, phối hợp trong và ngoài ngành (Công an, Quản lý thị trường, Bộ đội Biên phòng...) để xác định trọng điểm, phát hiện và xử lý vi phạm về hàng giả, giả mạo sở hữu trí tuệ, xuất xứ trong xuất nhập khẩu.
Theo dõi phương thức lợi dụng công nghệ, pháp luật để buôn lậu, giả mạo sở hữu trí tuệ , đưa ra giải pháp xử lý hiệu quả, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, thu hút đầu tư nước ngoài.
Lực lượng chống buôn lậu chủ động xây dựng kế hoạch theo địa bàn, loại hình trọng điểm, tổ chức kiểm soát hiệu quả, đảm bảo phù hợp tình hình thực tế. Tăng cường kiểm soát địa bàn, đối tượng, loại hình để ngăn chặn kịp thời hành vi buôn lậu, giả mạo sở hữu trí tuệ trong hoạt động xuất nhập khẩu và thương mại điện tử.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận