Thế giới giao thông

Singapore tăng trợ cấp đi lại cho người khuyết tật

01/08/2017, 11:05

Singapore là một trong những quốc gia có chế độ hỗ trợ, trợ cấp người khuyết tật (NKT) điều khiển ô tô tốt nhất...

28

Một chỗ đỗ xe ưu tiên dành riêng cho xe chở người khuyết tật tại Singapore

Singapore là một trong những quốc gia có chế độ hỗ trợ, trợ cấp người khuyết tật (NKT) điều khiển ô tô tốt nhất trên thế giới. Những chính sách của quốc đảo sư tử được đưa ra nhằm tạo điều kiện cho NKT hòa nhập, tham gia các hoạt động xã hội, bù đắp lại sự thiệt thòi mà họ đang gánh chịu.

Tăng trợ cấp chi phí taxi cho người khuyết tật

Từ lâu, Chính phủ Singapore đã có những chương trình trợ cấp đi lại cho NKT kịp thời, thường xuyên sửa đổi bổ sung theo hướng có lợi nhất cho những người không may mắn trong xã hội.  

Singapore bắt đầu áp dụng chính sách trợ cấp tiền taxi cho NKT có thu nhập thấp từ tháng 10/2014 và vừa được sửa đổi bổ sung vào tháng 7/2017, có hiệu lực bắt đầu từ tháng 8 này. Theo đó, những hộ gia đình NKT có thu nhập trên đầu người từ 2.600 đôla Singapore (tương đương 1.915 USD) trở xuống sẽ được xét trong diện trợ cấp. Trước đó, chỉ những hộ gia đình có thu nhập tính trên đầu người 1.800 đôla Singapore mới đủ điều kiện.

Nhờ việc mở rộng diện được hưởng trợ cấp, số lượng người đủ tiêu chuẩn sẽ tăng khoảng 80 người lên tổng cộng 300 người vào năm 2021. 

Một số nước như Mỹ, Thuỵ Điển, Australia… cũng có những chính sách hỗ trợ đi lại dành cho người khuyết tật. Chẳng hạn, tại Thuỵ Điển, chính phủ hướng dẫn các chính quyền thành phố xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông (bến đỗ xe buýt, xe điện) dễ tiếp cận cho người khuyết tật. Bang New South Wales của Australia đã có chính sách hỗ trợ tiền đi lại cho người khuyết tật từ năm 1999 nhưng nay bị chỉ trích là không tăng trợ cấp trong khi giá taxi tại bang này không ngừng tăng cao...

Chính phủ Singapore cũng tăng trợ cấp đi lại từ 50 - 80% đối với các đối tượng được hưởng trợ cấp cao nhất. Ví dụ, một NKT trong 1 hộ gia đình có thu nhập đầu người khoảng 700 đôla Singapore/tháng sẽ được trợ cấp phí taxi khoảng 80%.

Trong khi mức trợ cấp trước đó với đối tượng này là 50%. Với đối tượng khuyết tật có thu nhập của hộ gia đình là 1.800 đôla Singapore/đầu người, trợ cấp phí taxi hàng tháng sẽ tăng lên 50% so với 20% như trước đây.  

Ông Lim Eng Whatt, 67 tuổi là một trong những NKT thuộc diện được tăng trợ cấp phí taxi lên 50%. Với mức trợ cấp cũ, ông Lim làm việc tại một tổng đài 6 ngày/tuần và mất gần 1.800 đôla Singapore/3 tháng tiền đi lại. “Tiền lương của tôi không đủ để trang trải cuộc sống. Gần một nửa lương của tôi rơi vào tiền taxi. Chi hết, tôi không còn đồng nào trong tay”. Từ tháng 8 này, chi phí đi lại của ông Lim sẽ giảm xuống còn một nửa.

Bộ Phát triển gia đình và xã hội (MSF) cho biết: “Việc tăng cường hỗ trợ lần này là ủng hộ những đề xuất trong Kế hoạch tổng thể thứ 3, trong đó kêu gọi tăng cường đáp ứng nhu cầu đi lại dành cho NKT để họ có thể tham gia vào các hoạt động của cộng đồng”. 

Không chỉ vậy, để bắt kịp xu hướng gọi xe cá nhân bằng ứng dụng điện thoại, Chính phủ Singapore đã bổ sung trợ cấp cho NKT đặt xe bằng ứng dụng đã đăng ký hoạt động với Cơ quan Giao thông đường bộ Singapore (LTA) như Uber, Grab. Với kế hoạch này, Chính phủ Singapore sẽ phải tăng chi ngân sách khoảng 2,5 triệu đôla Singapore trong 5 năm tới, tăng 700.000 đôla Singapore/năm, Bộ MSF cho biết.

Chính sách hỗ trợ bãi đỗ xe cho người khuyết tật

Bên cạnh trợ cấp tiền đi lại, Chính phủ Singapore cũng có quy định trợ cấp bãi đỗ xe dành cho xe chở NKT. Quốc đảo này có khoảng 6.000 chỗ đỗ xe dễ tiếp cận trên tất cả các bãi đỗ xe toàn quốc, do Ban Phát triển và nhà ở (HDB), Cục Tái phát triển đô thị (URA),… Cơ quan quản lý bãi đỗ xe quốc gia, quản lý. Có hai loại thẻ: màu xanh (dành cho NKT về thể chất, cần sử dụng thiết bị hỗ trợ khi di chuyển) và màu da cam (dành cho tài xế chở NKT). Xe dán thẻ xanh có thể đỗ xe trong thời gian thoải mái ở chỗ đỗ xe dành cho NKT. Còn xe dán thẻ da cam chỉ được đỗ tối đa 1 giờ.

Cũng trong đợt sửa đổi bổ sung quy định cuối tháng 7 vừa qua, Chính phủ Singapore đã hạn chế đối tượng khuyết tật được hưởng ưu đãi này vì nhu cầu của các mức đối tượng cũ đã tăng mạnh trong khi quỹ đất để mở rộng chỗ đỗ xe ngày càng hạn hẹp. Theo đó, từ tháng 11 tới, những NKT phải dùng các thiết bị hỗ trợ chuyển động ít cồng kềnh như nạng sẽ không nằm trong đối tượng được cấp thẻ ưu tiên bãi đỗ xe.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.