Dự thảo lần thứ 10 Nghị định thay thế Nghị định 86/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô vừa được Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ.
Đáng chú ý tại dự thảo lần này, Bộ GTVT bổ sung quy định các sở GTVT sẽ phải trực tiếp gắn phù hiệu cho xe kinh doanh vận tải thay vì để doanh nghiệp tự gắn như trước. Theo Bộ GTVT việc này để khắc phục tình trạng doanh nghiệp, lái xe không gắn phù hiệu, làm khó công tác kiểm soát của lực lượng chức năng.
Cụ thể: Tại khoản 10 Điều 22 Nghị định 86 bổ sung quy định: Sở GTVT thực hiện cấp phù hiệu, biển hiệu và dán phù hiệu, biểu hiệu lên xe ô tô. Không thực hiện cấp lại phù hiệu, biển hiệu cho xe ô tô trong thời gian xe ô tô đó bị cơ quan có thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng hoặc bị thu hồi phù hiệu, biển hiệu có thời hạn.
Lý giải cho đề xuất này, Bộ GTVT cho biết, hiện nay khi sở GTVT cấp phù hiệu, biển hiệu cho đơn vị vận tải, nhưng sau đó nhiều đơn vị vận tải không thực hiện việc dán phù hiệu, biển hiệu lên xe ô tô kinh doanh vận tải, đặc biệt là các xe hợp đồng dưới 9 chỗ. Việc này dẫn đến tình trạng xe "tàng hình" như phản ánh của báo chí trong thời gian qua, gây khó cho lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm và tổ chức, phân luồng giao thông tại các đô thị.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho rằng, quy định xe hợp đồng phải gắn phù hiệu giúp lực lượng chức năng nhận diện để kiểm soát trên đường. Cùng đó, việc thay đổi quy định về màu sắc của tem kiểm định của phương tiện, xe kinh doanh và xe không kinh doanh có màu sắc khác nhau để nhận diện là rất cần thiết. Hai quy định trên, dù không chặt chẽ như gắn hộp đèn nhưng cũng giải quyết được khoảng 60% yêu cầu nhận diện quản lý.
Trước lo lắng rằng nếu chỉ gắn phù hiệu, lái xe có thể gắn hoặc không, ông Quyền cho rằng, dự thảo Nghị định đã lấp “lỗ hổng” này bằng quy định thay vì để cho doanh nghiệp tự gắn phù hiệu, nay sở GTVT phải trực tiếp gắn cho xe và nếu bóc ra sẽ tự hủy như dạng tem vỡ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận