Bộ Công Thương vừa lấy ý kiến xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu (Nghị định 83). Theo đó, nhiều nội dung được để xuất sửa đổi như: Bỏ quy định thương nhân kinh doanh xuất nhập khẩu không được thuê kho, phương tiện vận tải xăng dầu nội địa của thương nhân đầu mối khác thay cho việc chỉ được thuê của thương nhân kinh doanh dịch vụ xăng dầu.
Bên cạnh đó, Nghị định có bổ sung quy định quản lý đối với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có vốn đầu tư trong và ngoài nước. Ngoài ra, các quy định phân phối và hoạt động kinh doanh xăng dầu, dự kiến sẽ đổi tên thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu thành thương nhân đầu mối xăng dầu gồm hai loại: thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu.
Đặc biệt, điểm mới trong Nghị định là sẽ cho nghiên cứu thí điểm các cây xăng mini tại các địa bàn khó xây dựng cửa hàng bán lẻ xăng dầu theo quy định, để bảo đảm đáp ứng được nguồn cung xăng dầu cho các địa bàn vùng sâu, vùng xa, những địa bàn khó khăn (ít được các doanh nghiệp đầu tư cây xăng do kém hiệu quả về kinh tế), địa bàn quá chật hẹp (tại các thành phố lớn, khu trung tâm, phố cổ không đủ mặt bằng để đầu tư cây xăng theo quy định).
Theo báo cáo của Bộ Công thương, sau 5 năm thực hiện Nghị định 83, hoạt động kinh doanh xăng dầu đã thị trường hơn, minh bạch hơn. Trước đây, Nghị định xây dựng trên bối cảnh thị phần xăng dầu nhập khẩu đến 70-75%, còn lại là trong nước sản xuất, nay con số này đã đảo ngược lại là trong nước đã bảo đảm được 70-75%, còn lại là nhập khẩu. Do đó, việc sửa đổi Nghị định 83 nhằm tạo sân chơi bình đẳng giữa các doanh nghiệp; Hài hòa được lợi ích doanh nghiệp, người tiêu dùng và tránh làm lãng phí các nguồn lực của xã hội.
“Nhà nước không phải dùng đến ngân sách để can thiệp, hoạt động kinh doanh xăng dầu cũng góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Quy định về điều kiện kinh doanh xăng dầu đã thu hút được nhiều người tham gia cùng việc các thương nhân đầu mối được tự quyết định giá kinh doanh trên cơ sở giá được liên bộ Tài chính, Công Thương xác định”, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Bộ Công Thương nói.
Liên quan tới quỹ bình ổn giá xăng dầu, ông Đông cho biết: “Dự kiến sửa đổi theo hướng quy định nội dung và quy chế báo cáo của các doanh nghiệp đối với quỹ bình ổn giá; bổ sung quy định về cách tính lãi suất, nguồn tài chính trong trường hợp thương nhân xăng dầu đầu mối thực hiện sử dụng quỹ bình ổn giá trong khi Quỹ bình ổn giá tại doanh nghiệp bị âm”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận