Nhiều bất cập trong quy định hiện hành
Theo Bộ GTVT, việc triển khai nạo vét vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa kết hợp thu hồi sản phẩm theo Nghị định số 159/2018 phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc.
Cụ thể, Nghị định quy định về giá trị sản phẩm thu hồi và phương án thanh toán phần chênh lệch giữa kinh phí nạo vét và giá trị sản phẩm thu hồi.
Tuy nhiên, chưa quy định chi tiết phương pháp xác định và thẩm quyền ban hành giá sản phẩm nạo vét thu hồi và phương án xử lý phần chênh lệch giữa kinh phí nạo vét và giá trị sản phẩm thu hồi.
Nghị định cũng quy định các khoản chi phí hợp lý liên quan đến thực hiện dự án như lãi suất vay huy động vốn, tỷ suất lợi nhuận của nhà đầu tư..., do đó, không đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của nhà đầu tư và Nhà nước khi thực hiện dự án.
Ngoài ra, quy định hiện hành cũng chưa quy định cụ thể các bước thực hiện đối với dự án chuyển tiếp, dẫn đến lúng túng, khó khăn trong tổ chức thực hiện đối với các dự án này.
Nghị định 159 cũng chưa có quy định với trường hợp nạo vét khu nước trước bến cảng, luồng chuyên dùng có kết hợp thu hồi sản phẩm.
Phân cấp mạnh cho địa phương
Từ đây, dự thảo Nghị định mới của Bộ GTVT đề xuất thống nhất một cơ chế thực hiện đối với nạo vét vùng nước cảng biển, vùng nước thủy nội địa kết hợp thu hồi sản phẩm là Bộ GTVT phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh - nơi có dự án thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan có thẩm quyền.
Điều này nhằm phát huy nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động quản lý hành chính nhà nước tại trung ương và địa phương, cũng như phát huy tính tự chủ, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, nguồn lực của các địa phương trong toàn bộ quá trình thực hiện dự án (từ bước đánh giá sự cần thiết, nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để lập dự án tận thu sản phẩm; bước xác định giá trị sản phẩm tận thu, đánh giá tác động môi trường, xã hội, đánh giá an toàn, phòng chống sạt, lở đường bờ đến bước kiểm tra, giám sát cộng đồng trong quá trình thực hiện).
Từ đó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực. Việc phân cấp cũng có thể làm giảm bớt các thủ tục hành chính, trong quá trình thực hiện sẽ sát với thực tế tại địa phương và nhu cầu của địa phương.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT đề xuất quy định rõ hơn về cách tính giá sản phẩm tận thu và trách nhiệm ban hành giá sản phẩm tận thu để thuận lợi hơn trong quá trình thực hiện. Bổ sung quy định rõ hơn về nguyên tắc thanh toán giá trị phần chênh lệch giữa chi phí thực hiện dự án và giá trị sản phẩm tận thu, cùng điều khoản chuyển tiếp của Nghị định.
Đồng thời, để đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của nhà đầu tư và nhà nước khi thực hiện dự án, đề xuất quy định bổ sung các khoản chi phí hợp lý của dự án như lãi suất vay huy động vốn, tỷ suất lợi nhuận của nhà đầu tư.
Dự thảo cũng đề xuất bổ sung quy định về trường hợp nhà đầu tư đề xuất bỏ kinh phí và tổ chức lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án nhằm kêu gọi, huy động các nguồn lực trong công tác lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án.
Riêng với trường hợp nạo vét khu nước trước bến cảng, luồng chuyên dùng có kết hợp thu hồi sản phẩm, Bộ GTVT đề xuất quy định theo hướng: Trong quá trình lập dự án, chủ đầu tư phải khảo sát, lấy mẫu phân tích thành phần tính chất cơ lý của chất nạo vét.
Trường hợp sản phẩm nạo vét có thể thu hồi thì thực hiện theo quy định của pháp luật về môi trường và tài nguyên khoáng sản, sản phẩm nạo vét không thu hồi thực hiện theo quy định liên quan.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận