Nghị định số 87/2019/NĐ-CP bổ sung khoản 5 vào Điều 6 quy định về phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro như sau: Căn cứ kết quả đánh giá rủi ro rửa tiền và tài trợ khủng bố tại đối tượng báo cáo, đối tượng báo cáo được áp dụng các biện pháp nhận biết khách hàng đơn giản đối với những khách hàng được xác định có mức rủi ro rửa tiền hoặc tài trợ khủng bố thấp gồm một hoặc tất cả các biện pháp sau:
a) Không thu thập thông tin về mục đích, bản chất mối quan hệ kinh doanh nếu có cơ sở nhận biết được mục đích và bản chất từ các loại giao dịch hoặc mối quan hệ kinh doanh đã được thực hiện, thiết lập.
b) Xác thực nhận dạng khách hàng và chủ sở hữu hưởng lợi sau khi thiết lập mối quan hệ kinh doanh.
c) Giảm tần suất cập nhật nhận dạng khách hàng.
d) Giảm mức độ theo dõi và kiểm soát giao dịch.
Đối tượng báo cáo không được áp dụng các biện pháp nhận biết khách hàng đơn giản trong trường hợp nghi ngờ liên quan đến rửa tiền hoặc tài trợ khủng bố.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan hướng dẫn tiêu chí đánh giá rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố để đối tượng báo cáo thực hiện.
Bên cạnh đó, Nghị định số 87/2019/NĐ-CP cũng sửa đổi điều 5 về chủ sở hữu hưởng lợi quy định tại Nghị định số 116/2013/NĐ-CP như sau: Đối tượng báo cáo phải xác định chủ sở hữu hưởng lợi cuối cùng của khách hàng và áp dụng các biện pháp để nhận biết và cập nhật thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi thông qua các tiêu chí sau:
a) Cá nhân sở hữu thực tế đối với một tài khoản hoặc một giao dịch: Chủ tài khoản, đồng chủ tài khoản hoặc bất kỳ người nào chi phối hoạt động của tài khoản hoặc thụ hưởng từ giao dịch đó.
b) Cá nhân có quyền chi phối pháp nhân: Cá nhân nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp từ 25% trở lên vốn điều lệ của pháp nhân đó; chủ doanh nghiệp tư nhân; cá nhân khác thực tế chi phối, kiểm soát pháp nhân đó.
c) Cá nhân có quyền chi phối một ủy thác đầu tư, thỏa thuận ủy quyền: Cá nhân ủy thác, ủy quyền; cá nhân có quyền chi phối cá nhân, pháp nhân hoặc tổ chức ủy thác, ủy quyền.
Ngoài ra, Nghị định số 87/2019/NĐ-CP cũng bổ sung khoản 5 vào Điều 17 về trách nhiệm báo cáo, cung cấp thông tin quy định tại Nghị định số 116/2013/NĐ-CP như sau: Đối tượng báo cáo có trách nhiệm cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan điều tra các cấp kể từ khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, kể cả các thông tin thuộc bí mật nhà nước. Cơ quan điều tra khi tiếp nhận các thông tin thuộc bí mật nhà nước có trách nhiệm lưu trữ, bảo quản, sử dụng theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận