Chiều 9/7, ông Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TƯ cho biết, bệnh viện đã tiếp nhận nữ bệnh nhân B (18 tuổi, trú Nghệ An) dương tính với bệnh bạch hầu. Tại thời điểm tiếp nhận bệnh nhân chưa xuất hiện các triệu chứng lâm sàng. Các bác sĩ đã điều trị dự phòng sớm theo phác đồ, sử dụng kháng sinh diệt vi khuẩn, ngăn ngừa vi khuẩn phát triển.
"Do chưa có triệu chứng lâm sàng nên bệnh nhân được chuyển về cách ly ở tuyến cơ sở sau khi điều trị kháng sinh", ông Cấp cho biết.
Những năm gần đây bệnh viện vẫn tiếp nhận ca mắc bệnh bạch hầu từ tuyến dưới chuyển về, phần lớn ca mắc nhẹ.
Ông Cấp cho biết thêm, sau thời gian ủ bệnh 2 - 5 ngày, khởi đầu bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu sẽ xuất hiện các triệu chứng giống như viêm họng như đau họng, ho, một số bệnh nhân nuốt khó, nuốt đau, sốt. Đa số bệnh nhân sau đó dần hồi phục. Một số bệnh nhân có tiến triển bệnh bạch hầu nặng và ác tính.
Vì vậy, khi xuất hiện các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu tốt nhất người dân nên đến cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị kịp thời.
Biến chứng nghiêm trọng của bệnh bạch hầu đó là giả mạc phát triển nhanh, lan tỏa xuống đường hô hấp gây ra tình trạng bít tắc đường hô hấp. Hoặc những mảnh giả mạc của bạch hầu có thể rụng, khiến người bệnh hít phải gây sặc, tắc đường thở.
Nguy cơ biến chứng nguy hiểm hơn đó là viêm cơ tim, bởi độc tố bạch hầu gây tác dụng mạnh đối với cơ tim. Những bệnh nhân bệnh bạch hầu thể ác tính có thể dẫn đến viêm cơ tim, suy tim cấp... Nặng hơn nữa có thể dẫn đến sốc, suy đa tạng, tử vong. Ngoài ra có thể gặp biến chứng trên thận, gan, tuyến thượng thận…
Trước câu hỏi có lo ngại bệnh bạch hầu lây nhiễm như Covid-19, BS Trung Cấp nhận định, bệnh bạch hầu là một bệnh nguy hiểm, đặc biệt với nhóm chưa tiêm chủng đầy đủ hoặc hiệu lực bảo vệ vaccine đã hết, nguy cơ tử vong trong trường hợp này là 10 - 20%.
"Tỷ lệ tử vong bệnh bạch hầu cao gấp nhiều lần so với Covid-19 nhưng nguy cơ lây nhiễm thấp hơn rất nhiều. Bệnh có thể xuất hiện ở rải rác ở các vùng, nhưng không thể gây ra một đại dịch như Covid-19, người dân cũng không nên quá lo lắng", ông Cấp nói.
Để phòng bệnh bạch hầu, theo BS Cấp quan trọng nhất vẫn là tiêm chủng vaccine. Hiệu lực bảo vệ của vaccine phòng bệnh bạch hầu khoảng 10 năm. Sau 10 năm hiệu lực của vaccine giảm dần, do vậy người dân cần tiêm nhắc lại vaccine sau 10 năm để phòng bệnh.
Người bệnh nghi bạch hầu phải được vào viện để cách ly cho đến khi có kết quả xét nghiệm vi khuẩn hai lần âm tính. Nếu không có điều kiện làm xét nghiệm thì cần cách ly bệnh nhân trong 14 ngày và điều trị kháng sinh.
Người phải tiếp xúc gần với bệnh nhân cần áp dụng các biện pháp phòng lây truyền qua đường hô hấp: Giữ khoảng cách với bệnh nhân, đeo khẩu trang, bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, vệ sinh bề mặt; người bệnh đeo khẩu trang và che miệng khi ho, hắt hơi... Người đã tiếp xúc không có phương tiện phòng hộ với người bệnh cần theo dõi và xét nghiệm vi khuẩn trong vòng 7 ngày, có thể dùng kháng sinh dự phòng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận