Tái nhiễm nặng hay nhẹ hơn nhiễm lần đầu?
Vừa khỏi Covid-19 trước Tết chừng chục ngày, cuối tháng 2/2022, chị Nguyễn Hồng Hạnh (Cầu Giấy, Hà Nội) lại phát hiện tái nhiễm với kết quả PCR dương tính với virus SARS-CoV-2. Lần này, chị Hạnh cho biết, cơ thể mệt mỏi hơn, ngai ngái sốt, đau đầu và ngạt mũi.
Gia tăng người tái nhiễm Covid-19 trong thời gian gần đây (ảnh minh họa)
Tương tự, anh Nguyễn Thành (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng mắc Covid-19 vào cuối tháng 11/2021 nhưng đã tái mắc với kết quả test dương tính ngày 24/2 vừa qua. Theo anh Thành, ở lần nhiễm đầu anh có triệu chứng sốt 37 độ, rát họng và ho theo cơn. Sau khi âm tính trở lại, di chứng kéo dài cả tháng là ho khan, hụt hơi và người nhanh mệt. Và ở lần này các dấu hiệu bệnh cũng tương tự.
Chị Hạnh, anh Thành là hai trong số nhiều ca tái mắc Covid-19 thời gian qua.
Trao đổi với Báo Giao thông, BS. Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch Hội Truyền nhiễm TP.HCM cho biết, thời điểm này khi có sự xuất hiện biến chủng Omicron thì người từng nhiễm các biến chủng trước có khả năng tái nhiễm với biến chủng mới này.
Bộ Y tế hiện chưa có con số thống kê về tỷ lệ tái nhiễm nhưng các nghiên cứu trên thế giới cho thấy tái nhiễm trên cùng 1 biến chủng là cực hiếm, tái nhiễm với 2 biến chủng khác nhau khá phổ biến.
"Tuy nhiên cũng cần xác định rõ kết quả của lần nhiễm trước liệu đã chắc chắn đúng hay chưa để khẳng định liệu có tái nhiễm hay không", BS. Khanh cho hay.
Còn BS. Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm oxy cao áp Việt - Nga, Bộ Quốc phòng cho biết, một ngày ông tư vấn cho khoảng 100 F0 điều trị tại nhà, 5-10% trong số đó đã khỏi bệnh, nhưng lại có kết quả xét nghiệm dương tính sau 3-4 tuần. Có thể các bệnh nhân này tái nhiễm biến chủng mới.
Tuy cũng có giả thiết kết quả xét nghiệm âm tính đầu tiên chưa chính xác, do bệnh nhân lấy mẫu không chuẩn, hoặc có thể lúc lấy mẫu virus SARS-CoV-2 không còn trong dịch tỵ hầu nữa nhưng vẫn ở sâu trong phổi. Sau khi biết âm tính, bệnh nhân không chú trọng bảo vệ sức khỏe, cơ thể yếu đi khiến virus vẫn còn trong phổi hoạt động trở lại, làm xuất hiện các triệu chứng và xét nghiệm cho thấy tái dương tính.
Chính điều này khiến bệnh nhân nhầm tưởng họ tái nhiễm, trong khi thực tế chỉ là tải lượng virus còn dư kể từ lần nhiễm trùng ban đầu. Muốn chắc chắn xác định là tái nhiễm, cần giải trình tự gen virus.
Nên tiêm vaccine mũi 3 đúng lịch sau khi đã nhiễm Covid-19
Có nên tiêm vaccine mũi 3 sau khi nhiễm Covid-19?
BS. Trương Hữu Khanh cho biết: Để trả lời câu hỏi có nên tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi thứ 3 sau khi đã nhiễm Covid-19 hay không cần dựa các yếu tố như: Liệu có chắc chắn đã mắc Covid-19 hay không; đủ khỏe để tiêm phòng hay không; và nguyên tắc của tiêm là cần đủ khoảng cách miễn dịch mới hiệu quả (thông thường là tiêm mũi 3 cách mũi 2 từ 3-6 tháng)
"Nói chung cần tiêm phòng vaccine Covid-19 mũi cho đúng lịch, bởi khó trả lời việc khẳng định đã từng nhiễm là chắc chắn hay không, do xét nghiệm cũng có lúc sai, trong khi chích ngừa không có hại gì.
Dịch vẫn còn, thì cần tiêm phòng mũi 3 đúng lịch trong khoảng thời gian từ 3-6 tháng sau tiêm mũi 2", ông Khanh nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận