Quản lý

Tăng cường hợp tác Việt Nam - EU trong chuyển đổi xanh lĩnh vực giao thông

19/06/2024, 17:03

Hôm nay (19/6), Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng tiếp và làm việc với Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam Julien Guerrier về thúc đẩy hợp tác hai bên trong lĩnh vực GTVT.

Tăng cường hợp tác dự án hạ tầng giao thông

Tại buổi làm việc, Đại sứ Julien Guerrier nhấn mạnh, Việt Nam luôn là đối tác hàng đầu của EU tại ASEAN. Việt Nam đang thực hiện mục tiêu trở thành nước phát triển vào năm 2045.

Để thực hiện mục tiêu này, Việt Nam cần phát triển nhanh, trong đó phát triển hạ tầng vô cùng quan trọng, như hạ tầng số, hạ tầng năng lượng..., đặc biệt là hạ tầng giao thông, mục tiêu phát triển nhanh nhưng phải bền vững.

EU mong muốn hỗ trợ Việt Nam trong tiến trình hiện thực hóa mục tiêu này. Trong đó, các hợp tác về thương mại, đầu tư cần được thúc đẩy để mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên. Điển hình như việc triển khai thực hiện Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) thời gian qua đã giúp tăng trưởng thương mại hai chiều lên đến 40%. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU gấp ba lần kim ngạch xuất khẩu từ EU sang Việt Nam.

Tăng cường hợp tác Việt Nam - EU trong chuyển đổi xanh lĩnh vực giao thông- Ảnh 1.

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng và Đại sứ EU Julien Guerrier thống nhất tích cực trao đổi, tìm kiếm và hiện thực hóa các hợp tác đầu tư phát triển hạ tầng giao thông xanh, bền vững (Ảnh: Tạ Hải).

Vì vậy, Đại sứ Julien Guerrier đề nghị các nội dung liên quan đến giao thông tại hiệp định này cần được thực thi đầy đủ. Nhất là một số rào cản kĩ thuật liên quan đến kiểm nghiệm khí thải, kiểm định xe nhập khẩu, thuế suất... cần được tháo gỡ và thực thi theo hiệp định.

Thống nhất cao với các ý kiến của Đại sứ Julien Guerrier, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, Việt Nam và EU đã thiết lập quan hệ ngoại giao được hơn 30 năm kể từ tháng 11/1990. Trong suốt thời gian qua, Việt Nam luôn coi EU là một trong những đối tác quan trọng trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam - EU trải qua các giai đoạn phát triển với nhiều dấu mốc đáng ghi nhớ thông qua việc ký kết và triển khai các hiệp định song phương và đa phương ý nghĩa. Gần đây hai bên đã hoàn thành ký kết và thực hiện Hiệp định Đối tác và Hợp tác EU-Việt Nam (PCA) vào năm 2016 nhằm tăng cường quan hệ song phương và tiến hành đối thoại toàn diện và tăng cường hơn nữa hợp tác trên tất cả các lĩnh vực cùng quan tâm.

Năm 2019, hai bên đã ký Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa EU và Việt Nam (EVIPA). Đặc biệt, Hiệp định EVFTA có vai trò hết sức quan trọng đưa quan hệ đối tác toàn diện hai bên đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả hơn, góp phần đưa nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng và phát triển bền vững, thúc đẩy kinh ngạch thương mại hai chiều cũng như thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) từ EU vào Việt Nam.

Riêng hợp tác lĩnh vực GTVT, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, Bộ GTVT tiếp tục đẩy mạnh hợp tác song phương với các quốc gia trong EU như Đức, Ý, Pháp, Bỉ, Hà Lan, Tây Ban Nha… Đồng thời đã có các phiên làm việc với các phái đoàn công tác của EU như Hội đồng kinh doanh EU - ASEAN (EU-ABC) và Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Châu Âu mong muốn hợp tác đầu tư vào phát triển hạ tầng giao thông tại Việt Nam.

Bộ GTVT cũng đánh giá cao việc EuroCharm phát hành Sách Trắng doanh nghiệp hàng năm, các khuyến nghị trong Sách Trắng là cơ sở để các cơ quan hữu quan Việt Nam nghiên cứu trong quá trình xây dựng, sửa đổi chính sách để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động đầu tư và kinh doanh của các doanh nghiệp EU tại Việt Nam.

Tăng cường hợp tác Việt Nam - EU trong chuyển đổi xanh lĩnh vực giao thông- Ảnh 2.

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh Việt Nam luôn đón nhận sự tham gia, hợp tác của các doanh nghiệp EU và tin tưởng sẽ mang lại hiệu quả, chất lượng (Ảnh: Tạ Hải).

Nhân dịp này, Bộ trưởng đã thông tin với Đại sứ về định hướng phát triển cơ sở hạ tầng cùng với cải cách thể và thủ tục hành chính, đây là ba trụ cột để phát triển kinh tế xã hội, trong đó phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đóng vai trò quan trọng.

Theo đó, về đường bộ, Việt Nam đã hoàn thành và đưa vào khai thác hơn 2000km đường bộ cao tốc, đặt mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành 3.000km, tới năm 2030 hoàn thành 5.000km. Về đường sắt, đang triển khai xây dựng đề án và hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Về hàng hải, Việt Nam đang thực hiện kế hoạch ưu tiên đầu tư đồng bộ, hiện đại các cảng biển, nhất là cảng cửa ngõ quốc tế, trong đó có cảng Lạch Huyện ở phía Bắc và cảng Cái Mép - Thị Vải ở phía Nam. Về hàng không, tập trung triển khai dự án đầu tư mới Cảng hàng không quốc tế Long Thành và mở rộng các cảng hàng không khác.

"Việt Nam đánh giá cao các sản phẩm, dự án mà các doanh nghiệp EU đã tham gia. Với hàng loạt dự án giao thông tới đây, chúng tôi mong đón nhận sự tham gia của các doanh nghiệp EU và tin tưởng với kinh nghiệm, thế mạnh của họ sẽ góp phần đưa các dự án triển khai khai nhanh, hoàn thành sớm", Bộ trưởng Thắng nói.

Thúc đẩy chuyển đổi xanh, phát triển nhanh, bền vững

Liên quan đến giảm phát thải, phát triển giao thông bền vững, Đại sứ Julien Guerrier cho biết, EU có Sáng kiến Cửa ngõ toàn cầu (Global Gateway) về đầu tư xanh và phát triển bền vững, dự kiến huy động khoảng 300 tỉ EUR đến năm 2027 để đầu tư vào các lĩnh vực then chốt như công nghệ số, y tế, giao thông, khí hậu, năng lượng, giáo dục. Bền vững và chất lượng là hai yếu tố then chốt trong các dự án hạ tầng, tạo nên sự khác biệt trong nguồn vốn hỗ trợ từ sáng kiến này so với các nguồn vốn quốc tế khác.

EU mong muốn thông qua sáng kiến này có thể huy động được nguồn vốn hỗ trợ Việt Nam triển khai các giải pháp chuyển đổi xanh nhằm thực hiện tham vọng đến 2050 phát thải ròng về 0. Trong đó, lĩnh vực GTVT, hỗ trợ các giải pháp, dự án với mục tiêu thúc đẩy hạ tầng giao thông có khả năng chống chịu tốt, bền vững, an toàn ở tất cả các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, hàng hải, đường thủy nội địa và hàng không.

"Các cơ quan viện trợ, các định chế tài chính như Ngân hàng Đầu tư Châu Âu (EIB), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD)... rất quan tâm và đã có sự hỗ trợ phát triển các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP.HCM và các dự án giao thông khác. Tới đây, chúng tôi cung cấp hỗ trợ cho Việt Nam theo cách tiếp cận nhóm, gồm EU, các nước thành viên và các định chế tài chính, tập trung vào hạ tầng, đặc biệt là đường sắt. Chúng tôi mong rằng hai bên tiếp tục trao đổi để có thể hiện thực hóa được các hợp tác này", Đại sứ Julien Guerrier nói.

Tăng cường hợp tác Việt Nam - EU trong chuyển đổi xanh lĩnh vực giao thông- Ảnh 3.

Đại sứ EU Julien Guerrier bày tỏ EU sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi xanh, giảm phát thải lĩnh vực giao thông (Ảnh: Tạ Hải).

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, Bộ GTVT đánh giá cao Sáng kiến Cửa ngõ toàn cầu của EU. Cùng đó là Cơ chế Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) được thống nhất giữa Việt Nam và Nhóm Đối tác quốc tế, trong đó có EU vào năm 2022. Việt Nam tin tưởng thông qua sự hỗ trợ từ sáng kiến, cơ chế này sẽ giúp Việt Nam thực hiện các mục tiêu về khí hậu của quốc gia mạnh mẽ hơn.

Về mục tiêu đến 2050 giảm phát thải ròng về 0, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, để triển khai cam kết này của Việt Nam tại COP26, Chính phủ đã có kế hoạch, chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành GTVT. Bộ GTVT cũng đã có quyết định triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch này.

Trong đó, về đường bộ, hướng tới chuyển đổi phương tiện chạy tiện, phát triển và từng bước hoàn thiện hạ tầng sạc điện. Về đường sắt, nghiên cứu xây dựng các tuyến đường sắt điện khí hóa mới, hướng tới sử dụng phương tiện sử dụng điện và năng lượng xanh.

Về hàng hải và đường thủy nội địa, xây dựng tiêu chí cảng xanh, tuyến vận tải xanh và thay thế các phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch bằng năng lượng điện, năng lượng xanh. Về hàng không, xây dựng lộ trình tối ưu hóa các biện pháp giảm thải CO2 và hướng tới nghiên cứu sản xuất và sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững SAF.

Bộ trưởng đề nghị EU tiếp tục hợp tác và hỗ trợ Bộ GTVT trong việc thực hiện chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải nhằm đáp ứng các cam kết của Việt Nam tại COP26. Đồng thời, hỗ trợ Bộ GTVT triển khai các dự án hỗ trợ kỹ thuật cho nghiên cứu cải tạo các tuyến đường sắt hiện có, chuyển đổi sang năng lượng sạch cũng như triển khai xây dựng tuyến điện khí hóa.

Trong lĩnh vực hàng hải, Bộ trưởng đề nghị EU và Việt Nam tăng cường hợp cảng biển và logistics, trước mắt nghiên cứu về khả năng thiết lập tuyến vận tải biển xanh kết nối giữa cảng Lạch Huyện và cảng Cái Mép - Thị Vải với các cảng EU như cảng Antwerp (Bỉ), cảng Rotterdam (Hà Lan).

Bộ trưởng cảm ơn Đại sứ Julien Guerrier đã quan tâm đến hợp tác, hỗ trợ lĩnh vực GTVT; đồng thời bày tỏ mong muốn trong nhiệm kỳ tại Việt Nam, ngài đại sứ tiếp tục quan tâm, cùng Bộ GTVT trao đổi, hiện thực hóa các chương trình, dự án hợp tác, góp phần vào sự thúc đẩy mối quan hệ hợp tác Việt Nam - EU ngày càng toàn diện.

EU sẽ hỗ trợ Việt Nam một số dự án giao thông sạch, bền vữngEU sẽ hỗ trợ Việt Nam một số dự án giao thông sạch, bền vững

Giao thông sạch, bền vững là một trong những ưu tiên hàng đầu của Liên minh châu Âu khi hợp tác với Việt Nam trong chiến lược Cửa ngõ Toàn cầu (Global Gateway).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.