Nhờ vậy, từ chỗ dự kiến lỗ 940 tỷ đồng, con số này đến nay được xác định là 700 tỷ đồng.
Ga hàng hóa nhộn nhịp
Những ngày giữa tháng 12/2021, tại ga Giáp Bát ken đầy toa chờ xếp dỡ hàng. Dọc bãi hàng, các kho ga, đường xếp dỡ, ô tô tải nườm nượp vào ra như mắc cửi.
Ga Giáp Bát nườm nượp xe ô tô ra vào ga xếp dỡ hàng hóa
Hàng bốc từ ô tô lên toa xe hoặc xuống kho, hàng từ toa xe lại dỡ lên ô tô để vận chuyển đi ngay. Cảnh tưởng nhộn nhịp hiếm thấy.
Chỉ vào kế hoạch lập tàu, dồn dịch toa xe chi chít các tác nghiệp cần thực hiện trong ngày, Trưởng ga Giáp Bát Hoàng Văn Triệu cho biết, số lượng đoàn tàu hàng đón gửi tại ga những tháng cuối năm này tăng vọt.
Nếu bình quân trong năm, ga thực hiện 43 đoàn tàu đón gửi/ngày đêm, nay có đêm đã phải thực hiện đến 33 đoàn.
“Ảnh hưởng dịch Covid-19, các tỉnh phía Nam thực hiện giãn cách xã hội hồi tháng 7, tháng 8 số đoàn tàu chuyên tuyến giảm khoảng 50%. Nhưng từ tháng 9 đến nay, khối lượng hàng hóa tại ga tăng cao, có tháng tăng trên 30% so với cùng kỳ. Có đêm chạy đến 7 đoàn tàu chuyên tuyến, có ngày trên 160 toa xe xếp dỡ, vì vậy có lúc gây quá tải, áp lực đối với năng lực hiện tại của ga”, ông Triệu nói.
Ở ga Sóng Thần cũng tương tự, hàng hóa hai chiều đổ về ga lớn, nhất là hàng từ các tỉnh phía Nam đi. Bà Nguyễn Thị Hải Yến, Phó giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Sóng Thần cho hay, chỉ tính riêng 2 tháng 10, 11/2021, đơn vị đã xếp được hơn 29.000 tấn/tháng, dỡ 24.000 - 25.000 tấn/tháng, góp phần đưa kết quả vận tải hàng hóa 11 tháng của chi nhánh tăng 28% tấn xếp và tăng 28% về doanh thu so với cùng kỳ.
Lý giải về kết quả bất ngờ này, bà Yến cho biết, nhu cầu vận tải hàng hóa tập trung vào những tháng cuối năm nên từ tháng 10 đến nay lượng hàng tăng nhiều.
Đội tàu biển cho nước ngoài thuê chạy tuyến quốc tế nhiều nên giảm đội tàu nội địa, vì vậy các đại lý vận tải tàu biển chuyển sang vận chuyển bằng đường sắt để giữ chân khách hàng.
“Nhu cầu khách vận chuyển bằng đường sắt vẫn rất cao, tuy nhiên khó khăn hiện nay là không có đủ container để xếp hàng, phải chuyển sang xếp hàng bằng toa xe G (toa xe mui kín). Lực lượng bốc xếp cũng thiếu hụt so với trước do ảnh hưởng dịch Covid-19, nhiều lao động về quê chưa quay trở lại ga làm việc. Trong khi đó chi phí bốc xếp tăng lên do phải chi phí cho các biện pháp phòng dịch như test nhanh”, bà Yến nói.
Bớt lỗ nhờ chuyển trọng tâm sang vận tải hàng
Ông Trần Thế Hùng, Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải và thương mại đường sắt cho biết, thời gian qua đơn vị đã chủ động tìm kiếm nguồn khách hàng mới; Duy trì và đẩy mạnh khai thác hàng hóa liên vận quốc tế, đặc biệt kết hợp với các hãng tàu biển lớn để tổ chức khai thác nguồn hàng xuất nhập khẩu cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Chỉ tính riêng hàng liên vận quốc tế liên tục tăng trong năm 2021. Đơn cử tấn xếp dự kiến đạt 94,6 nghìn tấn, tăng đến 300% so với cùng kỳ 2020; Trong đó lượng container xuất nhập khẩu 11 tháng đầu năm là 11.247 container, tăng 137% so với cùng kỳ 2020.
“Kết quả này đưa sản lượng tấn xếp dự kiến cả năm đạt 825.100 tấn, tăng 26% so với cùng kỳ 2020; Doanh thu vận tải hàng hóa dự kiến đạt 400 tỉ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ 2020”, ông Hùng cho biết.
Theo đại diện Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, tính chung kết quả vận tải hàng hóa cả năm 2021, dự kiến tấn xếp đạt hơn 4,1 triệu tấn, tăng 13%, tấn dỡ hơn 3,6 triệu tấn, tăng trưởng 7% và doanh thu hơn 1.030 tỷ đồng, tăng 8%.
Tuy nhiên, kết quả vận tải hàng hóa dù tăng như vậy vẫn không bù đắp được kết quả vận tải hành khách sụt giảm nghiêm trọng do dịch.
Cả năm dự kiến về sản lượng khách lên tàu chỉ thực hiện bằng khoảng 35%, doanh thu khoảng 35% so với năm 2020.
Đại diện Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn cũng thông tin, từ tháng 9 đến nay vận tải hàng hóa tăng trưởng 20-30% so với cùng kỳ.
Tổng thể cả năm dự kiến doanh thu đạt khoảng 380-390 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 10% so với năm 2020.
Tuy vậy, doanh thu này chỉ bù đắp được khoảng 40-50 tỷ đồng, giảm lỗ, còn tính kết quả sản xuất kinh doanh chung vẫn dự kiến lỗ khoảng 220 tỷ đồng.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Đặng Sỹ Mạnh, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, việc sản lượng, doanh thu vận tải hàng hóa tăng là kết quả của hàng loạt giải pháp chuyển trọng tâm sang vận tải hàng mà Đường sắt thực hiện trong 2 năm qua.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp, với việc tổ chức tàu hợp lý, giảm thiểu rủi ro lây lan dịch khi tàu chạy trên đường, giá cước linh hoạt, phương thức vận tải đường sắt đã được khách hàng tin tưởng hơn.
“Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2021 của tổng công ty, theo đó kết quả doanh thu là lỗ 700 tỷ đồng, trong khi trước đây tính toán phải đến 940 tỷ đồng. Chúng tôi đang tiếp tục đẩy mạnh khai thác tàu hàng và tàu khách giảm để tăng thêm sản lượng, doanh thu ”, ông Mạnh nói.
Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, dự kiến cả năm 2021, vận tải hàng hóa cả ngành đạt sản lượng hơn 5.632.000 tấn xếp, tăng trưởng 10% so với cùng kỳ 2020; Doanh thu hàng hóa tăng trưởng 13,5%.
Về vận tải hành khách, dự kiến chỉ vận chuyển được hơn 1.391.000 người, bằng 36,7% cùng kỳ 2020; Doanh thu hành khách bằng 40,5% cùng kỳ 2020. Tổng doanh thu vận tải cả năm 2021 dự kiến chỉ bằng 77,3% năm 2020.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận