Đường sắt

Tàu hàng từ Việt Nam chạy thẳng Châu Âu qua “Con đường tơ lụa mới"

19/09/2021, 18:14

Tàu hàng từ Việt Nam có thể chạy thẳng Châu Âu qua các tuyến vận tải đường sắt “Con đường tơ lụa mới” thông qua Trung Quốc…

Nhiều lợi thế của "Con đường tơ lụa mới"

Trang RailFreight.com cho biết, tại Hội nghị thượng đỉnh RailFreight tại Ba Lan 2021 tổ chức tại Lodz vào đầu tháng 9/2021, "Con đường tơ lụa mới đường sắt Á - Âu" là chủ đề thảo luận quan trọng, nhận được sự quan tâm đặc biệt.

Các chuyên gia vận tải hàng đầu đến từ các nước và các CEO các tập đoàn giao nhận, logistics quốc tế đều khẳng định vai trò quan trọng của "Con đường tơ lụa mới đường sắt Á - Âu" trong xu thế vận chuyển an toàn, ít rủi ro. Thời gian vận chuyển ngắn và vươn tới mọi địa hình, nhất là đối với các mặt hàng giá trị cao như điện tử, may mặc, đông lạnh…

img

Tàu tốc hành Trung - Âu trên "Con đường tơ lụa mới đường sắt Á - Âu"

U-Freight Group - một nhà cung cấp dịch vụ giao nhận và vận chuyển hàng hóa cho rằng, vụ việc tắc nghẽn ở kênh đào Suez khiến nhiều chủ hàng cân nhắc lại các lựa chọn của họ và đưa các dịch vụ đường sắt vào các phương thức vận chuyển.

“Sẽ là không thực tế nếu cho rằng đường sắt có thể thay thế các tàu container lớn trong vận tải xuyên lục địa. Tuy nhiên, cũng giống như trong đại dịch Covid-19, đường sắt chứng minh trong cuộc khủng hoảng Suez rằng nó là một phương thức vận tải khả thi và đáng tin cậy.

Hơn nữa, các yếu tố khác như: chi phí vận chuyển hàng không cao và tình trạng thiếu container trong vận tải hàng hải, khiến đường sắt càng trở nên hấp dẫn hơn. Cùng với thời gian vận chuyển ngắn, vận chuyển hàng hóa đường sắt Á - Âu trở thành một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng”, đại diện U-shipping thông tin.

"Con đường tơ lụa mới" là một kế hoạch khổng lồ, với ngân sách khoảng 1.000 tỉ USD được Trung Quốc đưa ra vào năm 2013. Theo đó, các nước tham gia kế hoạch sẽ xây dựng song song nhiều mạng lưới hạ tầng giao thông kết nối, chủ yếu gồm đường bộ, sân bay, đường sắt và cảng biển nhằm nối liền hai lục địa Á - Âu.

Trong đó, kết nối đường sắt là mục tiêu quan trọng. Với sự tích cực thúc đẩy của Trung Quốc, đến nay nhiều quốc gia ở Trung Á, Tây Á và Châu Âu tham gia kế hoạch, hình thành nhiều tuyến vận tải đường sắt Á - Âu chạy suốt hoặc liên vận đường sắt - cảng biển, đường sắt - đường bộ.

img

Đoàn tàu chuyên container Hà Nội - Trùng Khánh xuất phát ga Yên Viên, đi ga Đồng Đăng, từ đó đi tiếp Trùng Khánh (Trung Quốc) và sang Châu Âu

Tàu hàng Việt Nam tham gia “Con đường tơ lụa mới” theo tuyến nào?

Về hạ tầng, đường sắt Việt Nam hiện kết nối với đường sắt Trung Quốc qua 2 cửa khẩu chính là ga Liên vận quốc tế Đồng Đăng và ga Liên vận quốc tế Lào Cai.

Ga Đồng Đăng (huyện Cao Lộc, Lạng Sơn) là ga cuối cùng trên tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng, được nối với ga Bằng Tường (tuyến Hành Dương - Bằng Tường), kết nối với Trung Quốc tại khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây.

Thông qua cửa khẩu này, hàng hóa từ Việt Nam có thể vận chuyển bằng đường sắt đến các địa phương của Trung Quốc, quá cảnh Trung Quốc đến các nước Trung Á, Tây Á, Châu Âu và ngược lại.

Tại cửa khẩu ga Lào Cai, đường sắt Việt Nam kết nối ray với đường sắt khổ 1.000mm Trung Quốc qua cửa khẩu Lào Cai (Việt Nam) - ga Sơn Yêu (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc).

Thông qua cửa khẩu này, hàng trên tàu khổ 1.000mm từ Việt Nam vào trong nội địa Trung Quốc có thể sang toa trên tàu khổ 1.435mm tại ga Hà Khẩu Bắc để hòa mạng đường sắt Trung Quốc đi các tỉnh khác của Trung Quốc hoặc tiếp chuyển tàu tốc hành Trung - Âu (China-Europe Express) để đi Châu Âu.

Về các tuyến vận tải, thông tin với Báo Giao thông, đại diện Công ty Ratraco - đơn vị thực hiện tổ chức tàu liên vận Á - Âu cho biết, sau khi sang đường sắt Trung Quốc, tùy theo điểm đích tại Trung Á hay Châu Âu, tàu sẽ tập kết hàng tại các ga lập tàu lớn, từ đó tiếp chuyển vào các đoàn tàu đi nước thứ ba hoặc tàu tốc hành Trung - Âu trên các tuyến vận tải mạng “Con đường tơ lụa mới” đến Châu Âu.

Hiện từ Trung Quốc sang Châu Âu có 5 tuyến vận tải chính. Trong đó, từ Trùng Khánh đến một hub (trung tâm trung chuyển hàng hóa) ở Đức, từ Thành Đô sẽ đến một hub ở Ba Lan, từ Hạ Môn sẽ đến một hub ở Hà Lan…

Tàu từ các ga lập tàu này có thể đi sang Nga qua tuyến Mãn Châu Lý - Zabaikalsk, đi tiếp các nước Châu Âu như Ba Lan, Đức… Hoặc theo tuyến phía Tây Trung Quốc, qua khu tự trị Tân Cương (ga Urumchi) đến ga Khorgos - ga trung chuyển, lập tàu lớn nhất biên giới Kazakhstan - Trung Quốc để chuyển tàu đi tiếp Nga, Châu Âu. Ngoài ra, còn có tuyến qua biên giới với Mông Cổ để sang nước thứ ba.

“Với chính sách “một hành lang, một con đường” hay chính sách phát triển "Con đường tơ lụa mới", tạo điều kiện, khuyến khích các doanh nghiệp dọc tuyến vận chuyển bằng đường sắt, Trung Quốc sẽ có cơ chế giá uyển chuyển hơn, thu hút nhiều mặt hàng hơn.

Còn tại Kazakhstan, đường sắt tồn tại nhờ hàng quá cảnh nên chính sách giá cước quá cảnh rất ưu đãi, cước đường sắt chỉ bằng 40% so với các nước khác. Ví dụ, giá cước chỉ 0,35 USD/container 40 feet/km. Đây sẽ là cơ hội vận chuyển cho nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Châu Âu với chi phí hợp lý, thời gian vận chuyển ngắn”, một lãnh đạo Vụ Hợp tác quốc tế Tổng công ty Đường sắt VN nói.

Giữa tháng 9/2021 vừa qua, Công ty Ratraco phối hợp với Công ty NLS (Trung Quốc) tổ chức các đoàn tàu chuyên container Hà Nội - Trùng Khánh. Đoàn tàu khai trương với thành phần 23 container chuyên chở hàng hóa là máy móc, thiết bị văn phòng, hàng dệt may, tổng giá trị khoảng 2,26 triệu USD. Theo lịch trình, tàu sẽ đến Trùng Khánh trong 5 ngày.

Sau khi đến Trùng Khánh, toàn bộ lô hàng sẽ được tiếp chuyển và kết nối vào đoàn tàu chuyên container Á - Âu để vận chuyển đến trung tâm Châu Âu.

Sau chuyến tàu này, hai bên tiếp tục đẩy mạnh khai thác hàng hóa để vận chuyển theo các đoàn tàu chuyên container xuất phát thứ tư, chủ nhật hàng tuần sang Trung Quốc.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.