Khi chiếc rover tự hành Perseverance của NASA hạ cánh xuống sao Hỏa vào tháng 2/2021, nó không đơn độc. Ngoài trực thăng Ingenuity, chiếc rover còn mang theo một bộ dụng cụ khoa học được thiết kế để tìm kiếm các dấu hiệu cổ xưa của sự sống.
Và dưới bụng của Percy (tên thân mật mà NASA gọi cho Perseverance) còn có MOXIE - Thiết bị tận dụng tài nguyên tạo oxy tại chỗ trên sao Hoả.
Tàu thám hiểm tự hành Perseverance cùng các dụng cụ khoa học gắn trên mình nó. Nguồn: NASA
Ba tháng sau khi cùng tàu thám hiểm Perseverance đặt chân lên Hành tinh Đỏ, MOXIE đã tìm cách chiết xuất oxy lần đầu tiên, một kỳ tích mà nó sẽ lặp lại 15 lần nữa trong chuỗi hoạt động của mình.
Ngày 20/4/2021 ghi một dấu mốc trong lịch sử của NASA khi MOXIE tạo ra được 5 gram oxy đầu tiên từ bầu khí quyển sao Hỏa.
Suốt 2 năm qua, MOXIE đã tạo ra oxy thành công từ bầu khí quyển giàu Carbon dioxide (CO2) của sao Hỏa bằng các quá trình điện hóa. Tổng cộng, cho đến nay, MOXIE đã tạo ra 122 gram oxy - tương đương lượng oxy mà một chú chó nhỏ thở trong 10 giờ.
Oxy là nguyên tố phổ biến thứ ba trong vũ trụ, sau hydro và heli (theo khối lượng); và nó cũng là nguyên tố phổ biến nhất (theo khối lượng) trong lớp vỏ Trái đất, chiếm gần một nửa khối lượng của lớp vỏ, The Guardian cho biết.
MOXIE hoàn thành sứ mệnh xuất sắc
Tính cho đến nay, thí nghiệm đầu tiên thuộc loại này đã kết thúc và vượt quá sự mong đợi của NASA. Khả năng của MOXIE đã chứng minh rằng oxy dùng cho các hệ thống hỗ trợ sự sống và nhiên liệu tên lửa có thể được tạo ra trên sao Hỏa thay vì được vận chuyển từ Trái đất. Nói cách khác nó là công cụ cho phép con người khám phá sao Hỏa trong nay mai.
MOXIE - Thiết bị tận dụng tài nguyên tạo oxy tại chỗ trên sao Hoả. Nguồn: NASA
Trudy Kortes, Giám đốc trình diễn công nghệ thuộc Ban Giám đốc Sứ mệnh Công nghệ Vũ trụ (STMD) của NASA cho biết: "Bằng cách chứng minh công nghệ này trong điều kiện thực tế, chúng tôi đã tiến một bước gần hơn tới tương lai trong đó các phi hành gia sẽ 'sống ngoài Trái đất' trên Hành tinh Đỏ".
Giống như máy bay trực thăng Ingenuity được gửi đến để trình diễn công nghệ nhằm chứng minh khả năng bay có điều khiển và chạy bằng năng lượng trên các hành tinh khác, MOXIE cũng được gửi đến để kiểm tra xem công nghệ của con người trên các hành tinh khác có thể được sử dụng như thế nào để giúp loài người chúng ta tồn tại ngoài Trái đất.
Thành công của MOXIE đã chứng minh rằng: Sử dụng tài nguyên tại chỗ, hay ISRU, hoàn toàn khả thi. Từ việc chiết xuất nước từ lớp đất mặt trên Mặt trăng đến oxy từ bầu khí quyển khó thở của sao Hỏa, ISRU là một cách hợp lý hơn để tìm ra sự tồn tại ngoài Trái đất hơn là vận chuyển mọi thứ con người cần từ Đốm Xanh Mờ (Pale Blue Dot - ý chỉ Trái đất) của chúng ta.
Hình ảnh Perseverance của NASA hạ cánh xuống sao Hỏa vào tháng 2/2021. Nguồn: NASA
Michael Hecht, Phó giám đốc dự án của Kính thiên văn Chân trời Sự kiện (kính chụp được Hố đen đầu tiên trong lịch sử hồi tháng 4/2019) và là nhà nghiên cứu chính của MOXIE, cho biết: "MOXIE rõ ràng đã đóng vai trò là nguồn cảm hứng cho cộng đồng ISRU. Nó cho thấy NASA sẵn sàng đầu tư vào những loại công nghệ tương lai này. Và nó đã mở ra hành trình mới cho ngành công nghiệp tài nguyên vũ trụ đầy thú vị".
MOXIE là một cuộc trình diễn công nghệ hiện đại, đồng thời cho thấy ISRU có thể - và có thể sẽ - được đưa vào sử dụng bên ngoài hành tinh trong tương lai.
Các khái niệm sứ mệnh mới đang trình bày những cách thức mới mà con người có thể tối ưu hóa môi trường cho hoạt động nghiên cứu khoa học và cho các phương tiện khác, như khai thác mỏ. Bước tiếp theo là Mặt trăng - trọng tâm trong sứ mệnh Artemis của NASA.
Hiện, NASA chưa có kế hoạch ngay lập tức cho lần lặp lại thí nghiệm sản xuất oxy lần thứ hai tại sao Hỏa, nhưng MOXIE của Perseverance đã đặt nền tảng tuyệt vời cho các cuộc trình diễn công nghệ trong tương lai.
Và ngay cả khi các thí nghiệm sản xuất oxy trong tương lai được đặt tên khác, không có dự án nào trong không gian có thể được thực hiện nếu không có công sức của MOXIE.
Lập bản đồ sao Hỏa - Mars Atlas
"Một ngày nào đó, chúng ta có thể là người sao Hỏa. Sinh ra và lớn lên ở đó" - CNN bình luận. Tại sao lại vậy?
Sau khi MOXIE hoàn thành xuất sắc sứ mệnh tạo oxy trên sao Hỏa, NASA đang triển khai tiếp công việc tiếp theo của mình.
Họ đang dành một năm trong môi trường sống mô phỏng trên sao Hỏa ở Texas (Mỹ), để chuẩn bị cho kế hoạch đầy tham vọng của cơ quan vũ trụ nhằm đưa các phi hành gia đầu tiên lên sao Hỏa sớm nhất là vào những năm 2030.
Trong khi đó, Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) đang chuẩn bị cho chuyến du hành đầu tiên từ Trái đất đến sao Hỏa vào cuối thập kỷ này.
Nhưng trước khi định cư trên sao Hỏa, con người cũng cần hiểu rõ địa hình và thời tiết Hành tinh Đỏ là như thế nào. Các nhà nghiên cứu tại Đại học New York Abu Dhabi (NYUAD) đang đưa giấc mơ sống trên sao Hỏa này đến gần hơn với thực tế với Mars Atlas của họ.
Bản đồ sao Hỏa này do các nhà nghiên cứu tại Đại học New York Abu Dhabi tạo ra, sử dụng các bức ảnh màu của toàn bộ hành tinh do tàu thăm dò Hope chụp. Nguồn: EMM/EXI/Dimitra Atri/NYU Trung tâm Vật lý Thiên văn và Khoa học Vũ trụ Abu Dhabi
Dimitra Atri, người đứng đầu Nhóm Nghiên cứu Sao Hỏa, cho biết: Sau khi kết hợp cẩn thận hơn 3.000 hình ảnh có độ phân giải cao do tàu thăm dò Hope của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất thu thập – tàu đã quay quanh sao Hỏa từ năm 2021 – nhóm đã tạo ra "một bức tranh khảm màu tuyệt đẹp về toàn Hành tinh Đỏ".
Các nhà khoa học cho biết, bầu khí quyển sao Hỏa rất mỏng, điều này không giúp tàu vũ trụ giảm tốc trong quá trình tiếp cận. Do đó, việc hiểu các kiểu thời tiết hàng ngày và theo mùa trên sao Hỏa có thể giúp các nhà nghiên cứu xác định thời gian và địa điểm an toàn nhất để hạ cánh.
Nguồn: CNN, Gizmodo
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận