Đường sắt

TCT Công trình đường sắt khẳng định thương hiệu trên từng công trình, dự án

19/01/2025, 20:50

Tổng công ty Công trình đường sắt tiếp tục ghi dấu đơn vị xây lắp tiên phong tại dự án xây mới cầu Phong Châu, khẳng định thương hiệu trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng.

Sàng nhịp thép cầu Phong Châu, đảm bảo mặt bằng thi công cầu mới

Ngày 19/1, trên công trường dự án đầu tư xây dựng cầu Phong Châu mới (tỉnh Phú Thọ), Công ty CP Tổng công ty Công trình đường sắt (RCC) đã tập trung nhân lực, thiết bị thực hiện thành công sàng nhịp dàn thép số 5 cầu cũ sang trụ tạm theo đúng tiến độ kế hoạch.

Thông tin với Báo Giao thông, ông Võ Văn Phúc, Tổng giám đốc RCC cho biết, sự cố sập cầu Phong Châu do ảnh hưởng của bão Yagi gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản, làm gián đoạn giao thông trên tuyến quốc lộ 32C.

TCT Công trình đường sắt khẳng định thương hiệu trên từng công trình, dự án- Ảnh 1.

RCC huy động nhân lực, thiết bị tiến hành sàng nhịp dầm thép cầu Phong Châu cũ sang trụ tạm.

Việc sớm khắc phục hậu quả, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng cầu Phong Châu là nhiệm vụ cấp bách, đưa công trình vào khai thác trong năm 2025. Để đảm bảo tiến độ xây dựng cầu mới, hạng mục tháo dỡ phần còn lại của cầu Phong Châu cũ rất quan trọng, yêu cầu tiến độ khẩn trương, gấp rút để có mặt bằng cho thi công cầu mới.

Tuy nhiên, việc di dời nhịp dầm thép rất phức tạp. Nhịp có chiều dài 66m, trong khi điều kiện thi công trên sông nước chảy xiết, mặt bằng chật hẹp lại bố trí nhiều mũi thi công cùng lúc, tiến độ tháo dỡ gấp gáp để phục vụ thi công cầu mới.

Với kinh nghiệm thi công nhiều công trình cầu đường sắt, đường bộ, trong đó có hạng mục di dời cầu cũ, RCC đã được tin tưởng giao thực hiện hạng mục khó khăn này. Giải pháp được lựa chọn là sàng ngang nhịp dàn sang phía hạ lưu tạo mặt bằng phục vụ thi công kết cấu phần dưới của cầu chính, sau đó tháo dỡ dàn thép trên hệ trụ tạm sàn đạo.

"RCC đã đã bố trí đội ngũ kỹ sư có kinh nghiệm cùng các công nhân lành nghề và các thiết bị thi công hiện đại nhất, tổ chức thi công 3 ca/ngày để đạt tiết độ chung của dự án. Đến nay đã tiến hành xong phần việc vô cùng quan trọng: Sàng nhịp thành công, an toàn mọi mặt", ông Phúc phấn khởi nói và cho biết, ngay sau đây RCC tiếp tục tập trung tháo dỡ nhịp dầm thép này.

Khẳng định thương hiệu, uy tín trên các công trình đường sắt, đường bộ

Ông Phúc nhấn mạnh, hạng mục sàng, tháo dỡ nhịp dầm thép cầu Phong Châu cũ chỉ là phần việc nhỏ nhưng với RCC có ý nghĩa quan trọng, vì đã đóng góp được vào công trình quan trọng, cấp bách; đồng thời qua đó tiếp tục khẳng định năng lực, kinh nghiệm, uy tín của RCC trong thi công các công trình, dự án. Nhất là trong thi công đường sắt nói chung, cầu đường sắt nói riêng với giải pháp tương tự trong điều kiện thi công đặc thù: vừa tổ chức chạy tàu, vừa thi công.

TCT Công trình đường sắt khẳng định thương hiệu trên từng công trình, dự án- Ảnh 2.

Nhịp dầm thép số 5 cầu Phong Châu cũ đã được sàng thành công sang trụ tạm, để nhà thầu xây lắp có mặt bằng thi công cầu mới.

Có thể kể đến công trình ghi dấu ấn nổi bật nhất của RCC là thi công cầu Đa phúc Km20+202 trên tuyến đường sắt Đông Anh - Quán Triều. Đây là công trình cầu đường sắt cấp đặc biệt, dầm cầu dài 110m, cao 15m, trọng lượng dầm 550 tấn, thi công trong điều kiện vừa thi công vừa đảm bảo ATGT đường sắt, ATGT đường thủy. RCC đã lựa chọn phương án lắp dầm trên bãi sau đó lao dọc dầm vượt sông (di chuyển dọc) trên hệ trụ tạm rồi sàng ngang dầm vào vị trí chạy tàu (vào tim tuyến).

Hay năm 2021, RCC đã hoàn thành Gói thầu XL-CY-07: Thi công 13 cầu địa phận từ Thừa Thiên Huế (cầu Km 681+884) đến Quảng Ngãi (cầu Km 939+419) thuộc dự án Cải tạo nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống va xô tuyến đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh (Dự án 7.000 tỷ). Trong gói thầu này có cầu đường sắt Km939+419, có nhịp dầm thép chiều dài nhịp là 67,4m, điều kiện vừa thi công vừa phải đảm bảo an toàn chạy tàu. RCC đã thực hiện phương án thi công lắp dầm trên sàn đào, sau đó sàng ngang dầm và vị trí chạy tàu.

Gần đây nhất, ngày 22/12/2024, RCC đã hoàn thành việc sàng ngang nhịp dầm thép dài 66,4m, trọng lượng 263 tấn của cầu Lương Mục Km230+680 trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh vào vị trí chạy tàu.

Đây chỉ là một số công trình RCC đã thi công thành công những năm qua. Qua đó, giữ vững thương hiệu doanh nghiệp hàng đầu trên thị trường xây lắp lĩnh vực đường sắt và cả đường bộ qua các công trình tiêu biểu.

Đó là công trình cầu đường sắt cấp I: cầu Thịnh Kỷ Km42+272 tuyến đường sắt Hà Nội - Phố Lu; Cầu đường sắt cấp đặc biệt: cầu Đa Phúc Km20+202 trên tuyến đường sắt Đông Anh - Quán triều; Gói thầu CP 3C: Dự án nâng cao an toàn cầu đường sắt trên tuyên Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh (vốn ODA).

Gói thầu số 12: Thi công xây dựng hạng mục gia cố công trình hầm Babonneau, dự án Gia cố các hầm yếu kết hợp mở mới các ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh - Nha Trang, tuyến đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh. Gói thầu số 11A: Thi công xây dựng gia cố các hạng mục công trình hầm số 1, số 2, số 3, Phủ Cũ, Chí Thạnh, Vũng Rô 1, Vũng Rô 4 và Bãi Gió; Dự án giá cố các hầm yếu kết hợp mở mới các ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh - Nha Trang, tuyến đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh…

Cùng đó các cầu đường bộ: Cầu An Đông thuộc dự án đường ven biển tỉnh Ninh Thuận, chiều dài nhịp lớn nhất là 140m; Cầu Nhật Lệ 2, dự án cầu Nhật lệ 2 thành phố đồng Hới, tỉnh Quảng Bình; Cầu Cửa Việt, dự án đầu tư xây dựng cầu Cửa Việt, huyện Gio Linh và Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị…

Chuẩn bị sẵn sàng tâm thế nhập cuộc thị trường đường sắt rộng mở

Tổng giám đốc RCC Võ Văn Phúc cho biết, để có được thành quả, uy tín như hiện nay, RCC đã có cả quá trình xây dựng và trưởng thành hơn 50 năm gắn với lịch sử phát triển ngành đường sắt và đóng góp một phần vào phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt, đường bộ của đất nước.

TCT Công trình đường sắt khẳng định thương hiệu trên từng công trình, dự án- Ảnh 3.

RCC thi công nhiều gói thầu dự án 7.000 tỷ cải tạo, nâng cấp đường sắt Bắc - Nam.

Công ty CP Tổng công ty Công trình đường sắt tiền thân là Xí nghiệp Liên hiệp công trình đường sắt được thành lập năm 1973, nhiệm vụ thi công cải tạo sửa chữa, mở rộng, làm mới các công trình cầu đường, kiến trúc, thông tin tín hiệu trong ngành đường sắt. Sau chiến thắng mùa xuân 1975, thống nhất đất nước, đơn vị tham gia thi công khôi phục tuyến đường sắt Thống nhất Bắc - Nam và nhiều công trình khác, đảm bảo GTVT đường sắt thông suốt, phục vụ vận tải.

Giai đoạn 1993-2018 là giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ của tổng công ty. Công ty đạt kết quả kinh doanh đạt vượt trội, có thời điểm sản lượng đạt trên 1.000 tỷ; nhiều năm liền tổng công ty đứng trong tốp VNR 500 (tốp 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam). Năm 2018, RCC tiến hành thoái hết 100% vốn Nhà nước. Từ đây, RCC bước sang một chặng đường mới đầy khó khăn thách thức, nhưng vẫn luôn duy trì được thương hiệu hàng đầu lĩnh vực xây lắp đường sắt.

"Ngày 28/2/2023 Bộ Chính trị có Kết luận số 49-KL/TW về định hướng phát triển GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Ngày 30/11/2024, Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đang được chuẩn bị đầu tư. Cùng đó là các tuyến đường sắt đầu tư mới theo quy hoạch, đường sắt đô thị…

Đây thực sự là cơ hội lớn, thị trường xây lắp lĩnh vực đường sắt rộng mở, nhưng đồng thời cũng đầy thách thức đối với các doanh nghiệp, trong đó có RCC. Để có thể sẵn sàng tham gia thị trường này, đặc biệt là với các dự án động lực như đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đòi hỏi rất cao về công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực từ quản lý đến thi công trực tiếp. RCC xác định phải chuẩn bị từ bây giờ.

"RCC hướng tới là đơn vị tiên phong trong cung cấp các giải pháp hiệu quả cho các công trình, dự án, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua các hợp tác với các đối tác. Cử cán bộ học tập, công nhân thực hành ở nước ngoài, tiếp thu công nghệ từ các nước có đường sắt phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đức, Na Uy. Đầu tư nâng cao năng lực thiết bị thi công hiện đại.

Cùng đó, tiếp tục tái cơ cấu doanh nghiệp, phát huy nội lực, đổi mới công tác quản lý, đầu tư, tăng năng suất lao động và hiệu quả SXKD, nâng cao năng lực cạnh tranh. Mục tiêu là phát triển bền vững; xây dựng RCC hướng đến tương lai luôn vững vàng vị trí số một", Tổng giám đốc RCC Võ Văn Phúc nhấn mạnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.