Mỗi độ xuân về, trong không khí tất bật chuẩn bị chào đón năm mới, nhiều người dân Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) còn đau đáu với nỗi lo kẹt xe. Họ sợ cái cảnh hằng hà sa số phương tiện chen chúc nhau để về nhà tại một số cửa ngõ trọng điểm miền Tây như cầu Rạch Miễu, Mỹ Thuận… Một số người còn đùa rằng: "Kẹt xe là đặc sản ngày Tết".
Kẹt xe đã không còn là đặc sản ngày Tết
Đó là câu chuyện của những năm về trước.
Những ngày cận và trong tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, xe cộ từ các tỉnh, thành Tây Nam Bộ vẫn tấp nập lưu thông về các tỉnh miền Tây và ngược lại.
Chỉ khác biệt, các dòng phương tiện đã được phân tách. Xe vận chuyển hành khách, hàng hóa, ô tô… hầu hết lưu thông theo tuyến cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ. Còn xe máy di chuyển trên cầu Mỹ Thuận và quốc lộ 1.
Việc Bộ GTVT quyết tâm đưa hai đại công trình cầu Mỹ Thuận 2, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ khai thác vào cuối năm 2023, giúp việc đi lại của bà con đã bớt nhọc nhằn.
Nhờ vào cây cầu và tuyến cao tốc mới nối liền mạch cao tốc từ TP.HCM về Cần Thơ, đã rút ngắn thời gian di chuyển từ hơn 4 giờ xuống hơn 2 giờ.
"Trước đây, cứ mỗi khi Tết hoặc ngày lễ, tôi lại lo kẹt cầu, kẹt đường. Có những năm gia đình tôi tranh thủ về quê từ sớm và đi vào buổi khuya nhưng vẫn kẹt xe trên cầu Mỹ Thuận, nhích từng chút một.
Nhưng giờ có cầu Mỹ Thuận 2, có cao tốc, gia đình tôi chạy một mạch từ TP.HCM đến Cần Thơ chỉ mất tầm 3 giờ. Chưa bao giờ đường về quê ngày Tết lại thoải mái, thong thả đến vậy", anh Nguyễn Thái Thuận (ngụ tỉnh Cà Mau) hồ hởi.
Trước đây, cung đường TP.HCM - Cần Thơ không may có một xe ô tô gặp sự cố, tai nạn là không tránh khỏi tình trạng ùn ứ phương tiện trong hàng giờ do không có một lộ trình nào để thay thế. Nay, cao tốc có nghẽn thì quốc lộ 1 đã có thể "chia lửa" và ngược lại. Các đơn vị vận chuyển hành khách, hàng hóa phấn khởi khi có thể tiết kiệm cả triệu đồng tiền xăng và thoát cảnh kẹt xe dịp Tết.
"Tết, lượng khách có nhu cầu thuê xe dịch vụ di chuyển tăng cao. Những năm trước, lên cầu Mỹ Thuận mà gặp đúng lúc có va chạm giao thông, tài xế phải nằm chờ vài tiếng mới có thể di chuyển tiếp.
Nhưng năm nay, tôi ở nhà cập nhật thông tin liên tục, chỉ cần thấy thông tin có tai nạn là tôi báo ngay cho tài xế, lập tức thay đổi lộ trình. Vừa tiết kiệm thời gian, vừa đảm bảo sức khỏe cho tài xế để chở bà con được an toàn", anh Lê Anh Tuấn, chủ một cơ sở cho thuê xe dịch vụ phấn khởi.
Niềm vui của những người đi xây cầu, mở đường
Cầu Mỹ Thuận 2 là công trình có quy mô lớn, nằm cách cầu Mỹ Thuận khoảng 350m. Tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng. Đây là công trình hoàn toàn do các kỹ sư, công nhân Việt Nam tự thực hiện từ khâu quản lý dự án, thiết kế, giám sát và thi công.
Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông, có chiều dài gần 23km, tổng mức đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng.
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) lần lượt giao Ban quản lý dự án 7, Ban quản lý dự Mỹ Thuận làm chủ đầu tư thực hiện hai công trình.
Để kịp đưa các công trình vào phục vụ bà con trong dịp tết Nguyên đán, các chủ đầu tư, công nhân và kỹ sư cầu đường đã phải nỗ lực làm việc bất kể ngày đêm.
"Tham gia dự án cầu Mỹ Thuận 2 từ những ngày đầu, đã trải qua ba dịp Tết, tận mắt chứng kiến và trải nghiệm cảnh kẹt xe, ùn tắc giao thông qua cầu Mỹ Thuận mỗi dịp trước và sau Tết nên tôi rất vui khi Tết này người dân miền Tây không còn phải chịu cảnh kẹt xe, ùn tắc khi qua cầu Mỹ Thuận.
Cầu Mỹ Thuận 2 hoàn thành sẽ kết nối tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ, nối hai tỉnh Vĩnh Long và Tiền Giang, nối thông trục đường huyết mạch, có lưu lượng giao thông lớn bậc nhất trong các trục quốc lộ chính trong khu vực. Đây là mục tiêu trực tiếp được đặt ra khi triển khai dự án cầu Mỹ Thuận 2.
Vì vậy, ngay từ khi bắt đầu triển khai, tất cả các đơn vị tham gia dự án đã đặt quyết tâm rất cao. Nhất định phải đưa dự án về đích đúng hẹn với chất lượng cao nhất", ông Lê Quốc Dũng, Phó giám đốc Ban quản lý dự án 7 chia sẻ.
Nhớ những ngày chạy nước rút để hoàn thành cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ kịp tiến độ, ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận chỉ gói ghém trong ba từ: "Quá khó khăn".
Đó là những chuỗi ngày hàng nghìn công nhân bám trụ trên công trường, ngày đêm thi công các hạng mục còn lại. Là sự san sẻ nhân lực, vật lực, hỗ trợ giữa các nhà thầu chỉ với một mục tiêu duy nhất là thực hiện niềm mong mỏi của hơn 12 triệu người dân ĐBSCL.
"Dự án có mục đích ý nghĩa rất to lớn, không chỉ giải quyết nhu cầu kết nối giữa TP.HCM với thành phố Cần Thơ - trung tâm văn hóa, kinh tế của vùng ĐBDCL mà còn là sự mong mỏi của người dân khu vực này từ rất lâu.
Từ đó, anh em ở Ban cảm thấy trách nhiệm rất lớn trong việc hoàn thành dự án, phục vụ người dân, kết nối giao thông, giao thương kinh tế, phục vụ các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực ĐBSCL và quyết tâm hoàn thành đưa dự án vào phục vụ bà con trong dịp Tết này.
Ngoài sự nỗ lực, quyết tâm của Ban, các anh em công trường còn phải kể đến sự quan tâm của Thủ tướng Chính phủ, sự chỉ đạo sát sao của Bộ GTVT đặc biệt là Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm và sự phối hợp của các địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng, vật liệu", ông Thi nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận