Hình ảnh Táo quân lên chầu trời luôn gắn với phương tiện di chuyển là cá chép. Ở nhiều địa phương, cá chép là thứ nhất định phải có trong ngày 23 tháng Chạp, khi cúng ông Công ông Táo.
Theo tín ngưỡng văn hóa dân gian, cá chép là loài vật linh thiêng. Con cá chép là con vật có thể bơi được dưới sông nước rồi sau đó hoá rồng. Cá chép cũng được xem là phương tiện để đưa ông Táo về trời, báo cáo với Ngọc Hoàng những chuyện trong năm của các gia đình nơi hạ giới.
Tục lệ thả cá chép còn thể hiện sự từ bi, nhân ái của người Việt, đồng thời cũng thể hiện cho tinh thần vượt khó để hướng đến những điều tích cực và tốt đẹp hơn.
Vào ngày ông Công ông Táo, mỗi gia đình thường chuẩn bị 3 con cá chép sống được thả trong chậu nước, cúng cùng các đồ lễ khác. Sau khi cúng xong sẽ đem những con cá này phóng sinh ở sông, ao, hồ... để tiễn ông Công ông Táo về trời.
Theo quan niệm dân gian, cá chép phải được thả trước giờ Ngọ (12h trưa ngày 23 tháng Chạp) thì mới kịp lên Thiên đình. Nếu cúng cá chép sống thì sau khi làm lễ xong, gia chủ đem cá ra sông, hồ thả với tâm thế vui vẻ, thoải mái, cùng niềm tin cá sẽ đưa ông Táo về trời, điều này sẽ mang nhiều may mắn đến cho gia đình gia chủ.
Trong lúc thả cá nên nhẹ nhàng, từ từ để tránh va chạm mạnh làm cá chết. Sau khi thả cá xong nên lưu lại xem cá đã bơi đi chưa, tránh tình trạng cá mắc kẹt chưa bơi đi hoặc chưa kịp định hướng nên bơi ngược, bị sóng xô dạt lại vào bờ.
Nếu đựng cá trong túi nylon thì khi thả, nên lấy một ít nước ở môi trường mới hòa vào túi để cho cá thích nghi trước. Gia chủ cũng cần chọn mua những con cá chép khỏe mạnh để cá có thể sống được lâu ở nơi nước lạ.
Cần chọn những ao, hồ nước sạch, không gian rộng và không quá ô nhiễm.
Khi thả, không đứng trên cao đổ xuống hay vứt cả túi cá xuống, làm như vậy cá có thể bị chết, gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Chọn chỗ mép nước gần, nhẹ nhàng nghiêng bát hoặc túi để cá tự quẫy, bơi vào dòng nước.
(Bài viết mang tính tham khảo)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận