Hồ sơ tài liệu

Thái Lan bác tin giới chức giúp bà Yingluck trốn thoát

29/08/2017, 07:53

Các cơ quan chức năng Thái Lan đang điều tra làm rõ khả năng bà Yingluck có thể đã trốn ra nước ngoài.

16

Người ủng hộ bà Yingluck biểu tình trước Tòa án Tối cao tại Bangkok trong ngày diễn ra phiên tòa xét xử

Ngày 28/8, các quan chức Chính phủ Thái Lan lên tiếng làm rõ tin đồn cuối tuần qua về việc cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra bỏ trốn ra nước ngoài để né tránh xét xử những sai phạm của bà trong chính sách hỗ trợ gạo khi còn đương nhiệm.

Cơ quan chức năng lên tiếng

Tờ Bangkok Post dẫn lời Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha cho biết, các cơ quan chức năng đang điều tra làm rõ khả năng bà Yingluck có thể đã trốn ra nước ngoài. Thủ tướng đương chức bác bỏ mọi cáo buộc cho rằng cơ quan an ninh Thái Lan giúp đỡ bà Yingluck đào tẩu. Báo Bangkok Post dẫn lời một số trợ lý của bà Yingluck tiết lộ, lâu nay, luôn có cảnh sát mặc thường phục theo sau bà Yingluck.

Thậm chí, cả quân nhân mặc quân phục được triển khai theo sau khi bà gặp người ủng hộ trong một chuyến đi liên tỉnh hồi năm ngoái. Phó thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prawit Wongsuwan cũng xác nhận, luôn có nhân viên an ninh theo dõi sát sao bà Yingluck nhưng bà vẫn có thể biến mất vì sở hữu rất nhiều phương tiện.

Ngoài ra, cũng trong phát ngôn cùng ngày, Thủ tướng Thái Lan bác bỏ các cáo buộc nói Chính phủ cố tình để bà Yingluck ra đi và nhắc nhở mọi người nên nhớ lại, chính cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, anh trai bà Yingluck cũng đã trốn ra nước ngoài như vậy. Theo Thủ tướng, nếu việc bà Yingluck trốn ra nước ngoài là thật, bước tiếp theo chính quyền sẽ thực hiện đó là tước bỏ hộ chiếu Thái Lan của bà. “Đây là thủ tục bình thường. Chúng tôi sẽ xem xét mọi khía cạnh pháp lý để quyết định thủ tục cần làm”, ông Chan-o-cha cho biết.

Sau Thủ tướng, cùng ngày Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan cũng trả lời báo chí về nghi vấn bà Yingluck bỏ trốn. Hãng tin Reuters dẫn lời ông Prawit Wongsuwan, Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan đồng thời cũng là Phó Thủ tướng nói: “Chúng tôi không biết bà Yingluck đã chạy trốn đi đâu và bà đã xin tị nạn hay chưa. Chúng tôi chưa ra yêu cầu dẫn độ bà về nước”, ông Wongsuwan nói thêm.

Trả lời phóng viên về nghi vấn tại sao bà Yingluck có thể đào tẩu ra nước ngoài êm đẹp mà lực lượng an ninh không hề hay biết, ông Prawit chỉ nói một câu: “Làm sao tôi biết được?”. Phó cảnh sát trưởng Cảnh sát Quốc gia - Tướng Srivara Ransibrahmanakul cho biết, những thông tin tình báo cảnh sát thu thập được cho thấy bà Yingluck vẫn ở nhà tại Bangkok cho đến ít nhất 14h ngày 24/8.

Phiên tòa xét xử bà Yingluck diễn ra tại Bangkok vào ngày 25/8 và thông tin bà biến mất cũng rộ lên cùng ngày. Theo người phát ngôn Bộ Quốc phòng Thái Lan Kongcheep Tanatravanichm, ông tự tin khẳng định nữ cựu Thủ tướng không còn ở Thái Lan và cơ quan điều tra đang vào cuộc để làm rõ.

Có hết bế tắc?

Tờ New York Times cho biết, đối với Thái Lan, sự ra đi của bà Yingluck Shinawatra là dấu chấm hết của một thời đại khi anh em nhà Shinawatra - những người theo phái dân túy điều hành đất nước, quan tâm hỗ trợ đặc biệt tới người nghèo ở nông thôn. Kể từ cuộc bầu cử của ông Thaksin năm 2001, xã hội Thái Lan bị chia rẽ giữa người nghèo ở nông thôn và người giàu ở thành thị. Dưới thời bà Yingluck, sau khi bà thắng cử và nhậm chức Thủ tướng năm 2011, đường phố Thái Lan không ít lần tê liệt vì các cuộc biểu tình giữa hai nhóm này.

Bà Yingluck bị buộc rời khỏi ghế Thủ tướng vào tháng 5/2014 và quân đội nắm quyền kiểm soát 15 ngày sau đó. Năm ngoái, lãnh đạo Thái Lan thông qua hiến pháp mới cho phép lực lượng vũ trang giành nhiều quyền hơn và hạn chế tối thiểu cơ hội cho phép một người theo chủ nghĩa dân túy khác thắng cử chức Thủ tướng.

Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Chulalongkorn, Thái Lan, ông Thitinan Pongsudhirak cho biết: “Thái Lan đã và đang bế tắc trong 2 thập kỷ trở lại đây. Đến nay, đất nước này vẫn đang bị chia rẽ và phân cực”.

Ông Thitnan cho rằng, ông sẽ không ngạc nhiên nếu có nhân sự quyền lực giúp bà Yingluck ra khỏi đất nước. Sự ra đi của bà Yingluck có lợi cho giới cầm quyền Thái Lan vì củng cố thêm cơ sở rằng chính sách hỗ trợ giá gạo của bà có hiện tượng tham nhũng và bà Yingluck biết điều đó. Đây là lý do dẫn tới cuộc đảo chính và lật đổ bà Yingluck năm 2014.

Giáo sư Thitman cho rằng, tương lai Thái Lan phụ thuộc vào việc quân đội nước này có đủ khả năng giải quyết mâu thuẫn tồn đọng trong xã hội hiện nay, nâng mức sống cho người nông dân nghèo vốn ủng hộ bà Yingluck hay không. “Nếu không làm được, bế tắc chính trị sẽ còn tiếp diễn”, ông Thitman nhận định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.